Sự biến dạng của niềm tin?

Thứ sáu, ngày 07/03/2014 11:20 AM (GMT+7)
“Này các cụ tổ tông không sống lại mà xem, giờ thì đến mức người ta đã dỡ cả gỗ trên mái đình đem ra bán rồi đấy”- đó là lời thoại trong một vở hài kịch tưởng tượng, nhưng bạn và tôi, chúng ta có cười nổi không?
Bình luận 0
Ca dao xưa có câu “Qua đình ngả nón trông đình/Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu”, nhưng giờ sau vụ các quan chức cấp thôn Cựu Quán (Hoài Đức, Hà Nội) đồng lòng dỡ mái đình lấy gỗ sưa đem bán lấy 1,2 tỷ đồng, chắc là câu ca dao này phải cải biên thành “Đình bao nhiêu tỷ, thương mình bấy nhiêu”.

Ngôi đình trong tâm thức người Việt thiêng liêng lắm, đó là mái nhà chung của cộng đồng, để con cháu kính ngưỡng cha ông và biết tông biết cội của mình. Con người sống trên đời mấy ai dám quay lại phản bội gốc rễ, bất kính với tiền nhân. Bởi thế mà TS Nguyễn Quốc Tuấn- Viện trưởng Viện Tôn giáo đã phải thốt lên: “Đình không chỉ là trung tâm hành chính mà còn là nơi thờ tự của làng. Ai lại làm việc dỡ đình làng đem bán được chứ?”.

Nhưng chuyện của đình Cựu Quán, các “hiện vật lạ” được đưa vào đền Phù Đổng, bức bình phong “quái thú” trước lăng Ngô Quyền mới xảy ra gần đây và hàng loạt những vụ việc trước kia đã cho thấy rõ một điều: Niềm tin của một bộ phận không nhỏ người Việt đang biến dạng theo các di tích.

Tôn giáo, tín ngưỡng là những thứ siêu hình dẫn dắt và che chở con người, nhưng các di sản chuyên chở tín ngưỡng đó là những thứ hữu hình, do con người làm ra, nên hoàn toàn có thể bị con người phá huỷ, nếu niềm tin trong họ lung lay.

Tại sao các đình, chùa, miếu mạo ở khắp miền Bắc này, sau khi trải qua kiếp nạn bị phá hủy trong thời kỳ “bài phong phản đế” trước đây tới giờ vẫn chưa được yên thân? Các nhà nghiên cứu văn hóa nói vui, giờ đây đình chùa lại chịu thêm một kiếp nạn mới, đó là kiếp nạn của cái sự “trùng tu vì có tiền”.

Đáng lẽ “phú quý sinh lễ nghĩa”, sự đầy đủ vật chất phải đem đến một tầng nấc cao hơn trong hưởng thụ văn hóa, trong đó có cả việc con cháu dốc lòng gìn giữ di sản ông cha, thì nay, cái sự “có tiền” cộng với sự thiếu hiểu biết đã phá tan hoang hết cả.

Những pho tượng sơn phết lòe loẹt, những đồ thờ tự rởm đời kệch cỡm rước ở đâu về choán hết cả chỗ của dấu xưa linh thiêng. Người ta bỏ hàng chục tỷ đồng tô vẽ đình, chùa, tượng pháp cho thật lòe loẹt, bóng lộn, mới toe, tưởng thế là Phật, thánh sẽ phù hộ và ban tài lộc cho mình, nhưng buồn thay, đó là một niềm tin ngây ngô và nhuốm màu kim tiền.

Chúng ta sẽ phải nói mãi với nhau một điều này mà không bao giờ sợ cũ, rằng nếu con cháu mà thực sự có tâm với di sản, sẽ chẳng bao giờ những câu chuyện buồn này có thể xảy ra. Nếu các quan chức của ngành văn hóa thực sự có tâm với di sản, họ sẽ có cách để cùng với người dân gìn giữ chúng.
Lê Tâm (Lê Tâm)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem