Sống động một dòng tranh kháng chiến

Trịnh Tú Thứ tư, ngày 02/09/2015 09:42 AM (GMT+7)
Sau ngày toàn quốc kháng chiến bùng nổ tháng 12.1946, cùng với rất nhiều trí thức và văn nghệ sĩ Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc, có thầy trò của Trường Mỹ thuật Đông Dương. Họ dũng cảm trút bỏ môi trường hội họa salon, để bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến với rất nhiều điều mới mẻ phía trước.
Bình luận 0

imgTrường mỹ thuật đầu tiên của nhà nước độc lập được thành lập ngay sau đó, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Tô Ngọc Vân. Cùng với ông là các họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị... Cuộc sống mới đầy gian nan thử thách nhưng tràn ngập tinh thần lãng mạn và hào hùng của cả dân tộc quyết giành độc lập tự do cho Tổ quốc, đã thổi một luồng nhiệt huyết cho thầy trò khóa hội hóa kháng chiến. Những bức tranh cổ động đầu tiên của nước nhà cũng được hình thành vào giai đoạn này. Đó chính là lối rẽ đầu tiên của khuynh hướng sáng tạo nghệ thuật, hướng đến quảng đại quần chúng. Vì thế ngôn ngữ tạo hình thường là rất cụ thể, đề cập trực tiếp đến những vấn đề nóng của cuộc chiến đấu, của những chủ trương, chính sách mới.

Với hoàn cảnh khó khăn mọi bề, các họa sĩ tận dụng mọi phương tiện để sáng tác. Giấy cũng tự làm từ tre mía. Màu thì dùng phẩm. Trên tranh chủ yếu là nét, hình, được in trên bản khắc, rồi đệm màu... vậy nên hầu hết là tranh khổ nhỏ để dễ vận chuyển đến từng đơn vị, từng xóm làng.

Những bức tranh ngày đó có sự góp mặt của các bậc thầy đến đông đảo sinh viên. Và đẹp đẽ thay, hầu như không bức nào có tên tác giả, bởi tất cả thầy trò đều chung một ý niệm góp phần của mình cùng toàn dân trong cuộc kháng chiến. 70 năm đã trôi qua, dòng tranh này vẫn là một điểm sáng trong lịch sử hội họa nước nhà. Một dòng tranh sẽ còn mãi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem