Phó Chủ tịch nước trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho huyện miền núi 190 tuổi ở Phú Thọ

Hoan Nguyễn Thứ bảy, ngày 21/10/2023 08:45 AM (GMT+7)
Tối 20/10, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Ánh Xuân trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ).
Bình luận 0

Tối 20/10, UBND huyện Thanh Sơn long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 190 năm (1833-2023) thành lập huyện và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất. 

Dự buổi lễ có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng các đồng chí lãnh đạo, đại diện các ban, ngành Trung ương, tỉnh Phú Thọ và đông đảo quần chúng nhân dân.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dự kỷ niệm 190 năm thành lập huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao chân dung Bác Hồ và Huân chương Lao động hạng Nhất tặng đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Thanh Sơn. Ảnh: Hoan Nguyễn

Trong diễn văn lễ kỷ niệm, Bí thư Huyện ủy Thanh Sơn Đặng Quang Huy đã ôn lại truyền thống hào hùng xây dựng và phát triển của huyện Thanh Sơn suốt chặng đường 190 năm qua.

Bí thư Huyện ủy Thanh Sơn Đặng Quang Huy nhấn mạnh, từ thời Hùng Vương dựng nước, Thanh Sơn thuộc đất Bộ Văn Lang, 1 trong 15 bộ trung tâm của nước Văn Lang. Mùa Thu năm 1833, dưới triều đại nhà Nguyễn, năm Minh Mệnh thứ 14 đã cho tách huyện Thanh Xuyên của tỉnh Hưng Hóa thành hai huyện Thanh Sơn và Thanh Thủy. Kể từ đây, huyện Thanh Sơn chính thức được khai sinh. Đây là bước ngoặt quan trọng trong tiến trình lịch sử của huyện và khẳng định vị thế với những thành tựu rực rỡ mà cư dân nơi đây đã tạo dựng.

Với vị trí địa lý chiến lược quan trọng, trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, huyện Thanh Sơn đã trở thành căn cứ đứng chân của nhiều cơ quan Trung ương, của tỉnh Sơn La và một số đơn vị bộ đội chủ lực. Huyện Thanh Sơn hăng hái đóng góp sức người, sức của phục vụ kháng chiến, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dự kỷ niệm 190 năm thành lập huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) - Ảnh 2.

Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Minh Châu tặng Cờ thi đua đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Thanh Sơn. Ảnh: Hoan Nguyễn

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thực hiện nghĩa vụ hậu phương lớn với tinh thần "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", "tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng", hơn 10.000 thanh niên Thanh Sơn đã lần lượt lên đường nhập ngũ; hàng chục ngàn tấn lương thực, thực phẩm được gửi ra cho tiền tuyến; phối hợp đánh trả, bắn rơi nhiều máy bay, bắt sống giặc lái.

Đặc biệt, Thanh Sơn vinh dự được đón và đóng góp công sức bảo vệ an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những tháng ngày ác liệt nhất của chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ... 

Sau khi đất nước độc lập, thống nhất, cùng với cả nước, Thanh Sơn tập trung nguồn lực bắt tay khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế - xã hội, từng bước ổn định và cải thiện đời sống nhân dân, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật ban đầu của chủ nghĩa xã hội.

Sau 190 năm thành lập, vượt khó, nỗ lực, không ngừng đổi mới, sáng tạo, huyện Thanh Sơn phát triển nhanh và khá toàn diện trên các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Chỉ tính trong 20 năm (2002 - 2022), tổng thu ngân sách trên địa bàn tăng 60 lần; tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 3 năm vừa qua ước đạt 4.173,8 tỷ đồng. Giá trị sản phẩm bình quân mỗi ha đất canh tác nông lâm nghiệp và thủy sản đã vượt 117 triệu đồng.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, ngành dịch vụ - công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng chiếm 62,2%. Chất lượng cuộc sống người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đã đạt trên 37,7 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo từ 28% năm 2011 giảm xuống còn 8,3% năm 2022.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dự kỷ niệm 190 năm thành lập huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) - Ảnh 3.

Tiết mục văn nghệ biểu diễn trong Lễ kỷ niệm 190 năm thành lập huyện Thanh Sơn. Ảnh: Hoan Nguyễn

Đến nay, huyện Thanh Sơn đã có 6 xã, 129 khu đạt chuẩn nông thôn mới; nhiều dự án được đầu tư và đi vào sản xuất có hiệu quả, tạo việc làm, tăng thu ngân sách. Bên cạnh đó, các tuyến giao thông, các thiết chế hạ tầng văn hoá - xã hội được xây dựng mới hoặc cải tạo và nâng cấp đồng bộ...

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm, chú trọng, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị ngày càng đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa lớn trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân; vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ngày càng được phát huy. Tất cả đã tạo nên một sức sống mới, diện mạo mới cho quê hương Thanh Sơn.

Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Minh Châu khẳng định, trong điều kiện còn nhiều hạn chế của một huyện miền núi, song chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Thanh Sơn đã phát huy truyền thống cách mạng, đã nêu cao tinh thần đoàn kết, lao động cần cù, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, huy động các nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế, xây dựng huyện nhà ngày càng phát triển trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh...

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dự kỷ niệm 190 năm thành lập huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) - Ảnh 4.

Thời gian qua, các hoạt động văn hoá, văn nghệ được tổ chức thường xuyên góp phần nâng cao đời sống tinh thần, gìn giữ bản sắc dân tộc tại Thanh Sơn. Ảnh: Hoan Nguyễn

Những năm tới, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Minh Châu đề nghị đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc huyện Thanh Sơn triển khai hiệu quả các giải pháp vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa chăm lo, nâng cao đời sống nhân dân. 

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng nền hành chính hiện đại, năng động, hiệu lực, hiệu quả; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm chi phí kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Phát huy sức mạnh tổng hợp, huy động tối đa mọi nguồn lực nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của huyện trong việc hợp tác, giao thương kinh tế với các huyện khác trong tỉnh Phú Thọ và thu hút các doanh nghiệp ngoài tỉnh về đầu tư phát triển.

Cùng với đó quan tâm phát triển văn hóa, xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, chú trọng phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, nâng cao sức khỏe, đời sống cho nhân dân. Tập trung giải quyết việc làm; triển khai các mô hình giảm nghèo bền vững.

Phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, nâng cao đạo đức xã hội, ý thức pháp luật, xây dựng văn hóa, con người Thanh Sơn phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, có khát vọng vươn lên, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong thời kỳ mới.

Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Ánh Xuân đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Thanh Sơn vì những thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem