Tàu chìm ngoài khơi, đất liền chìm trong tang thương

Thứ ba, ngày 17/09/2013 19:51 PM (GMT+7)
Sáng vừa ngủ dậy thay vì nhận được tin mừng chồng và các bạn chài vào bờ thì bà Mỹ nhận được tin dữ. Một bạn chài gọi điện thông báo chồng bà chắc khó thoát do lúc tai nạn, ông đang nằm ngủ trong thân tàu.
Bình luận 0
Như Dân Việt đã đưa tin, 3h ngày 16.9, tại vùng biển cách Vũng Tàu 50 hải lý đã xảy ra một vụ va chạm giữa tàu hàng Sima Saphire (Singapore) với tàu cá mang số hiệu TG – 92819 TS của Tiền Giang. Vụ va chạm này khiến tàu cá của Tiền Giang bị chìm, 1 thuyền viên tử vong và 7 người khác mất tích.

Ngày 17.9, UBND tỉnh Tiền Giang cùng các sở, ban, ngành trong tỉnh đã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ cho mỗi gia đình các ngư dân trên tàu cá bị nạn kể trên, đang cư ngụ trên địa bàn các phường 2, phường 8 và phường 9 của TP.Mỹ Tho-Tiền Giang.

Dãy phòng trọ tại phường 9 (TP.Mỹ Tho, Tiền Giang), nơi các ngư phủ tá túc.
Dãy phòng trọ tại phường 9 (TP.Mỹ Tho, Tiền Giang), nơi các ngư phủ tá túc.

Bà Trần Kim Mai - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã ân cần thăm hỏi, chia sẻ nỗi đau mất người thân của gia đình 8 nạn nhân bị chết và mất tích, và trao mỗi gia đình 1 triệu đồng. Bà Mai cũng thông báo đến gia đình là ngành chức năng ở Trung ương, địa phương đang nỗ lực hết sức trong công tác cứu hộ các nạn nhân gặp nạn trên biển.

Chúng tôi tìm đến gia đình ông Nguyễn Văn Hơn (57 tuổi, ngụ phường 9, TP. Mỹ Tho)-chủ tàu cá TS 92819 TS.

Ông Hơn cho biết tới giờ phút này, sau khi đã trải qua hai ngày một đêm kể từ khi chiếc tàu của mình bị nạn, ông hiểu rằng đã hết hy vọng cứu được những người mất tích. Giờ ông chỉ mong sao sớm vớt được thi thể các anh em để đưa vào bờ chôn cất cho tử tế.

“Họ đều là những người gắn bó với tôi nhiều năm trời và thân thiết như anh chị em. Giờ họ bị nạn vậy tôi đau đớn vô bờ bến. Rồi còn người thân của họ nữa.”, ông Hơn buồn bã nói.

Theo ông Hơn cho biết, gần 5h ngày 16.9 ông nhận được hung tin chiếc tàu của mình bị lâm nạn trên biển Vũng Tàu, lúc đó ông như chết đứng vì không thể ngờ tai nạn ập đến.

Nhìn xa xăm ra bên ngoài ông Hơn kể, chiếc tàu đang trên đường vào bờ sau gần 2 tháng lênh đênh trên khu vực Nam Biển Đông. Từ đầu năm đến nay chưa có chuyến biển nào trúng lớn như chuyến này.

"Anh em bạn chài vui mừng lắm, mình cũng mừng lây vì nghĩ rằng mưa thuận gió hòa nên anh em mới được như vậy. Chuyến này về chắc được chia khá để nuôi vợ nuôi con. Nhưng ngờ đâu thiên tai không đến thì “nhân tai” xảy đến", ông Hơn tâm sự.

Tàu cá TG 92819 TS là tàu đánh bắt xa bờ có công suất gần 400 CV, chuyên đánh bắt cá nục, cá ngừ, bạc má và mỗi chuyến ra khơi kéo dài chừng hai tháng.

Ông Đỗ Dũng (41 tuổi, ngụ phường 2, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) cho biết, tới giờ này gia đình đã hết hi vọng cứu được người thân còn sống sót. Ông Dũng kể khoảng 10h ngày 16.9, ông nhận được chị dâu báo là anh ruột mình mất tích trên biển Vũng Tàu khi tàu cá đang quay đầu vào bờ sau một thời gian lênh đênh trên biển để đánh bắt.

Ông thu xếp lên Tiền Giang để trong chờ tin. Cũng theo ông Dũng cho biết mình có một người anh ruột tên Đỗ Ánh (43 tuổi), người anh rể là Đặng Văn Thơm (49 tuổi) và đứa cháu là Đặng Thành Được (19 tuổi) cùng đi trên chuyến tàu định mệnh bị chìm rạng sáng 16.9.

Trong số 8 người được cứu vớt kịp thời có cháu của ông Dũng là Đặng Thành Được. "Nhưng tới giờ Được vẫn chưa chịu vào bờ nên gia đình cũng chưa có được thông tin gì nhiều. Nó nhất quyết khi nào tìm được xác hai người thân thì mới chịu vào, gia đình giờ cũng chỉ biết ngồi chờ đợi", ông Dũng đau đớn nói.

Bà Nguyễn Thị Mỹ (45 tuổi, ngụ thị trấn Sông Đốc, Cà Mau)-vợ của ngư dân Nguyễn Văn Hiệp trên tàu cá TG 92819 TS, đầm đìa nước mắt kể: "Chiều tối hôm 15.9, ông Hiệp điện thoại về nhà cho vợ hay khoảng 6 đến 7h hôm 16.9 tàu sẽ vào tới bờ. Tàu đã lênh đênh trên biển ròng rã hai tháng trời nên nghe chồng nói vậy tôi mừng lắm. Vậy mà, sáng vừa ngủ dậy thay vì nhận được tin mừng chồng và các bạn chài vào bờ thì tôi nhận được tin dữ".

Một bạn chài của chồng bà là anh Nguyễn Văn Thanh điện về cho vợ thông báo là ông Hiệp chắc khó thoát. Do lúc xảy ra va chạm ông đang nằm ngủ trong thân tàu. Khi bà Mỹ nghe vợ anh Thanh nói vậy thì rụng rời chân tay, nước mắt ngắn nước mắt dài tuôn rơi.

Tuy vậy, tới giờ bà Mỹ vẫn hi vọng người chồng của mình may mắn trở về.

Huy động mọi lực lượng tìm 7 thuyền viên mất tích

img
Biên phòng BR-VT thăm hỏi nạn nhân.

Chiều ngày 17.9, đại diện chỉ huy biên phòng tỉnh Tiền giang, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu và Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 (TT3) đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp bàn cách tìm kiếm cứu nạn đối với 7 nạn nhân mất tích.

Ông Phạm Hiển, giám đốc TT3 cho biết, bên cạnh lực lượng cứu nạn hiện có là tàu của TT3, tàu Sima Sapphire cùng 3 tàu cá của Tiền Giang, lực lượng cứu nạn cũng đã huy động thêm ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn của 2 tỉnh Tiền Giang và Vũng Tàu, cùng các ngư dân đánh bắt cá.

Theo ông Hiển, công tác cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn vì thời tiết quá xấu, nên đội cứu nạn phải có lúc ngừng công tác cứu nạn để chờ thời tiết tốt hơn mới tiếp tục.

Hiện tại, công việc công việc cứu nạn đã bước đầu tháo được 2/3 mảng lưới bám vào tàu (đây được xem là nguyên nhân khiến đội cứu nạn không thể tiếp cận được với khoang tàu bị chìm).

Trong những giờ tới, lực lượng cứu nạn sẽ mở rộng tìm kiếm trên mặt biển, cũng như việc tìm kiếm nạn nhân kẹt trong khoang tàu.

Theo nhận định của ông Hiển, với thời tiết xấu như hiện nay, cùng với việc 7 nạn nhân đả mất tích nhiều tiếng đồng hồ nên không loại trừ xảy ra tình huống xấu nhất.

“Nếu điều đó xảy ra thì thi thể nạn nhân cũng sẽ được đưa về Vũng Tàu để phục vụ cho công tác điều tra. Nhưng dù thế nào chúng ta vẫn phải hy vọng và đội cứu nạn vẫn tăng cường tìm kiếm”. ông Hiển chia sẻ.

Hiện nay nguyên nhân của vụ việc tàu Sima Sapphire của Singapore đâm vào tàu cá của Tiền Giang vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, Cục Hàng hải Việt Nam cũng đã thành lập tổ điều tra để điều tra vụ việc này.

Trong khi đó, ông Chiến cũng cho biết, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu đã thống nhất với các ngành chức năng để xem xét, giải quyết vụ tai nạn nghiêm trọng này trong thời gian sớm nhất.

Theo đó sẽ có 2 phương án, một là đưa tàu Sima Sapphire về cảng CMIT Phú Mỹ (nếu nước trong) để trả hàng, rồi sau đó tiến hành điều tra. Nếu nước đục thì neo tàu ngoài cửa biển để lực lượng chức năng tiến hành các bước điều tra, xác định nguyên nhân vụ tai nạn.

Ông Chiến cũng cho biết, quá trình xem xét, thu thập chứng cứ, tài liệu liên quan, nếu phát hiện có dấu hiệu phạm tội sẽ chuyển cơ chức năng khởi tố điều tra theo quy định của pháp luật.

Cũng trong chiều 17.9, 4 ngư dân đang được chăm sóc y tế tại Bệnh viện Lê Lợi, TP Vũng Tàu đã phục hồi sức khỏe và được bàn giao cho Biên phòng tỉnh Tiền Giang theo quy định để sớm đưa các ngư dân về gia đình.

Thới Sơn-Anh Tuấn (Thới Sơn-Anh Tuấn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem