Tây Ninh trồng bạt ngàn loại quả ăn ngọt lịm, vỏ cũng làm được nước sát khuẩn, mỹ phẩm

Nguyễn Vy Thứ bảy, ngày 12/03/2022 11:46 AM (GMT+7)
Trích ly thành công chất polyphenol từ phế phẩm và phụ phẩm cây mãng cầu để làm nước sát khuẩn, nước rửa rau củ quả và mỹ phẩm là giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao giá trị trái mãng cầu Tây Ninh.
Bình luận 0

Nước sát khuẩn từ mãng cầu

Mãng cầu không chỉ là đặc sản mà còn là nông sản chủ lực của tỉnh Tây Ninh. Với diện tích trồng mãng cầu lớn nhất nước (hơn 5.000ha), mỗi năm, Tây Ninh cung ứng ra thị trường hơn 68.000 tấn, năng suất bình quân 14 tấn/ha.

Hầu hết các diện tích trồng mãng cầu ở Tây Ninh hiện nay đều áp dụng kỹ thuật xử lý mãng cầu ra hoa trái vụ. Vì vậy, tỉnh Tây Ninh luôn có sản phẩm mãng cầu dồi dào cung ứng cho thị trường hàng năm. 

Nhưng trong quá trình canh tác, người dân trồng mãng cầu thường phải trả một khoản chi phí khá lớn cho việc tuốt lá tỉa cành, tỉa trái non mỗi vụ. Sau khi tuốt lá và tỉa trái non, người dân thường bỏ lại nguồn phụ phẩm này trên ruộng để tự phân hủy, làm phân hữu cơ.

Ông Huỳnh Biển Chiêu - nông dân trồng mãng cầu ở TP.Tây Ninh cho biết, trái mãng cầu còn có một nhược điểm rất lớn là chín nhanh và dễ hỏng, sau khi cắt bỏ khỏi cành. Lượng trái hư hỏng, không đạt chuẩn hình thức nên không bán được cũng một tỷ lệ không nhỏ sau mỗi vụ thu hoạch. 

"Nếu tận dụng được toàn bộ nguồn phụ phẩm này, người trồng sẽ có thêm được một nguồn thu giá trị, có ý nghĩa và thân thiện với môi trường" - ông Chiêu nói.

Tăng thu nhập từ phụ phẩm cây mãng cầu - Ảnh 1.

Phụ phẩm mãng cầu sẽ được tận dụng để làm ra sản phẩm mới. Ảnh: Nhà vườn phân loại mãng cầu bán cho khách hàng ở TP.Tây Ninh. Ảnh: Nguyễn Vy

"Khi các sản phẩm được thương mại hóa sẽ góp phần mang lại thu nhập tăng thêm cho người trồng mãng cầu, nâng cao giá trị cho mãng cầu Tây Ninh".

Ông Nguyễn Đình Xuân -

Giám đốc Sở NNPTNT Tây Ninh

Đây cũng là một trong những nhiệm vụ đặt ra cho Trung tâm Khoa học và công nghệ Tây Ninh (gọi tắt Trung tâm) nhằm đa dạng hóa các sản phẩm, nâng cao giá trị từ mãng cầu. 

Từ năm 2021 đến nay, nhiều giải pháp độc đáo, hữu ích đã được Trung tâm nghiên cứu thành công để áp dụng vào cuộc sống. Việc trích ly chất polyphenol từ phụ phẩm mãng cầu, bổ sung vào nước rửa tay sát khuẩn có ý nghĩa lớn trong công tác phòng chống dịch Covid-19 thời gian qua. 

Theo đó, các phụ phẩm từ vỏ, hạt, quả non và quả mãng cầu chín quá không bán được đều được tận dụng.

Chất polyphenol được trích ly từ nguồn phụ phẩm này sẽ bổ sung vào nước rửa tay sát khuẩn (dạng gel, dạng xịt phun xương) hoặc dung dịch sát khuẩn nước lau sàn. Chung tay phòng chống dịch Covid-19, năm 2021, Trung tâm đã gửi tặng 3.500 lít dung dịch sát khuẩn môi trường đến các bệnh viện, các khu cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Tại Hội thi Sáng tạo khoa học và kỹ thuật Tây Ninh lần thứ 12 năm 2021, giải pháp quy trình sản xuất nước rửa tay bổ sung polyphenol trích ly từ vỏ, hạt mãng cầu Tây Ninh của Trung tâm đã đạt nhì (không có giải nhất).

Nghiên cứu mới từ phụ phẩm mãng cầu

Ông Nguyễn Văn Lai - Giám đốc Trung tâm Khoa học công nghệ tỉnh cho biết, nước sát khuẩn bổ sung polyphenol từ mãng cầu vốn là sản phẩm ra đời từ nhu cầu phòng chống dịch bệnh. 

Mục tiêu của Trung tâm còn muốn hướng tới các dòng sản phẩm mỹ phẩm và nước rửa rau củ quả, cũng chiết xuất polyphenol từ vỏ và hạt mãng cầu. Trong đó, nước rửa rau củ quả bổ sung polyphenol là giải pháp nhằm bảo quản thực phẩm tốt hơn

Polyphenol được chiết xuất 100% nguồn gốc thiên nhiên từ vỏ và hạt mãng cầu, có hoạt tính sinh học như kháng khuẩn, kháng oxy hóa, kháng nấm vi trùng. Nước rửa rau củ quả sẽ làm giảm bớt lượng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, chất bảo quản còn sót lại trên bề mặt rau củ quả sau thu hoạch.

Với cách làm này, rau quả đảm bảo sạch hơn, an toàn hơn. Và quan trọng là rau quả vẫn giữ được độ giòn và tươi ngon mà vẫn đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Sản phẩm nước rửa rau củ được Trung tâm gửi đến Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 đánh giá các chỉ tiêu về chất lượng.

"Các giải pháp mới đã Trung tâm đã hoàn tất khâu nghiên cứu, và đang xin thủ tục để cấp phép sản xuất"- ông Lai cho biết.

Đối với ngành nông nghiệp, ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở NNPTNT Tây Ninh đánh giá, đây là những đề tài nghiêu cứu rất đúng hướng của Trung tâm. Việc trích xuất polyphenol là hướng đi hứa hẹn nhằm tận dụng nguồn phế phụ phẩm trong sản xuất mãng cầu. Đồng thời, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng trên thị trường, và có khả năng ứng dụng cao trong cuộc sống. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem