Tăng thu nhập sau khi học nghề

Chủ nhật, ngày 10/06/2012 18:38 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Yên Minh là một trong 4 huyện ở vùng cao nguyên đá Đồng Văn của Hà Giang, đời sống người dân còn rất khó khăn. Tuy nhiên, khi được học các nghề nông nghiệp, cuộc sống nông dân nơi đây đã bớt dần đói nghèo.
Bình luận 0

Vượt khó đi học

Huyện Yên Minh có đồng bào các dân tộc Mông, Nùng, La Chí, Dao... sinh sống, với trình độ dân trí thấp, lao động chủ yếu là thủ công nên năng suất thấp. Vì vậy, để phát huy hiệu quả của các lớp dạy nghề cho người nông dân, Trung tâm Dạy nghề của huyện đã mở các lớp đào tạo trên cơ sở nhu cầu học nghề và điều kiện thực tiễn của từng xã

img
Các kiến thức học hỏi được giúp ND vùng cao tăng thu nhập từ sản xuất.

Bà Lương Thị Lan - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề cho biết, do điều kiện địa hình đồi núi, giao thông khó khăn, dân cư ở rải rác... nên để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con tham gia học nghề, 90% số lớp dạy nghề đã được tổ chức ngay tại các thôn bản. Có những lớp học cách xa Trung tâm tới 40-50km đường rừng, giáo viên dạy nghề bỗng trở thành giáo viên cắm bản.

"Tổ chức tại bản rồi mà các học viên nông dân vẫn phải bố trí, sắp xếp công việc gia đình, ruộng đồng, nương rẫy... để có thời gian đi học. Đặc biệt, vẫn có nhiều học viên phải đi bộ hàng chục cây số để đến lớp học. Khó khăn vậy mà tỷ lệ chuyên cần của nông dân rất cao. Có nhiều lớp sĩ số luôn đạt 90 - 95%"- bà Lan nói.

Vừa qua, Trung tâm cũng mở 2 lớp dạy nghề trồng rau an toàn và trồng nấm tại các xã Đông Minh, Hữu Vinh, thị trấn Yên Minh... cho bà con dân tộc Nùng, La Chí.

Học viên Lò Văn Hưng chia sẻ: "Chúng tôi rất muốn học hỏi để nâng cao kiến thức. Trong lớp học, các học viên đã dành nhiều thời gian trao đổi những vướng mắc trong thực tiễn liên quan đến các nội dung học tập và được giáo viên hướng dẫn rất kỹ".

Tuy nhiên, anh Hưng cũng bày tỏ, do trình độ dân trí thấp, trình độ kiến thức còn hạn chế nên các học viên đề nghị Trung tâm phải dành từ 75 - 80% quỹ thời gian tổ chức lớp học cho học viên thực hành với phương châm "cầm tay, chỉ việc".

Không phụ công người

Bà Lương Thị Lan cho biết thêm, thực hiện quy định của Đề án 1956, sau mỗi khóa học nghề, Trung tâm đều tổ chức khảo sát thực tế làm nghề của bà con và nhận thấy có tới 78% số học viên áp dụng được kiến thức đã học vào sản xuất, làm tăng hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó, nhiều học viên sau khi được học nghề đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để phát triển trang trại chăn nuôi.

Năm 2011 và đầu năm 2012, Trung tâm Dạy nghề huyện Yên Minh đã tổ chức được 54 lớp học nghề cho 1.520 học viên. Trong đó có 25 lớp kỹ thuật chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc; gia cầm, 10 lớp kỹ thuật trồng trọt cây lương thực, thực phẩm; 2 lớp kỹ thuật trồng, chế biến chè và kỹ thuật nhân giống hồng không hạt; và các lớp sửa xe máy, điện dân dụng...

Điển hình như gia đình anh Lò Phà Dìn (thôn Bản Khảo, xã Na Khê), sau khi tham gia lớp kỹ thuật chăn nuôi gia súc đã mạnh dạn vay vốn mở rộng trang trại chăn nuôi trâu, bò cho thu nhập trên 50 triệu đồng/năm. Anh Dìn bày tỏ: Trước đây, gia đình tôi nuôi trâu bò thì chủ yếu thả rông. Giờ tôi đã biết làm chuồng trại, chữa bệnh cho bò khi có dịch bệnh... nên thu nhập từ chăn nuôi rất ổn định".

Tương tự, gia đình anh Thào Mí Dính, dân tộc Mông, ở xã Phú Lũng cũng tổ chức nuôi hơn 20 con bò và hiện đang tính nuôi với số lượng lớn hơn nữa. Anh cho biết: "Sau học nghề, tôi đã nhận biết được quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi gia súc, việc phòng trừ dịch bệnh và vệ sinh chuồng trại cho đàn trâu, bò của gia đình. Chính vì vậy mà đàn trâu, bò của gia đình tôi lớn nhanh và không bị dịch bệnh".

Bà Lương Thị Lan khẳng định: "UBND huyện đã xác định dạy nghề cho lao động vùng nông thôn là chìa khoá để thoát nghèo bền vững. Vì vậy, khi mở lớp, chúng tôi luôn bám sát nhu cầu học nghề của bà con. Đây sẽ là hướng đi lâu dài của Trung tâm khi tổ chức dạy nghề cho bà con ở vùng khó".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem