Tái cơ cấu nông nghiệp Nam Định, vì sao giảm trồng trọt, tăng chăn nuôi, nuôi thủy sản

Mai Chiến Thứ bảy, ngày 12/08/2023 06:00 AM (GMT+7)
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định đang chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, nuôi thủy sản. Ngành nông nghiệp Nam Định cũng từ coi trọng sản lượng sang coi trọng chất lượng.
Bình luận 0

Nam Định giảm trồng trọt, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi và thủy sản

Nam Định là một tỉnh với trên 70% dân số sống bằng nghề nông, nên vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa góp phần hỗ trợ các lĩnh vực kinh tế khác là vô cùng quan trọng, nhưng cũng hết sức khó khăn.

Do đó, việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp là nhiệm vụ cấp thiết để tạo những bước bứt phá, thúc đẩy sản xuất; nâng cao giá trị sản phẩm, tham gia vào chuỗi cung ứng của thị trường trong và ngoài nước.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Nam Định: Giảm trồng trọt, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi và thủy sản - Ảnh 1.

Toàn tỉnh Nam Định đã xây dựng được 458 mô hình cánh đồng lớn, với tổng diện tích 21.844 ha. Ảnh: Lãng Hồng.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Nam Định, sau nhiều năm tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đến nay kinh tế nông nghiệp của tỉnh Nam Định phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản giai đoạn 2021 - 2022 đạt bình quân 3,5%/năm.

Năm 2022 giá trị sản phẩm bình quân trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp là 134,7 triệu đồng và đất nuôi trồng thủy sản đạt 412,5 triệu đồng. Thu nhập thực tế bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2022 đạt khoảng 65 triệu đồng/người/năm.

Lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Nam Định cho hay, những năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có bước chuyển mạnh từ coi trọng sản lượng sang chất lượng, từ chủ yếu phục vụ tiêu dùng sang kết hợp giữa tiêu dùng với sản xuất hàng hóa gắn với quản lý chất lượng nông sản theo chuỗi, có truy xuất nguồn gốc đảm bảo an toàn thực phẩm.

Trong lĩnh vực Trồng trọt, toàn tỉnh đã xây dựng được 458 mô hình cánh đồng lớn với tổng diện tích 21.844 ha, trong đó có 3.121 ha được bao tiêu sản phẩm.

Tuy nhiên, cơ cấu nội ngành nông nghiệp Nam Định đang chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Nam Định: Giảm trồng trọt, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi và thủy sản - Ảnh 2.

Mô hình chăn nuôi lợn sạch theo kinh tế tuần hoàn trên địa bàn huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Ảnh: Lãng Hồng.

Theo đó, tỉnh Nam Định thực hiện giảm mạnh chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ, phát triển nhanh chăn nuôi hàng hóa theo mô hình doanh nghiệp, trang trại, gia trại. Đến nay, toàn tỉnh có 39 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận thực hành chăn nuôi tốt VietGAHP. Năm 2022, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt trên 149.000 tấn.

Về thủy sản, kinh tế thủy sản đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 7 - 8%/năm, cơ cấu chuyển mạnh theo hướng tăng tỷ trọng nuôi trồng, giảm tỷ trọng khai thác. Năm 2022, sản lượng thủy sản của tỉnh đạt 187.300 tấn.

Bên cạnh đó, Nam Định tích cực triển khai kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). 

Đến nay, tổng số tàu cá của tỉnh Nam Định đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là 502/540 tàu, đạt 92,96% tổng số tàu thuộc diện phải lắp đặt giám sát hành trình.

Thị trường nông sản của tỉnh Nam Định từng bước được phân khúc

Song song với đó, việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp được quan tâm, chỉ đạo, thực hiện theo hướng tổ chức lại các HTX hiện có và khuyến khích hộ thành viên thành lập mới các HTX theo Luật HTX năm 2012.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Nam Định: Giảm trồng trọt, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi và thủy sản - Ảnh 3.

Hơp tác xã Nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp (xã Hồng Thuận, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) là 1 trong những HTX tiêu biểu của tỉnh Nam Định. Ảnh: Lãng Hồng.

Kinh tế tập thể và HTX nông nghiệp trong tỉnh Nam Định có bước phát triển rõ rệt. Đến nay, toàn tỉnh có 378 HTX; trong đó có 310 HTX hoạt động hiệu quả, có 64 mô hình HTX nông nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho các hộ nông dân, tăng 5 mô hình so với năm 2021.

Không những thế, công nghiệp chế biến nông sản có bước phát triển mới, có nhiều doanh nghiệp đầu tư công nghệ sản xuất, chế biến hiện đại, điển hình như: Công ty TNHH Minh Dương, Công ty TNHH Toản Xuân, Công ty TNHH Cường Tân, Công ty TNHH Công Danh, Công ty TNHH thủy sản Lenger Việt Nam… góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

Cùng với phát triển sản xuất, việc phát triển thị trường tiêu thụ nông sản những năm qua được đặc biệt quan tâm, thị trường nông sản của tỉnh Nam Định từng bước được phân khúc, đã hình thành trên 36 cơ sở kinh doanh nông sản an toàn có truy xuất nguồn gốc để phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Nam Định: Giảm trồng trọt, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi và thủy sản - Ảnh 4.

Sản phẩm muôi sạch của tỉnh Nam Định đã xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Ảnh: Lãng Hồng.

Một số sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Nam Định đã xuất khẩu trực tiếp vào thị trường châu Âu, Nhật Bản. Kết quả phát triển công nghiệp chế biến và thị trường nông sản đã góp phần tạo động lực cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Ngành nông nghiệp tỉnh Nam Định chia sẻ, thời gian tới, tỉnh Nam Định tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với nền nông nghiệp hàng hóa.

Phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với phát triển công nghiệp chế biến. Phát triển liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem