Sợ bị Càn Long giáng tội, quan lại nhà Thanh hiến kế Tây Sơn dùng “Quang Trung giả"

Chủ nhật, ngày 19/05/2024 20:30 PM (GMT+7)
Trước thái độ thoái thác liên tục của phái đoàn Ngô Thì Nhậm về việc vua Quang Trung sang Yên Kinh chầu Càn Long, đại biểu của Phúc Khang An đã bược phải hiến kế dùng một người diện mạo giống quốc vương đi thay...
Bình luận 0

Sau khi được phong vương, vua Quang Trung vẫn thoái thác không chịu nhận lời sang Yên Kinh triều cận. Ông vin cớ là mẹ mới mất phải ở nhà chịu tang, đi triều cận sợ có điều bất tiện về mặt lễ giáo. Thang Hùng Nghiệp viết thư cho vua Quang Trung khuyên cứ mặc cát phục vào chầu, đổi hiếu làm trung và xin cứ đến ngày 25 tháng Ba năm Canh Tuất đến Nam Quan để tiến kinh triều cận. Tổng đốc Lưỡng Quảng Phúc Khang An cũng viết cho Quang Trung một bức thư cố thuyết phục nhà vua cùng với Phúc đi Yên Kinh triều cận.

Sợ bị Càn Long giáng tội, quan lại nhà Thanh hiến kế Tây Sơn dùng “Quang Trung giả"- Ảnh 1.

Phái đoàn Ngô Thì Nhậm nhất mực thoái thác về việc vua Quang Trung sang Yên Kinh chầu Càn Long. Ảnh: Báo Bình Phước.

Sau khi gửi thư đi, Tổng đốc Lưỡng Quảng e rằng vua Quang Trung không chịu ra đi nên ông cử đại biểu đến Lạng Sơn xin gặp đại biểu của nước Đại Việt để bàn về một vấn đề quan trọng. Các tướng Tây Sơn ở Thăng Long biết đó chỉ là vấn đề vua Quang Trung sang Yên Kinh triều cận vua Càn Long mà thôi. Họ cũng biết rằng vua Quang Trung không bao giờ chịu đi triều cận nên không cần hỏi ý kiến nhà vua, họ đã tự cử một đoàn đại biểu đến Lạng Sơn để gặp đoàn đại biểu của Tổng đốc Lưỡng Quảng Phúc Khang An. Đoàn do Ngô Thì Nhậm dẫn đầu.

Thấy đoàn đại biểu của Đại Việt không có Ngô Văn Sở, đại biểu của Phúc Khang An đòi phải có Ngô Văn Sở. Họ chỉ có thể nói với Ngô Văn Sở, còn ngoài ra, như cha con trong nhà hay như Thang Hùng Nghiệp, họ cũng không thể nói ra được. Rồi họ cho biết rằng thế nào vua Quang Trung cũng phải sang Yên Kinh triều cận. Đoàn Ngô Thì Nhậm cho biết vì quốc mẫu của An Nam quốc vương tạ thế ngày 28 tháng Giêng năm Canh Tuất nên vua Quang Trung không sao đi được.

Người của Phúc Khang An nói đại ý rằng: Tục người Hán để tang 3 năm, nhưng tục người Mãn chỉ để tang 100 ngày. Năm nay là năm cử hành lễ bát tuần vạn thọ, các quan lại nhà Thanh, văn cũng như võ không ai dám khai là có tang cha mẹ, dù cha mẹ đã chết đi. Vua Càn Long phong cho Nguyễn Huệ làm An Nam quốc vương là phong cho một vị vua khai quốc. Vua Thanh lại biết là An Nam quốc vương sẽ tiến kinh nên nhà vua đã tuyên triệu các nước Lưu Cầu, Nhật Bản, Triều Tiên và Mông Cổ cùng đến Yên Kinh dự yến. Vào ngày làm lễ, cửa cung nhà Thanh sẽ treo một tấm biển lớn đề bốn chữ Vạn quốc lai triều (vạn nước lại triều cận). Nếu ngày hôm ấy, An Nam quốc vương không có mặt ở Yên Kinh thì Đại Hoàng đế sẽ nghĩ như thế nào? Đại Hoàng đế sẽ lấy gì ra mắt với quốc vương các nước? Đại Hoàng đế đổ tội cho công gia (Phúc Khang An). Đại Hoàng đế nổi giận tất cho đại binh năm mặt cùng tiến đánh. Công gia tất xin đi trước. Quý quốc lấy gì mà chống lại? Quý quốc sẽ nguy vậy. Ta cùng túc hạ là chỗ thân nhau, cho nên ta nói thẳng. Lúc này quốc vương nên bỏ tình đau thương. Lúc ngồi thuyền thì mặc áo trắng, đến trước mặt vua thì mặc cát phục. Tang chỉ để trong lòng. Tang cha mẹ là trọng, mệnh vua lại trọng hơn. Phải tòng quyền.

Nhưng người của ta vẫn viện cớ thoái thác, người của Phúc Khang An lại nói: Phúc Khang An nhiều lần trần tấu việc gì cũng thành công. Về việc quý quốc vương vào chầu, duy chỉ có Tôn Sĩ Nghị không tin. Nếu quý quốc vương không đi thì chẳng hóa ra Tôn Sỹ Nghị lại là người biết trước sự việc hay sao? Cho nên các ông về tâu với quốc vương nên sớm khởi hành tiến kinh triều cận. Ngày đến Nam Quan phải là ngày 29 tháng Ba, thì mới kịp vào kinh.

Nói đủ cách, nhưng phái đoàn Ngô Thì Nhậm vẫn tìm cách thoái thác, thế rồi đại biểu của Phúc Khang An đã nói như sau: Tôi mong hai nước hòa hảo với nhau làm tốt. Quý quốc vương nếu thực không đi được, cũng nên đặt một diệu kế. Đại biểu Đại Việt nói: Xin ngài chỉ cho! Đại biểu của Phúc Khang An nói: Tìm một người diện mạo giống quốc vương đi thay. Việc này chỉ có công gia, Thang đại nhân, Vương đại nhân và ta là bốn người biết mà thôi. Nếu sợ Lê Duy Kỳ biết, ta bẩm ngay với công gia đem 1.000 người, bọn ấy giữ kỹ thì còn ai biết được nữa.

Lời bàn về chủ trương ngoại giao của Quang Trung

Từ nội dung của giai thoại trên cho thấy, sau chiến thắng oanh liệt quét sạch 29 vạn quân Thanh, vua Quang Trung luôn luôn chủ trương tiến công ngoại giao trên cơ sở khẳng định sự nghiệp chính nghĩa của triều Tây Sơn và nền tảng thực lực quân sự hùng mạnh của đất nước. Và mục đích ngoại giao của vương triều Tây Sơn nhằm buộc nhà Thanh phải đáp ứng yêu cầu và mục đích của ta là bãi bỏ chiến tranh và phong vương cho Quang Trung - Nguyễn Huệ. Và từng bước triều đình nhà Thanh đã phải đáp ứng yêu cầu của nhà Tây Sơn. Đó là kết quả của chủ trương "bang giao hảo thoại" do Ngô Thì Nhậm chủ xướng và ông xứng đáng được xếp vào hàng những người "viết thư thảo hịch tài giỏi hơn hết một thời".

Những thắng lợi về ngoại giao của triều đại Tây Sơn mà ngày nay đọc lại chúng ta không thể không cảm thấy tự hào. Và những trang sử ngoại giao hào hùng ấy của thời Tây Sơn không chỉ giúp cho người dân đất Việt hôm nay, mà còn mãi mãi về sau tự hào, ngưỡng mộ và càng yêu thêm đất nước, thêm tin tưởng ở tương lai và tiền đồ tốt đẹp của dân tộc.

K.N (Theo Báo Bình Phước)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem