Sẽ điều chỉnh tên gọi Luật Căn cước và tên thẻ căn cước?

Quỳnh Nguyễn Thứ hai, ngày 27/11/2023 06:23 AM (GMT+7)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc điều chỉnh tên gọi Luật Căn cước và tên thẻ căn cước là hoàn toàn phù hợp, đạt các mục đích quản lý, phục vụ nhân dân.
Bình luận 0

Theo chương trình kỳ họp, sáng 27/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua 2 dự án Luật Căn cước và Luật Nhà ở (sửa đổi).

Quốc hội cũng thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và các báo cáo của Chính phủ về sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP.Hà Nội, TP.Đà Nẵng cũng như kết quả 3 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM.

Sẽ điều chỉnh tên gọi Luật Căn cước và tên thẻ căn cước? - Ảnh 1.

Các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Ảnh: Quốc hội

Về dự thảo Luật căn cước, Ủy ban Quốc phòng và An ninh – cơ quan thẩm tra dự án Luật, cho biết có ý kiến cho rằng thời gian qua đã có nhiều thay đổi về hình thức, nội dung, tên gọi của dự thảo luật và tên căn cước, đề nghị cân nhắc về tên gọi của luật và không đổi tên luật, tên căn cước.

Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, việc thay đổi hình thức, nội dung, tên gọi của căn cước là phù hợp với xu hướng quản lý xã hội số. 

Với nội dung được bổ sung bao quát, toàn diện, đầy đủ thông tin trong căn cước và hình thức, phương thức quản lý số mang tính khoa học, đại chúng, giúp Nhà nước quản lý chặt chẽ các đối tượng, hỗ trợ người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ, tham gia các hoạt động, giao dịch hành chính, dân sự, hoạt động xã hội tiện lợi.

Luật Căn cước công dân hiện hành chỉ quy định về cấp căn cước công dân cho công dân Việt Nam từ 14 tuổi trở lên. Dự luật Chính phủ trình bổ sung đối tượng áp dụng là công dân dưới 14 tuổi và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam. Đối với người gốc Việt Nam thì không cấp căn cước mà chỉ cấp giấy chứng nhận căn cước. 

Do đó việc đổi tên luật và tên căn cước như Chính phủ trình là cần thiết, phù hợp với phạm vi và để bao hàm hết đối tượng điều chỉnh của dự luật. Việc bổ sung điều chỉnh và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam nhằm tạo thuận lợi cho người gốc Việt Nam được hưởng các quyền cơ bản của con người. 

Từ những vấn đề trên, thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhận thấy việc điều chỉnh tên gọi Luật Căn cước và tên căn cước là hoàn toàn phù hợp cả về phạm vi và đối tượng điều chỉnh của dự luật, đạt các mục đích quản lý, phục vụ nhân dân.

Thường trực ủy ban đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho sử dụng tên gọi Luật Căn cước và căn cước như Chính phủ trình.

Tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 15/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ dự luật đảm bảo chất lượng, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua. Ông thông tin cấp có thẩm quyền khi họp cũng đồng thuận rất cao với việc đổi tên dự án luật này.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem