Tài xế taxi hiếp dâm khách: Uber bắt đầu gánh hậu quả

Thứ hai, ngày 08/12/2014 13:00 PM (GMT+7)
Uber bắt đầu hứng chịu những hậu quả đầu tiên sau khi xảy ra vụ tài xế hiếp dâm hành khách ở Ấn Độ và bị dư luận quốc tế săm soi kỹ càng.
Bình luận 0

Vụ tài xế taxi Uber hiếp dâm một nữ hành khách 27 tuổi ở Delhi, Ấn Độ hôm thứ Sáu tuần trước đã khiến dư luận thế giới bắt đầu chú ý vào công ty đặt chỗ taxi quốc tế này, và Uber cũng đã bắt đầu hứng chịu những hậu quả đầu tiên.

Ngày 8/12, ông Madhur Verma, Phó Cảnh sát trưởng Delhi cho biết cảnh sát sẽ đệ đơn kiện hãng Uber vì vi phạm một loạt các nguyên tắc an toàn cơ bản, trong đó có việc không kiểm tra nhân thân của gã tài xế đã hiếp dâm hành khách trên.

img

Nữ hành khách bị cưỡng hiếp sau khi sử dụng taxi Uber (Ảnh minh họa)

Theo cảnh sát Ấn Độ, mối liên hệ duy nhất giữa Uber với tài xế chiếc taxi trên là một chiếc smartphone, và khi anh ta tắt điện thoại, Uber đã không thể nào tìm ra được vị trí của nghi phạm. Không những thế, địa chỉ của gã tài xế mà Uber cung cấp cho cảnh sát Ấn Độ cũng không phải là địa chỉ thực.

Ông Verma tuyên bố: “Mọi vi phạm do Uber gây ra sẽ được xem xét, và chúng tôi sẽ đưa vụ việc này ra trước tòa án”.

Không chỉ chịu rắc rối về pháp lý ở Ấn Độ, giờ đây hãng Uber cũng đang chịu sự soi mói của dư luận quốc tế về chính sách kiểm tra nhân thân tài xế của mình, và những bê bối của Uber trong quá khứ bắt đầu bị lôi ra ánh sáng, trong đó có vụ tài xế Uber hiếp dâm một hành khách ở Mỹ.

Tháng 12/2012, một phụ nữ ở Washington DC, Mỹ gọi một chiếc taxi về nhà qua ứng dụng Uber. Khoảng 3 giờ sáng, camera an ninh lắp trước cửa nhà cho thấy cô gái này đã về đến nơi và bước về phía nhà mình.

Rồi camera cho thấy cô gái bỗng dưng quay lại phía chiếc xe taxi như thể đã quên thứ gì đó trong xe. Đúng lúc đó, gã tài xế đánh mạnh vào đầu cô, lôi cô vào phía sau gara và cưỡng hiếp cô.

Sau vụ việc trên, phóng viên của tờ The New Yorker đã phỏng vấn nhiều tài xế Uber trong thành phố về quy trình ký hợp đồng và đào tạo của hãng này. Tuy nhiên, theo tiết lộ của nhiều tài xế, quy trình ký hợp đồng này “chỉ mất năm phút”, và công việc chủ yếu của họ là “điền vào mẫu đơn”.

Mặc dù vậy trong vụ việc trên, hãng Uber đã không bị xem xét bất cứ trách nhiệm pháp lý nào trong vụ hiếp dâm ở Washington DC, tuy nhiên sau vụ hiếp dâm ở Ấn Độ, hãng đặt chỗ taxi qua điện thoại này đang phải đối mặt với những thiệt hại lớn.

img

Người dân Ấn Độ biểu tình phản đối Uber

Theo tờ DNA India, người dân Ấn Độ, đặc biệt là phụ nữ, đang ngày càng e dè hơn với dịch vụ taxi Uber. Nhiều người đã phát biểu trên truyền hình rằng họ rất sợ khi phải bước vào một chiếc taxi Uber, đặc biệt là khi tin tức về vụ hiếp dâm vẫn được nhấn mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng của nước này.

Theo câu chuyện được đăng trên báo chí Ấn Độ, nạn nhân trong vụ hiếp dâm trên đã gọi một chiếc taxi Uber lúc 23h30 đêm thứ Sáu tuần trước để đi về nhà, và cô đã ngủ thiếp đi trên xe. Phát hiện thấy nữ hành khách đang ngủ say, gã tài xế Shiv Kumar Yadav đã nhắn tin qua ứng dụng Uber rằng đã trả xong khách tại địa điểm cần đến.

Sau đó, anh ta lái xe đến một địa điểm hoang vắng và sử dụng gậy sắt để đe dọa, sàm sỡ và hãm hiếp nữ hành khách. Sau khi thỏa mãn dục vọng, anh ta chở cô gái về nhà, tuy nhiên cô gái đã nhanh trí chụp ảnh được biển số xe và báo cảnh sát.

Uber lập tức bắt tay vào phối hợp với cảnh sát để điều tra, tuy nhiên địa chỉ của gã tài xế mà họ cung cấp cho cảnh sát hóa ra là địa chỉ giả, và anh ta thậm chí còn không có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách, vốn là giấy tờ bắt buộc đối với các tài xế taxi ở Ấn Độ.

Cảnh sát Ấn Độ đã chỉ ra một loạt sai phạm của Uber trong quá trình xác minh nhân thân tài xế, và Ủy ban Phụ nữ Quốc gia Ấn Độ cũng đã kêu gọi chính phủ cấm Uber hoạt động ở nước này. Theo nhiều người, chính sách chỉ chi trả qua thẻ tín dụng của Uber đã khiến Ấn Độ mất đi một lượng lớn ngoại tệ ra nước ngoài.

img

Phụ nữ Ấn Độ phản đối nạn hiếp dâm ở nước này

Ngoài ra, một lý do nữa khiến Uber bị phản đối ở Ấn Độ là do hãng này không sở hữu bất cứ chiếc xe taxi nào ở nước này, và những chiếc xe mà họ thuê đều không mang logo của Uber, và đây sẽ là một bất lợi nếu vụ việc của Uber bị đem ra tòa án.

Theo tờ DNA India, Uber hiện đang hoạt động ở 10 thành phố của Ấn Độ nhưng chỉ có 30 tài xế, tương đương 3 tài xế một thành phố, nhưng tất cả đều gần như “giấu mặt” đối với phần lớn người dân. Họ không có địa chỉ văn phòng, không có số điện thoại liên hệ, tất cả những gì họ có là một website và một ứng dụng trên điện thoại mang tên Uber.

Chính những vấn đề trên đã khiến Uber gặp nhiều rắc rối về pháp lý ở những quốc gia mà nó hoạt động như Úc, Đức, Ấn Độ và cả Mỹ. Hồi tháng 9, một tòa án khu vực Frankfurt (Đức) đã ra lệnh cấm ứng dụng Uber trên toàn nước Đức vì vi phạm Luật Vận tải Hành khách của Đức. Nếu tiếp tục vi phạm, Uber có thể sẽ bị phạt tới 250.000 euro cho mỗi lượt chở khách.
Trí Dũng (Theo AFP, DNA)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem