PGS Vũ Minh Khương: Cùng một việc, người Campuchia mong hoàn thành sớm, người Việt cứ "ngâm" cho hết ngày

An Linh Thứ năm, ngày 30/11/2023 11:14 AM (GMT+7)
Đây là chia sẻ của PGS, TS Vũ Minh Khương tại Diễn đàn Quốc gia về Phát triển bền vững Việt Nam năm 2023, thúc đẩy chuyển dịch xanh, bao trùm đang diễn ra Bộ KH&ĐT tại Hà Nội.
Bình luận 0

Trao đổi tại diễn đàn về chủ đề Khai thác động lực tăng trưởng xanh để tăng tốc công cuộc phát triển hướng đến tầm nhìn Việt Nam 2045, PGS Vũ Minh Khương, giảng viên cao cấp Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore), nguyên thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng giai đoạn 2016 - 2021 nhấn mạnh đến xu hướng tăng trưởng xanh, năng lượng xanh của toàn cầu. Cơ hội lớn của Việt Nam để đổi thay, phát triển.

Thực trạng người có năng lực nhưng không làm việc hết nỗ lực

Theo PGS Vũ Minh Khương, dù có nhiều thay đổi và cải cách song bản thân còn bộ phận người Việt, bộ máy hành chính nhiều nơi vẫn còn xin cho, bao cấp. Để thay đổi vấn đề này, chung ta phải thay đổi nhận thức toàn xã hội, người dân và cơ chế quản trị.

PGS Vũ Minh Khương: Cùng một việc, người Campuchia mong hoàn thành sớm, người Việt cứ "ngâm" cho hết ngày - Ảnh 1.

PGS Vũ Minh Khương, giảng viên cao cấp Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore) - Ảnh: Chinhphu.vn

"Thay đổi phần cứng của đất nước, của nền kinh tế có thể sẽ mất thời gian, nhưng thay đổi nhận thức sẽ nhanh hơn, đi tắt đón đầu được hơn và có hiệu quả hơn. Tôi thấy nhiều người trẻ tôi dạy và tiếp xúc, họ khao kháo và mong muốn đưa những cái mới, cái hay là đưa về Việt Nam.

Nêu dẫn chứng, ông Khương cho rằng cùng một việc có thể làm trong vòng 1-3 ngày, nhưng khác nhau ở chỗ là ở Campuchia họ hoàn thành sớm để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Nhưng cũng là công việc ấy, ở Việt Nam, người ta cứ "ngâm" cho đến ngày thứ 3 mới hoàn thành.

"Nguyên nhân là chờ xem họ có cho gì không? Thực trạng người có năng lực nhưng không hết nỗ lực, để giúp đồng bào mình. Từ vấn đề đăng kiểm đến lý lịch tư pháp… Sao phải khổ thể!?

Theo ông Khương, nỗ lực của cá nhân người Việt Nam là không thiếu, nhưng nỗ lực tập thể là chưa có, chưa có nền tảng để chúng ta cố gắng. Cải cách phần cứng thì chưa đủ, chúng ta không được bỏ qua các động lực cải thiện đất lược, phải có chiến lược rõ ràng cho đất nước.

GS Khương cho rằng, động lực tăng trưởng xanh, Cách mạng 4.0 là chủ đạo của tiến trình phát triển thế giới. Nhưng phải chú ý đến hai rủi ro chiến lược đó là "Thiên Nga đen" và "Con Voi đen"

"Thiên Nga đen" là những biến cố lớn của địa chính trị thế giới, chiến tranh, thiên tai và dịch bệnh. Con Voi đen là những rủi ro nội tại của tham nhũng, tín dụng, ngân hàng… Những vấn đề toàn cầu và thách thức nội tại này nếu bùng lên sẽ khiến đất nước nào cũng rơi vào biến động.

Theo PGS Vũ Minh Khương: "Trong công cuộc kỳ vĩ sắp tới của Việt Nam (phát triển trở thành đất nước phát triển, công nghiệp hiện đại" phải giám sát và kìm toả Con Voi đen cho nền kinh tế và kiểm soát tác động của Thiên Nga đen để giảm bớt tác động đối với nền kinh tế. Kinh nghiệm cho thấy, muốn triệt tiêu được con "ác thủ", phải cắt đường sống  - kiểm soát trước và dự báo trước hiểm hoạ của nó, "cắt nguồn nước", chặn "nguồn thức ăn" để nó chết dần chứ không thể lao vào thực chiến, sẽ khiến nó vỡ vụn.

PGS Vũ Minh Khương: Cùng một việc, người Campuchia mong hoàn thành sớm, người Việt cứ "ngâm" cho hết ngày - Ảnh 2.

PGS, TS Vũ Minh Khương tại Diễn đàn (Ảnh: MPI).

Ông Khương cho rằng, thế giới đã trải qua hàng loạt cuộc cách mạng toàn cầu, giờ đây là cuộc cách mạng toàn diện nhất, lớn nhất mang tên trí tuệ, công nghệ, hướng đến những ích lợi cho hành tinh - xanh, bền vững và hướng vào những yếu tố nhân bản của con người. Kỷ nguyên 5.0 chúng ta chưa thể hình dung xã hội sẽ đi đến đâu, nhưng phải có tư duy chủ động, sẵn sàng lao vào.

"Bài học 1900 khi ô tô được phát kiến ra, người ta vẫn thích chạy xe ngựa, động cơ hơi nước. Bởi vì lúc đó lái ô tô rất nguy hiểm, tìm được người lái được ô tô rất khó khăn. Người ta không thể hình dung kịch bản tương lai ô tô sẽ bạt ngàn ngày nay. Nhưng cũng chỉ mấy chục năm, ô tô đã phát triển với mức độ kinh hoàng và thay đổi toàn diện thế giới. Chúng ta có tương tương lai về trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IOT) và một xã hội số (xã hội 5.0). 

Ông Khương khái luận, Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (Cách mạng Công nghiệp 4.0) sẽ xâm nhập mọi ngành nghề, gia đình, độ tiến bộ, thay đổi rất nhanh.

Nêu ví dụ về thay đổi năng lực và cạnh tranh xuất khẩu dệt may, vốn là thế mạnh của Việt Nam, PGS Khương cho biết, Việt Nam hiện có thể ảnh hưởng mạnh, bị Bangladesh cạnh tranh trực tiếp về lượng và kim ngạch xuất khẩu dệt may. Yếu tố chính tác động là chi phí sản xuất và chứng chỉ xanh. Nước nhập khẩu sẽ truy xuất nguồn gốc xuất xứ, có chứng chỉ xanh họ mới mua, không có thì không mua. Đó là những vấn đề thực tế, đòi hỏi các ngành, nghề của Việt Nam phải thay đổi chính mình.

Chọn đúng thì đi nhanh, chọn sai sẽ đi ngang, đi xuống

PGS Khương nhấn mạnh, Cách mạng Công nghiệp 4.0 là nền tảng cho những tiến bộ kỳ diệu, cho mọi sáng kiến khác nhau, phong phú. Một đất nước phát triển bền vững phải là một đất nước đi theo tư duy chiến lược, tầm nhìn đột phá để có nền tảng tăng trưởng cốt yếu.

"Chọn đúng đi nhanh, chọn sai thì đi ngang hoặc đi xuống. Tư duy rất quan trọng đặc biệt nắm bắt động lực xanh là xu hướng toàn cầu", ông Khương nhấn mạnh.

GS Vũ Minh Khương cho biết, về năng lượng xanh, Trung Quốc là nước đi đầu thế giới và họ coi năng lượng xanh là chiến lược. Việt Nam có rất nhiều tiềm năng và chúng ta cũng phải coi năng lượng xanh, sạch, chuyển dịch nền kinh tế là hàng đầu. 

Về tiềm năng, ông Khương cho rằng năng lượng xanh như điện gió, mặt trời Việt Nam có tiềm năng rất lớn, đơn cử như Ninh Thuận, Bình Thuận và các tỉnh phía Nam. Đất nước trải dài với hình chữ S, 3/4 giáp biển, điện gió ngoài khơi trù phú, năm 2030, mục tiêu của Việt Nam phát triển điện gió ngoài khơi lên đến 6 GW với số vốn kêu gọi đầu tư hàng chục tỷ USD đầu tư vào đây. 

"Vừa phát triển điện tái tạo, vừa xây dựng các trạm lưu trữ là điều kiện lý tưởng cho Việt Nam bởi trung tâm lưu trữ pin trên thế giới hiện nay có mức giá rẻ đi trông thấy và chúng ta kỳ vọng vào điều này. Chúng ta phát triển rộng khắp các cột điện gió ven biển, xa bờ, khi ấy chúng ta có cơ hội kiểm soát những vùng biển, thềm lục địa của mình, an ninh năng lượng sẽ kết hợp an ninh quốc gia, phát triển kinh tế biển", ông Khương nhấn mạnh.

Về xu thế phát triển năng lượng xanh của thế giới, GS Khương cho rằng, nghiên cứu cho thấy 83% đầu tư mới vào ngành điện là năng lượng tái tạo, tiền đổ vào điện chủ yếu là năng lượng tái tạo. Vì vậy, nhận thức được tư duy của thế giới sẽ giúp Việt Nam đi đúng, đi trúng và đi nhanh.

Theo ông Khương, những quốc gia trên thế giới chuyển đổi mình nhanh, trở thành nước phát triển, họ phải dựa trên một nền tảng và động lực nhất định. Không phải chúng ta làm mọi cách để có tăng trưởng hằng năm bất chấp những động lực tăng trưởng bấu víu, chắp vá và thiếu bền vững; không phải chúng ta cứ có gắng phát triển kinh tế ban đêm thì chúng ta sẽ trở thành nước phát triển. Nếu chúng ta không hình dung được nền tảng động lực của đất nước thì chúng ta rất vất vả thực hiện các mục tiêu chiến lược.

Ông Khương nói, nếu bộ máy nhà nước vẫn cơ chế cũ, tư duy cũ mà chọn con người mới sẽ không phù hợp. "Tuyển dụng, trải thảm đỏ nhân tài, con người mới nhưng cơ chế cũ quá thì khó. Cần có tầm nhìn, biết thế giới người ta gọi đó là thông minh, biết chính mình là mới khai sáng".

GS Khương cho rằng, Việt Nam có độ mở lớn, sẵn sàng chơi các cuộc chơi toàn cầu như cam kết 2050 phát thải ròng bằng 0, dù chúng ta còn ngổn ngang, nhưng tôi tin Việt Nam nói là làm. Mới đây Quốc hội Việt Nam phê chuẩn việc Việt Nam tham gia Thuế Tối thiểu toàn cầu… cùng hơn 100 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), cùng thực hiện với các nước đi đầu về cơ chế thuế… đó là niềm vui, tự hào và một tư duy chiến lược, là con đường duy nhất chúng ta đến với sự thịnh vượng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem