Sông Mã không còn đám cưới trẻ em

Kiều Thiện Thứ năm, ngày 09/07/2015 08:51 AM (GMT+7)
Sông Mã là huyện khó khăn của tỉnh Sơn La, với nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống, từng nổi tiếng về nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Nhưng 5 năm trở lại đây, tình trạng này đã hầu như không còn xảy ra... 
Bình luận 0

Tảo hôn sinh đói nghèo, thất học

Trong ký ức của cán bộ y tế bản Lò Văn Phỏng (bản Lọng Mòn, xã Huổi Một, huyện Sông Mã) vẫn đậm những dấu ấn về hệ quả của đói nghèo đến mức “Có chết cũng chả thể quên !” - anh Phỏng bảo vậy.

img
Một buổi sinh hoạt về nội dung DS-KHHGĐ của nhóm hộ người Sinh Mun ở bản Lọng Mòn, xã Huổi Một, huyện Sông Mã. Ảnh:  K.T

Là người Khơ Mú, sinh ra và lớn lên bên dòng sông Mã này, anh Phỏng chẳng thể quên được “cái đói chi phối người ta từ lúc mở mắt tới khi đi nằm. Đói ăn thì thất học và chẳng nghĩ gì nhiều. 15, 16 tuổi đã vội lấy vợ, lấy chồng để thêm người làm và cũng… để cho xong chuyện lớn”.

Nhưng tiếp theo cái sự “cho xong chuyện ấy” lại là những cái chả hề xong mà cứ đeo đẳng người ta mãi. “Con trẻ lấy nhau cũng chả biết kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) là gì nên cứ đẻ tì tì. Có những cặp vợ chồng mới chưa đầy 30 tuổi mà đã có tới 5-6 đứa con. Thêm người thì thêm miệng ăn nhưng sức lao động không có, thế là lại đói nghèo, lại thất học, lại ốm đau, bệnh tật… luẩn quẩn lắm” – anh Phỏng chia sẻ.

Thầy Lò Văn Phong - giáo viên tiểu học ở bản Ỏ, xã Mường Sai (Sông Mã) bảo: “Tôi ở đất này cả chục năm rồi, thấy rõ tình trạng tảo hôn tiến bộ nhiều lắm. Ngày trước, cứ vào cuối năm âm lịch là các thầy cô giáo lo lắm. Đó là dịp Tết Mông, là thời điểm trai gái tìm bạn tình, bắt vợ, kết hôn. Ăn Tết Mông xong, nhìn lớp trống bàn, trống ghế mà lo, mà buồn; lại phải xắn quần lội bản để tìm học trò, gặp phụ huynh, già bản tuyên truyền, vận động. Vậy mà năm nào cũng có một số học sinh không trở lại lớp”.

Kết hôn đúng tuổi


Anh Lò Văn Thôn
  Người Khơ Mú, Sinh Mun trước đây kết hôn cận huyết nhiều lắm vì khổ quá, học ít quá, có đi đâu xa để tìm hiểu nhau đâu. Lấy người trong họ hàng gần gũi thì tìm hiểu dễ hơn, thách cưới cũng nhẹ hơn.  
Vậy mà gần chục năm nay, nhất là từ năm 2011 đến nay, tình trạng tảo hôn ở Lọng Mòn nói riêng và vùng cao Sông Mã nói chung hầu như không còn nữa. Anh Lò Văn Thôn - Bí thư chi bộ bản Lọng Mòn phấn khởi: “Bây giờ thì dân bản không tảo hôn nữa đâu. Cái bụng no rồi thì ai cũng lo học. Người biết nhiều bảo cho người biết ít. Ai cũng hiểu tảo hôn là thiệt thòi, hôn nhân cận huyết là tổn hại nguy hiểm”.

Không chỉ có cán bộ dân số nói về bài trừ tảo hôn mà cả cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, nhà trường… đều vận động bà con hiểu và làm theo chính sách dân số, KHHGĐ. Nhờ thế những “đám cưới trẻ con” bây giờ chấm dứt rồi. Trong các trường học không còn tình trạng học sinh cấp THCS hay THPT bỏ học để làm nương, lấy vợ lấy chồng nữa.

Ngay ở Mường Cai – một xã vùng cao điển hình về khó khăn của huyện Sông Mã, Phó Chủ tịch xã Sùng A Vừ cũng vui vẻ cho biết: “Vùng sâu nhiều khó khăn như Mường Cai cũng chẳng còn tảo hôn nữa đâu. Ngay như người Mông vốn điển hình về lấy vợ, lấy chồng sớm và sinh nhiều, có cặp vợ chồng sinh hơn 10 con; nhưng bây giờ không ai thế nữa. Không chỉ kết hôn muộn hơn độ tuổi Nhà nước quy định từ 1-2 năm trở lên, nhiều cặp vợ chồng người Mông bây giờ cũng chỉ sinh đến 2 con là dừng để có gia đình hạnh phúc đấy”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem