Phải lòng bánh tàn ong phố Hội

Bài, ảnh: Thanh Ly Thứ ba, ngày 15/09/2015 19:01 PM (GMT+7)
Phố cổ Hội An như đượm tình hơn khi thi thoảng lại có cơn mưa trái mùa. Những cơn mưa thường đến theo đợt không khí lạnh, không thấy rõ từng giọt rơi xuống, chỉ lấm tấm những dấu chấm càng làm nhòa thêm những ngõ phố rêu phong. Mỗi chiều mưa như thế, không hiểu sao đi giữa phố phường đông đúc, lòng lại chợt buồn mênh mang…
Bình luận 0

Khi còn học cấp 2 (bậc THCS ngày nay), mỗi lần mưa giăng, chỉ đợi tan học là bọn trẻ chúng tôi lại thi nhau đạp xe tìm quán quà vặt. Giữa bao nhiêu món quà quen thuộc cả nhóm vẫn thích ngồi bên quầy hàng bánh tàn ong. Ở phố cổ Hội An, nói là quầy chứ thật ra chỉ là quán hàng rong nhỏ, đồ nghề với một khuôn đổ bánh, một bếp lửa than hồng đỏ rực đặt bên là thau bột. Đơn giản vậy mà quán lúc nào cũng đông khách.

img

Đổ bánh tàn ong.

Chúng tôi xúm lại ngồi quanh chờ cô bán hàng đổ bánh với bàn tay nhanh nhẹn đổ từng vá bột vào khuôn nóng hực. Chỉ vài phút sau, một đĩa bánh vàng rượm, thơm nức, nóng hổi được chuyền từ tay cô gái bán hàng. Mùi bánh quyện mùi bột bình tinh nồng nàn, nóng hổi. Chỉ cần ngửi thấy mùi bánh toả ra thôi, đã thấy cơn đói như bị đánh thức, thèm được đưa miếng bánh “tí hon”, hình trái tim xinh xinh  kia lên miệng ăn ngay tức thì.

Nghề bán bánh tàn ong nơi phố cổ Hội An cũng khá vất vả, bởi du khách thường rất thích loại bánh này, lượng tiêu thụ khá nhiều và suốt từ sáng sớm cho tới đêm khuya. Để làm ra những chiếc bánh tàn ong, người làm bánh, người bán bánh cùng phải thức khuya dậy sớm chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, công phu từ khâu làm bột. Bột phải chọn loại được làm từ củ bình tinh, trắng như sữa; khi đổ bánh bột dễ kết dính, bánh ra lò lại mịn và đẹp. Trứng vịt, bột được đổ vào một cái chậu to, đánh lên cho thật nhuyễn. Lúc đánh bột rất vất vả, có khi mất vài tiếng đồng hồ. Đánh mạnh từ dưới lên trên, từ trong ra ngoài, đánh càng nhiều, càng mạnh tay cho nổi bọt thì lúc đổ, bánh mới ngon. Khuôn đổ bánh tàn ong được đúc bằng đồng, phía trong chia thành 5 ô hình trái tim đều nhau. Sau khi lau chùi sạch sẽ khuôn bánh rồi bỏ khuôn lên bếp than đã chuẩn bị sẵn.

img

Cùng với các loại bánh khác, bánh tàn ong vốn là đặc sản truyền thống của người Hội An nói riêng và xứ Quảng nói chung.

Mỗi khi có khách, cô bán hàng nhanh tay lấy một cọng chuối đập dập rồi nhúng vào bát dầu, thoa đều dầu vào khuôn bánh, cẩn thận đổ bột vào khuôn. Bột phải đổ cho khéo, nếu nhiều quá sẽ tràn ra  khuôn, mà ít quá bánh sẽ xấu xí, chỉ vừa mép là đủ. Người đổ bánh nhanh tay đậy vung rồi gắp than bỏ lên trên vung cho nóng. Bánh chỉ nướng trên than đỏ vừa, nên thi thoảng cô bán hàng cứ lấy cây khều cho những hòn than cháy bớt. Và chỉ trong phút chốc, bột dậy lên, mùi thơm đã tỏa. Tiếp tục lấy thanh tre nhọn vót sẵn để nhấc bánh lên sao cho bánh không trầy xước hay bể vụn. Và thật là còn gì bằng khi đưa nguyên một chiếc bánh tàn ong vào miệng, cắn một miếng đã nghe tiếng kêu rôm rốp cùng với vị ngọt đậm đà tan dần nơi đầu lưỡi.

Đã bao năm trôi qua, tấm bánh tuổi thơ thửa nào nay lại trở thành món quà quê được nhiều du khách thích thú mỗi khi thưởng thức hoặc chọn lựa để mua về làm quà. Tôi may mắn hơn những đứa bạn xưa vì được về sống ở Hội An sau những tháng ngày học tập và bon chen nơi xứ người. Và cứ mỗi độ phố cổ Hội An trở gió mưa về, ngang qua mẹt bánh tàn ong nhìn cô bán hàng với nụ cười đon đả, nhanh tay chuyền những chiếc bánh cho du khách mà lòng lại nhớ một thời xa lắc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem