Sau loạt bài Tranh chấp đất đai: Phải giải quyết ngay khi vụ việc mới phát sinh

P.V Thứ năm, ngày 10/09/2015 08:24 AM (GMT+7)
Báo NTNN từ số 214 - 216 đã đăng tải loạt bài “Tranh chấp đất đai, hiểm họa khó lường”, phản ánh tình trạng tranh chấp đất đai ở các vùng nông thôn hiện nay gây ra những mâu thuẫn, bất an trong an ninh. Sau khi đăng, báo đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc, luật sư góp ý cho vấn đề này.
Bình luận 0

Tôi đã tham gia xử lý nhiều vụ án đau lòng từ việc tranh chấp đất đai; thậm chí có trường hợp bố con, anh em ruột tranh nhau mấy chục phân đất mà ẩu đả, chém giết lẫn nhau... Để xảy ra tình trạng này có một phần trách nhiệm của chính quyền địa phương. Dưới góc nhìn pháp lý, loạt bài trên báo NTNN có tác dụng rất tốt, như một lời cảnh báo, nhắc nhở chính quyền địa phương phải sâu sát trong việc quản lý đất đai, làm tốt công tác hòa giải, giải quyết ngay những mâu thuẫn mới phát sinh, có như vậy mới hạn chế được hậu quả đáng tiếc xảy ra.

LS Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Luật Đại Nam

img

Bà Lê Thị Hồng (thôn Tân Phương Lang, Hải Ba, Hải Lăng, Quảng Trị) than thở: “Do là vùng tranh chấp, tui ở đây ba chục năm trời rồi mà đất đai chưa hề có sổ đỏ”. (Ảnh: Ngọc Vũ)

Ở Kim Bảng, Hà Nam còn có trường hợp bố đưa họ hàng đến “cưỡng chế” thu hồi đất của con trai. Cậu con trai đã cầm dao rượt đuổi đòi chém bố. Qua đó cho thấy giá trị đạo đức bị băng hoại nghiêm trọng. Bên cạnh việc các cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm pháp luật thì xã hội cần lên án thật mạnh mẽ, trong đó báo chí là một kênh quan trọng giúp mọi người suy ngẫm, nhìn lại mình để ứng xử có tình, có lý.

Nguyễn Bích Hồng (sinh viên ĐH Luật, Hà Nội)

Những năm gần đây, các tranh chấp liên quan đến đất đai, xây dựng gia tăng. Trong số đơn thư kiến nghị gửi tới chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, phần lớn có nội dung liên quan đến đất đai, xây dựng.

Thực tế, tại các khu dân cư, những hộ liền kề, vốn là hàng xóm “tối lửa tắt đèn có nhau”, nhưng chỉ vì tranh chấp về đất đai hoặc phát sinh trong quá trình xây dựng không được giải quyết từ đây dẫn đến vụ việc căng thẳng, gây mất an ninh trật tự khu dân cư. Hệ lụy từ các vụ án hình sự mà nguyên nhân phát sinh từ tranh chấp đất đai, kéo dài nhiều năm sau, bởi cả bị cáo và người bị hại thường có mối quan hệ thân quen, thậm chí là họ hàng ruột thịt.

Qua đây có thể thấy việc xử lý không kịp thời, đúng đắn những vấn đề bức xúc liên quan đến đất đai đang có nguy cơ trở thành một mầm mống sinh ra những bất công lớn và dẫn tới mất ổn định xã hội. Thực tế này đòi hỏi các cấp chính quyền và cơ quan chức năng cần tích cực giải quyết triệt để từ khi mới xảy ra.

Công tác hòa giải ban đầu ngay tại tổ dân phố, khu dân cư là rất quan trọng, qua đó chính quyền địa phương nắm rõ được tình hình, nguyên nhân mâu thuẫn, có cơ sở giải quyết hợp tình, hợp lý, khơi gợi tinh thần đoàn kết, tình làng nghĩa xóm và đạo lý tốt đẹp trong gia đình.

Luật sư Vũ Văn Thiệu – Công ty Luật Hợp doanh Incip

Thời gian gần đây, Công an tỉnh Quảng Nam thường xuyên chỉ đạo cơ sở tăng cường giải quyết và xử lý nhanh các vướng mắc, bức xúc trong dân cư, nhất là về tranh chấp đất đai, hoa màu, rừng… ở nông thôn, tránh để những mâu thuẫn này bùng phát lên thành những xô xát làm mất an ninh trật tự ở nông thôn. Thực tế cho thấy những án mạng đau lòng xảy ra ở nông thôn đều bắt nguồn từ những tranh chấp không đáng. Để tránh được những án mạng đau lòng, cần vào sự cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp, bắt đầu từ thôn, tổ dân phố. Nếu cán bộ bám sát cơ sở, phát hiện nhanh các điểm nóng và có mặt ngay để hòa giải hoặc hướng dẫn người dân khiếu kiện đúng pháp luật thì các tranh chấp sẽ khó xảy ra. Cán bộ cơ sở cũng  có thể báo cáo nhanh cho công an huyện, tỉnh những vấn đề tranh chấp có tính phức tạp để tăng cường lực lượng xuống cơ sở hỗ trợ giải quyết. Quan trọng nhất là cần giải quyết những điểm nóng ngay tại gốc, không nên để người dân bị kẻ xấu xúi giục, rồi xảy ra việc đáng tiếc lúc đó mới vào cuộc thì đã muộn…

Đại tá Nguyễn Đức Dũng - người phát ngôn CA Quảng Nam

Theo thống kê của các cơ quan tiếp công dân T.Ư, năm 2014, trên địa bàn cả nước, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai chiếm gần 70% số đơn khiếu nại, tố cáo các cơ quan hành chính nhận được; riêng Bộ TNMT đơn khiếu nại, tố cáo về đất đai chiếm đến 98% số lượng đơn thư nhận được mỗi năm. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem