Phát triển ngành sữa: Nhìn từ một mô hình

Thứ ba, ngày 21/09/2010 08:52 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ năm 1995 Công ty FrieslandCampina VN (tiền thân là Dutch Lady Việt Nam) đã triển khai chương trình phát triển ngành sữa (DDP). Đến nay chương trình này đã mang lại hiệu quả cho bà con nông dân.
Bình luận 0
img
Tác động khuyến khích tăng đàn từ chương trình khiến nhiều hộ nuôi mạnh dạn đầu tư phát triển theo hướng quy mô lớn.

Từ những mô hình thiết thực

Hầu hết các hoạt động trong chương trình phát triển ngành sữa của FrieslandCampina VN đều xuất phát từ điều kiện và hoàn cảnh thực tế của người nông dân. Chẳng hạn, trong việc lựa chọn mô hình chuồng nuôi, sẽ là không thiết thực khi giới thiệu những mô hình chuồng trại chăn nuôi hiện đại với người nông dân, bởi họ gặp phải những hạn chế cả về vốn và kỹ thuật.

Thay vào đó, FrieslandCampina VN đã áp dụng mô hình trại nuôi “cây nhà lá vườn”, sử dụng các vật dụng có sẵn ở nông thôn như gỗ, tre, tranh, nứa, lá… để làm chuồng trại. Mô hình này vừa thích hợp với điều kiện khí hậu VN, lại vừa phù hợp với nông dân, bởi tính kinh tế, đơn giản, dễ làm theo.

Quan trọng nhất là mô hình này vẫn đảm bảo được các vấn đề vệ sinh, kỹ thuật chăm sóc, giúp bò cảm thấy thoải mái. Do đó đảm bảo được năng suất của nguồn sữa. Cộng thêm hỗ trợ kỹ thuật từ FrieslandCampina VN, người nông dân hoàn toàn có thể sản xuất nguồn sữa chất lượng cao.

Biến tiềm năng thành thực tế

Để giúp nông dân nâng cao chất lượng sữa, FrieslandCampina VN đã phổ biến và khuyến khích họ thay đổi thói quen trong quá trình vắt sữa, giao sữa. Cụ thể, sử dụng máy vắt sữa thay cho vắt bằng tay, sử dụng can nhôm để đựng sữa thay cho can nhựa, chú ý vệ sinh chuồng trại, đảm bảo thời gian từ lúc vắt sữa cho tới khi giao sữa tại các điểm thu mua trong vòng 3 giờ.

Về phía mình, FrieslandCampina cũng chủ động áp dụng chính sách trả tiền theo chất lượng sữa và thưởng để khuyến khích người nông dân sản xuất sữa chất lượng cao.

Đến nay, 100% hộ chăn nuôi bò có quy mô đàn trên 15 con cung cấp sữa cho công ty đều chuyển sang sử dụng máy vắt sữa thay vì vắt bằng tay như trước. 100% các hộ nuôi cũng chuyển sang sử dụng can nhôm thay thế can nhựa.

Ông Lưu Văn Tân - Trưởng bộ phận phát triển ngành sữa của FrieslandCampina VN, khẳng định, chất lượng của nguồn sữa mà công ty có được hiện nay đã có một bước tiến dài so với trước khi triển khai chương trình phát triển ngành sữa.

Nếu như năm 2005, tỷ lệ tổng tạp trùng trong sữa là 1 triệu cfu/ml, vật chất khô là 12,2%, chất béo là 3,8%, thì năm 2010, chất lượng sữa của nông dân giao cho công ty đã đạt mức chuẩn: 12% vật chất khô, 3,5% béo và tổng tạp trùng chỉ còn 350.000 cfu/ml, không có chất kháng sinh và chất thêm vào. Thậm chí nhiều hộ nông dân còn giao sữa với chất lượng vượt mức chuẩn này.

Bên cạnh đó, tác động khuyến khích tăng đàn từ chương trình cũng đã khiến nhiều hộ nuôi đã mạnh dạn đầu tư phát triển theo hướng quy mô lớn hơn. Bằng chứng là ngày càng có nhiều trại nuôi bò quy mô lớn . Năm 2009 số hộ có từ 11 - 20 con là 22%, trên 21 con là 9%, so với năm 2004 là 15%, và 9%.

Trong thời gian tới, bên cạnh tiếp tục phát triển những chương trình hỗ trợ về kỹ thuật và kinh nghiệm chăn nuôi bò sữa cho người nông dân, FrieslandCampina VN còn lên kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn quản lý trang trại để người nông dân từng bước biết cách quản lý nguồn thu chi và hạch toán lợi nhuận của mình.

Theo ông Tân, để ngành bò sữa có thể phát triển một cách bền vững thì người chăn nuôi cần phải quan tâm đến việc sản xuất sữa có chất lượng cao với chi phí hợp lý. Qua đó lợi nhuận tạo ra có thể được tái đầu tư nhằm nâng cao quy mô đàn bò cũng như sản lượng sữa của trại. Quy mô đàn bò và sản lượng sữa hợp lý cùng với lợi nhuận ổn định là điều kiện cần thiết để người chăn nuôi chuyên nghiệp hóa và gắn kết lâu dài với nghề chăn nuôi bò sữa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem