Quy hoạch nông thôn mới: Ngổn ngang nhà ở, đường làng

Thứ bảy, ngày 19/05/2012 07:49 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Khi bắt tay vào quy hoạch xây dựng nông thôn mới, rất nhiều địa phương đã “lâm” vào cảnh “húc” vào đâu cũng vướng: Nhà thì lố nhố đủ kiểu, đường làng đâu cũng đặc một khối bê tông...
Bình luận 0

Nhốn nháo nhà ngói, nhà tầng...

Là một trong 8 xã điểm của Thái Bình về xây dựng nông thôn mới (NTM), về xã Nguyên Xá (huyện Vũ Thư, Thái Bình), có thể dễ dàng tìm thấy những ngôi nhà tầng cao chót vót, những ngôi nhà mái bằng san sát ven trục đường liên thôn. Thế nhưng, để tìm được những ngôi nhà cổ, mang đậm đặc trưng của một làng quê Bắc Bộ thì ngày càng hiếm. Ông Nguyễn Tiến Sang - cán bộ văn hóa xã Nguyên Xá cho biết: “Toàn xã Nguyên Xá có hơn 2.000 nóc nhà, thì có đến 90% trong số đó là nhà mái bằng, nhà cao tầng. Cả xã chỉ còn duy nhất một ngôi nhà cổ, có kiến trúc độc đáo được xây bằng gỗ”.

img
Nhà xây dựng ở Hoằng Đồng rất lộn xộn, không có quy hoạch.

Ông Hoàng Văn Khải- Chủ tịch UBND xã Nguyên Xá lo lắng: “Nếu cứ để tình trạng này xảy ra, không bao lâu kiến trúc nhà ở nông thôn sẽ “cao tầng hóa” hết. Đúng là lâu nay, chúng tôi chưa nghĩ đến chuyện quy hoạch nhà ở nông thôn mà mới chỉ làm quy hoạch chung chung”. Riêng về quy hoạch nhà ở, địa phương cũng đã tính đến làm các khu dân cư tập trung. Nhưng để vừa tiện lợi, vừa không làm mất đi bản sắc văn hóa truyền thống về kiến trúc nhà ở nông thôn xưa là không thể làm được”.

Ông Phạm Văn Quỳnh- Trưởng phòng Công Thương huyện Vũ Thư, đơn vị tư vấn quy hoạch xây dựng NTM trong toàn huyện cho biết: “Đa phần nhà ở khu vực nông thôn đều được xây dựng tự phát, không có sự định hướng hay mẫu thiết kế nhà để họ lựa chọn. Nguyên nhân chính là vấn đề kinh phí. Vì nếu xây dựng nhà ở theo kiểu kiến trúc nhà vườn xưa có khi kinh phí còn đắt gấp đôi, thậm chí gấp ba nhà mái bằng và nhà tầng”.

Cần có hướng dẫn xây nhà

Hoằng Đồng (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) là xã thuần nông, chỉ sau 3 năm xây dựng NTM, 95% số đường liên thôn trong xã đã được bê tông hóa. Cùng với đó là các công trình trường học, trạm xá, UBND xã, nhà văn hóa đã được xây mới. Tuy nhiên, kiến trúc nhà ở trong xã hiện đang rất lôm côm. Toàn xã có 8 thôn, nhưng kiến trúc nhà ở không nhà nào giống nhà nào. Ông Trương Văn Mạnh – Chủ tịch UBND xã Hoằng Đồng cho biết: “Do diện tích đất thổ cư bị co hẹp, bà con tích cóp cả đời mới có một khoản để xây nhà, nên ai cũng có tâm lý, mong ước được xây một ngôi nhà kiên cố”.

“Nếu cứ để tình trạng này xảy ra, không bao lâu kiến trúc nhà ở nông thôn sẽ “cao tầng hóa” hết”.

Ông Hoàng Mạnh Tường- Giám đốc Trung tâm Quy hoạch đô thị - nông thôn tỉnh Thái Bình cho rằng: “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiện nay là do quá trình đô thị hoá, đất đai ngày càng có giá. Người nông dân có ít tiền, nhưng khi xây dựng lại học theo mẫu nhà chia lô ở thành phố. Thậm chí, nhiều người cho rằng, ngày nay khuôn viên không gian truyền thống không còn phù hợp vì chiếm nhiều diện tích. Họ chọn lối kiến trúc hiện đại, nhà 2, 3 tầng khép kín vừa đẹp, lại tiện lợi”.

Cũng theo ông Tường, các địa phương khi lập quy hoạch, cần giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa nhu cầu trước mắt và yêu cầu phát triển lâu dài. Theo đó, quy hoạch phải gắn với quản lý thực hiện, tránh tình trạng quy hoạch một đằng, làm một nẻo. Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn, triển lãm các mẫu nhà thiết kế phù hợp với vùng nông thôn để người dân lựa chọn khi xây dựng nhà ở cho mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem