Phát triển công nghiệp hỗ trợ máy nông nghiệp: Chưa làm đã kêu khó

Mai Hương (thực hiện) Thứ hai, ngày 15/09/2014 07:01 AM (GMT+7)
Cũng như rất nhiều ngành sản xuất công nghiệp hiện nay, lĩnh vực máy móc nông nghiệp Việt Nam đang phát triển rất èo uột mà một trong những nguyên nhân là do thiếu công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Máy móc phục vụ nông nghiệp không phát triển tất yếu dẫn tới một nền nông nghiệp lạc hậu, kém cạnh tranh. Xung quanh vấn đề này, PV NTNN đã trao đổi với ông Lưu Đức Khải - Trưởng ban Chính sách nông nghiệp - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM-Bộ KHĐT).
Bình luận 0

Mỗi năm thiệt hại cả chục nghìn tỷ đồng

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về thực trạng sản xuất máy móc cho nông nghiệp của ta hiện nay?

img 

Ông Lưu Đức Khải - Trưởng ban Chính sách nông nghiệp - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM-Bộ KHĐT).

- Các loại máy nông nghiệp được sản xuất tại Việt Nam bao gồm chế tạo và lắp ráp hiện chỉ chiếm thị phần khoảng 30-40%. Còn lại là nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản; trong đó phần lớn là máy móc nhập từ Trung Quốc. Chúng ta đang có một ngành sản xuất máy nông nghiệp kém phát triển mà một trong những nguyên nhân là ngành CNHT còn ở con số không. CNHT của Việt Nam nói chung mới đang đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu dẫn đến khó thu hút đầu tư, đặc biệt là đối với ngành sản xuất, chế tạo máy nông nghiệp.

Chúng ta nhập đa số máy móc phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như máy cày đất, phun xịt thuốc trừ sâu, máy thu hoạch, sơ chế sau thu hoạch… Đây cũng là một trong những lý do vì sao nhiều năm nay, nông dân thực hiện cơ giới hóa không thành công dù đã có chủ trương, chính sách của Nhà nước. Các doanh nghiệp (DN) ngại đầu tư nghiên cứu sản xuất máy móc nông nghiệp bởi sản xuất nông nghiệp manh mún, lạc hậu, nhỏ lẻ cũng không thúc đẩy họ đi vào thị trường này.

Các DN có vốn đầu tư nước ngoài thì rất ít đầu tư vào lĩnh vực máy nông nghiệp vì CNHT cho ngành này không có. Các DN kinh doanh đa số nhập máy Trung Quốc, hoặc máy móc cũ từ nước ngoài về làm mới lại và bán ra thị trường. Để lắp ráp được 1 động cơ máy nông nghiệp phải cần hàng trăm chi tiết, song hầu hết phải nhập khẩu. Nhiều DN rất muốn tìm các những đối tác ở Việt Nam cung ứng các chi tiết để lắp ráp nhằm giảm chi phí cho sản xuất máy nông nghiệp song rất ít DN trong nước đáp ứng được nên đành phải nhập khẩu.

Phải chăng chúng ta không có năng lực để phát triển một ngành CNHT cho máy nông nghiệp, thưa ông?

- Một trong những điểm yếu khiến ngành CNHT máy nông nghiệp kém phát triển là do dung lượng của thị trường máy nông nghiệp hiện quá nhỏ nên chưa hấp dẫn cho đầu tư CNHT. Chính sách ưu đãi phát triển CNHT cũng chỉ ưu tiên theo dự án, chưa ưu tiên theo ngành, lĩnh vực. Bên cạnh đó, quản lý nhà nước về CNHT còn yếu, nhiều lĩnh vực sản xuất CNHT chưa có trong hệ thống thống kê quốc gia, chưa có tiêu chuẩn quốc gia... Nguyên nhân yếu kém nữa là do quan điểm chưa rõ ràng về CNHT, dẫn tới chính sách phát triển CNHT của Việt Nam còn chưa đầy đủ và chưa có chính sách hỗ trợ DN vừa và nhỏ tham gia vào các lĩnh vực CNHT. DN làm CNHT đa số là DN vừa và nhỏ, khó tiếp cận vốn trong khi phát triển CNHT cần vốn nhiều gấp 4- 10 lần so với công nghiệp lắp ráp; rủi ro trong kinh doanh lớn vì sản phẩm mang tính đặc thù cao.

Việc phát triển máy móc nông nghiệp như thế sẽ đưa lại hệ quả như thế nào, thưa ông?

- Theo ước tính của các chuyên gia, riêng khu vực ĐBSCL trung bình mỗi năm thiệt hại tới cả chục nghìn tỷ đồng vì thiếu các loại máy móc phục vụ thu hoạch, bảo quản lúa. Hiện tại, tỷ lệ cơ giới hóa trong thu hoạch tại ĐBSCL chỉ đạt 40% dẫn tới tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch lên tới 13%. Các loại máy sấy ở đây chỉ đáp ứng được khoảng 45-50% lượng lúa thu hoạch vụ hè thu. Với sản lượng lúa hiện nay chỉ riêng khu vực này đã thiếu tới hàng nghìn máy sấy, còn máy gặt lúa, máy gặt đập liên hợp cũng chỉ đáp ứng được 56% diện tích lúa được gặt bằng máy. Tất nhiên, máy móc kém phát triển sẽ khiến sản xuất nông nghiệp lạc hậu manh mún.

Khuyến khích nông dân sử dụng máy nông nghiệp

Nhưng chúng ta cũng đã có không ít các chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực máy nông nghiệp?

- Thực tế, tại các địa phương hiện nay, chính sách phát triển CNHT chưa “chạm” đến DN trong lĩnh vực này. Quyết định số 12 (ban hành năm 2011) về chính sách phát triển một số ngành CNHT của Chính phủ còn quá chung chung, ưu đãi cho DN CNHT không khác gì ưu đãi cho DN nhỏ và vừa nên kém thu hút. Vì thế cần phải có những chính sách cụ thể và thiết thực hơn như sách đất đai, cần tạo thuận lợi về quỹ đất cho các DN thuê lâu dài, ổn định với giá ưu đãi. Với chính sách thuế, cần xếp các DN sản xuất CNHT vào nhóm DN ưu đãi về thuế để được hưởng miễn giảm thuế như những DN đầu tư khác…

Ngay việc hỗ trợ máy móc cho nông dân ta làm cũng vậy, dù có một số chính sách hỗ trợ như trực tiếp hỗ trợ nông dân thông qua ngân hàng, hỗ trợ lãi suất vốn vay, bảo lãnh tín dụng cho người dân vay vốn… nhưng vẫn chưa có hiệu quả.

Mới đây, Chính phủ đã phê duyệt “Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp máy nông nghiệp”, điều này sẽ giúp cải thiện như thế nào tình hình hiện nay, thưa ông?

- Theo kế hoạch này, mục tiêu của chúng ta là đạt tỷ lệ cơ giới hóa nông nghiệp đến năm 2020 ở khâu làm đất 95%; khâu gieo trồng, chăm bón đạt 70%, khâu thu hoạch đạt 70%, khâu chế biến đạt 80%. Chúng ta khuyến khích nông dân sử dụng máy nông nghiệp, thực hiện chương trình hỗ trợ máy đáp ứng đầy đủ yêu cầu chất lượng cho người nông dân. Với yếu kém nội tại, Việt Nam cần có sự hợp tác với nước ngoài, đặc biệt là Nhật Bản để nâng cao năng lực nghiên cứu và sản xuất.

Tôi được biết, trên cơ sở tham khảo Luật Thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp của Nhật Bản, Chính phủ sẽ xây dựng một Quyết định về thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp. Trong đó, Nhà nước sẽ xem xét, hỗ trợ một phần ngân sách cần thiết để triển khai kế hoạch của các địa phương… Với các nhà sản xuất máy móc, chủ trương của Chính phủ là xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật cho các máy nông nghiệp phục vụ canh tác sản xuất; bổ sung, hoàn thiện chế độ thuế để các nhà máy lắp ráp máy nông nghiệp có thể thu mua được một phần các linh kiện chế tạo nội địa… Tuy nhiên đây mới chỉ là kế hoạch hành động để hợp tác với Nhật Bản. Chúng ta vẫn còn cần các giải pháp căn cơ hơn nữa.

Cụ thể đó là những giải pháp gì, thưa ông?

- Giải pháp cần thiết nhất hiện nay đó là nhanh chóng hiện đại hóa công nghệ, đào tạo lao động chất lượng cao để sớm có thể sản xuất những sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Ngoài ra, để hỗ trợ các DN, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cần sớm xây dựng cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tiếp cận nguồn vồn vay dài hạn với lãi suất ưu đãi. Đừng chưa làm đã kêu khó. Tôi cho rằng, để khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực chế tạo máy móc phục vụ nông nghiệp thì cần sớm cụ thể hóa các chính sách. Các cá nhân, tổ chức thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư cơ sở chế tạo máy nông nghiệp cần được hưởng các chính sách ưu đãi như đối với các DN đầu tư về nông thôn. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để các DN trong nước liên doanh, liên kết với DN nước ngoài, tổ chức chế tạo hoặc lắp ráp các loại máy nông nghiệp có tính chuyên dụng cao (máy thu hoạch lúa, mía..., máy cấy, máy kéo). Đối với những máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp trong nước chưa chế tạo được thì nhà nước mới khuyến khích nhập khẩu để đáp ứng kịp thời yêu cầu của sản xuất.

- Xin cảm ơn ông!

   Bộ Công Thương đang xây dựng Nghị định về phát triển CNHT dự kiến sẽ được trình Chính phủ và ban hành vào quý IV/2014. Nghị định mới chủ yếu tập trung vào các biện pháp nhằm hỗ trợ về công nghệ, quản trị sản xuất, tiếp cận khách hàng… nhằm khắc phục các điểm yếu của các DN CNHT Việt Nam. Đồng thời, Nghị định cũng bổ sung một số ưu đãi về thuế thu nhập DN và các quy định về đầu tư xây dựng cụm công nghiệp hỗ trợ nhằm thu hút các tập đoàn đa quốc gia cung cấp linh kiện và vật liệu toàn cầu đầu tư vào Việt Nam. 
    Theo số liệu của Bộ NNPTNT, hiện cả nước có gần 500 nghìn máy kéo các loại sử dụng trong nông nghiệp, với tổng công suất trên 9 triệu mã lực (CV), tăng 4 lần so với năm 2001; 580.000 máy tuốt đập lúa; khoảng 19.221 máy gặt lúa các loại (máy gặt đập liên hợp tăng 19 lần so với năm 2007; máy gặt xếp dãy tăng 1,2 lần). Riêng vùng ĐBSCL có 12.455 chiếc máy gặt các loại, trong đó: 8.919 máy gặt đập liên hợp và 3.536 chiếc máy gặt rải hàng.Về cơ giới hoá sản xuất lúa, năm 2012 đạt: Mức độ cơ giới hoá bình quân các khâu- làm đất trồng lúa đạt 80 %; thu hoạch đạt 30% (vùng ĐBSCL đạt 58%); sấy lúa chủ động ĐBSCL 42%; tuốt lúa 95%; xay xát lúa, gạo 95%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem