Thưởng nhà 3 tỷ cho ai đẻ thuê được con trai

Lê Nguyên Thứ hai, ngày 19/01/2015 07:39 AM (GMT+7)
Liệu rằng sinh con một bề, lại là con gái thì sẽ mang tội bất hiếu? Câu hỏi đó quanh quẩn trong đầu tôi bấy lâu vì câu chuyện của một người thầy, một người hàng xóm mà tôi kính trọng.
Bình luận 0

Từ một người thầy giỏi giang đáng kính, một ông thợ sửa xe đạp hiền lành, luôn làm hài lòng khách hàng, thầy Kỳ trở thành một ông già nát rượu, luôn lẩm bẩm chửi đời, chửi mình mang tội bất hiếu với tổ tông vì qua hai đời vợ, thầy chỉ có 4 cô con gái mà không có lấy một “thằng chống gậy”.

Chi họ Quan nhà thầy đến đời của bố thầy chỉ có mình thầy là độc đinh, đến đời thầy nếu không có con trai sẽ là tuyệt tự. Có lẽ chính vì lẽ đó mà thầy càng ngẫm càng đau khổ, càng thấy có tội mà làm ra những chuyện khiến mình chẳng còn một chút thanh danh, trở thành chủ đề đàm tiếu của hàng xóm láng giềng. Đỉnh điểm là mới đây thầy rêu rao sẽ thưởng nhà 3 tỷ cho người nào đẻ thuê được con trai cho thầy.

img
Ảnh minh họa

 

Tôi vẫn còn nhớ, ngày bé bố mẹ cho học thêm bên nhà thầy, khi được giải lao được xem phim, có đoạn ông bố đẻ toàn “hoàng tử ngồi” chán đời nên bắt 3 cô nhóc hét: “Chúng con là đàn vịt giời, bé thì ăn hại, lớn thì bay đi”, thầy đột nhiên tối sầm mặt rồi tắt ti vi, quát chúng tôi bắt trở về lớp học. Lúc đó, tôi không hiểu, lớn lên nghe đủ các chuyện về thầy, tôi thấy thầy vừa đáng thương vừa đáng trách.

Thầy Kỳ có hai người vợ, người vợ thứ nhất sau khi đẻ cho thầy một người con gái thì lâm trọng bệnh qua đời. Thầy đi bước nữa với người vợ thứ 2, đẻ được thêm 3 cô con gái. Cả 4 chị đều học rất giỏi, trở thành tấm gương cho tổ dân phố chúng tôi. Thầy cũng rất tự hào về các chị. Tuy nhiên, các chị ngày càng trưởng thành thì nỗi khổ tâm trong lòng thầy cũng lớn dần lên. 

Nghe mọi người nói chuyện, mỗi lần về quê thăm mộ, giỗ chạp phải ngồi chiếu dưới là một cực hình đối với thầy. Riết, những lời châm chọc của họ hàng không chỉ trở thành gánh nặng mà đã là nỗi ám ảnh. Những lần đánh mắng vợ con trở nên nhiều hơn, lời nhiếc móc trở nên nặng nề hơn sau những cơn say rượu. Có lần, thầy đánh vợ đến nỗi vợ thầy phải bỏ về quê. 4 cô con gái học giỏi không còn là niềm tự hào của thầy nữa.

Lớn thêm chút nữa, các chị đi học đại học, ở nhà chỉ có hai vợ chồng, thầy lại càng khó chịu và quá đáng hơn với những lần công khai đuổi vợ ra khỏi nhà ầm ĩ khắp làng xóm. Vợ thầy cũng mặc cảm vì không đẻ được con trai, khiến thầy khổ sở nên âm thầm chịu đựng những lời nói cay độc, nhắm mắt cho qua những lần thầy lén lút đi lại với người khác.

Sau này, vợ thầy không chịu nổi nữa đã quyết định ly thân, bỏ về quê sống mặc dù tóc đã bạc màu. Các con lớn đi học rồi đi làm ổn định, thành đạt, lần lượt lập gia đình. Căn nhà to rộng ngay trước cổng chợ trở nên hoang vắng, thầy cho thuê và bắt đầu công khai đi lại với một số người với mong muốn kiếm mụn con trai. Câu chuyện của thầy bắt đầu bị hàng xóm láng giềng phát hiện và bàn tán, chỉ trỏ. Người ta cười nhạo thầy "già rồi mà con chơi trống bỏi", người ta dè bỉu thầy nát rượu để vợ con xa lánh. Người ta còn đồn đại thầy bắt hai người phá thai vì thai con gái, thầy chỉ nuôi cả hai mẹ con nếu thai là con trai.

Thầy bỏ ngoài tai tất cả và vẫn tiếp tục tìm kiếm hi vọng sẽ có một cậu con trai. Giờ đây, cả ngôi nhà nơi thầy đang ở trị giá 3 tỷ thầy cũng lấy làm phần thưởng cho người nào đẻ được con trai, nối dõi tông đường nhà thầy. 

Mỗi lần về nhà, tôi đều đi qua hàng sửa xe đạp nhà thầy để rồi thấy một ông già tóc bạc đang cặm cụi vá xăm, cắt khóa với dáng hình khắc khổ. Tôi luôn tự hỏi lòng, không biết bao giờ hành trình tìm kiếm của thầy tôi mới kết thúc?. Những đứa con gái của thầy liệu có xót xa không khi không được cha yêu thương và trân trọng?.

Quyết đẻ con trai và những bi hài kịch thời hiện đại

Câu chuyện sinh con trai, con gái không còn mới mẻ nhưng vẫn ám ảnh không ít gia đình trong cuộc sống hiện đại. Với lý do “cần người nối dõi tông đường”, “con gái là con người ta”, nhiều đức ông chồng đã công khai đánh đập vợ, thản nhiên ra ngoài tìm vợ bé, nhiều phụ nữ cay đắng ly hôn, hay lặng lẽ khóc thầm trong chính tổ ấm mà mình đã dành cả tuổi thanh xuân tạo dựng.

Những người đàn ông hiện đại quan niệm thế nào về câu chuyện “trọng nam khinh nữ”?. Các bà mẹ nghĩ gì khi chính con gái mình bị phân biệt, đối xử?. Có bao nhiêu người phụ nữ gặp phải bất hạnh chỉ vì "không biết đẻ con trai?"

Hãy cùng chia sẻ câu chuyện của bạn về chủ đề này tại địa chỉ mail songkhoedanviet@gmail.com hoặc bình luận ngay dưới bài viết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem