Quy trình 5 bước trong luân chuyển cán bộ ngành Kiểm tra Đảng

PVCT Thứ tư, ngày 12/07/2023 10:08 AM (GMT+7)
Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đã ký ban hành Quy định số 110 –QĐ/TW của Ban Bí thư về luân chuyển cán bộ trong ngành Kiểm tra Đảng.
Bình luận 0

Quy định nêu rõ quan điểm và nguyên tắc: Công tác luân chuyển cán bộ trong ngành Kiểm tra Đảng thực hiện theo quy định của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu và cán bộ ngành Kiểm tra Đảng.

Cán bộ luân chuyển phải trong quy hoạch. Bảo đảm hài hòa giữa luân chuyển cán bộ với bố trí, sử dụng cán bộ tại chỗ; vừa đáp ứng nhiệm vụ trước mắt, vừa tạo nguồn cán bộ cho ngành Kiểm tra Đảng.

Quy trình 5 bước trong luân chuyển cán bộ trong ngành Kiểm tra Đảng - Ảnh 1.

Một kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh ubkttw.vn

Cơ quan nơi đi, cơ quan nơi đến và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát, đánh giá cán bộ luân chuyển và thực hiện chính sách, chế độ phù họp tạo điều kiện cho cán bộ luân chuyển hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Về phạm vi, đối tượng, nguyên tắc bố trí chức danh luân chuyển: Luân chuyển cán bộ trong ngành Kiểm tra Đảng từ Trung ưong đến cấp huyện và tương đương; từ cấp trên xuống cấp dưới hoặc từ cấp dưới lên cấp trên hoặc cùng cấp.

Quy trình 5 bước trong luân chuyển cán bộ ngành Kiểm tra Đảng như sau:

Bước 1. Ủy ban Kiểm tra Trung ương ban hành kế hoạch luân chuyển cán bộ trong ngành Kiểm tra Đảng theo nhiệm kỳ, hằng năm.

Bước 2. Căn cứ nhu cầu luân chuyển cán bộ, cấp ủy trực thuộc Trung ương rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ trong ngành Kiểm tra Đảng của địa phương, cơ quan, đơn vị để xây dụng kế hoạch luân chuyển trình Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, cho chủ trương.

Bước 3. Ủy ban Kiểm tra Trung ương tổng hợp đề xuất của các địa phương, đơn vị và tiến hành rà soát tiêu chuẩn, tiêu chí và dự kiến địa bàn, chức danh, nhân sự luân chuyển.

Bước 4. Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì trao đổi với cấp ủy địa phương, đơn vị để dự kiến danh sách nhân sự, chức danh luân chuyển.

Bước 5. Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ chỉ đạo, tổ chức thực hiện các bước tiếp theo, cụ thể:

- Lấy ý kiến nhận xét, đánh giá đối với nhân sự dự kiến luân chuyển.

- Gửi văn bản lấy ý kiến thẩm định của các cơ quan liên quan, trao đổi với cơ quan nơi đi, cơ quan nơi đến về dự kiến địa bàn, chức danh và nhân sự dự kiến luân chuyển. Tổ chức gặp cán bộ để quán triệt mục đích, yêu cầu luân chuyển; nắm tâm tư, nguyện vọng và xác định trách nhiệm đối với cán bộ luân chuyển.

- Xem xét, quyết định và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện (công bố quyết định hoặc chỉ đạo bầu cử và các công việc cần thiết khác).

Quy định nêu rõ thời gian luân chuyển ít nhất là 3 năm (36 tháng). Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ xem xét, quyết định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem