Ông lão U90 hồi sinh phường rối cạn Tế Tiêu

Thứ hai, ngày 28/05/2012 14:49 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ở thôn Tế Tiêu, thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) có phường rối từ lâu đời nhưng gần như đã “chết”. Bằng lòng đam mê nghệ thuật, ông Phạm Văn Bể, 87 tuổi, đã khiến phường rối ấy hồi sinh.
Bình luận 0

Nghệ sĩ cũng là chiến sĩ

Theo ông Bể, nghề chơi rối ở Tế Tiêu đã có lịch sử hình thành cách đây hơn 400 năm. Ở một gia phả, sắc phong còn lưu giữ ở đình làng, năm Hưng Phúc 1573, một vị quan có tên là Trần Triều Đông Hải đã về lập làng Tế Tiêu, dạy dân làng cày cấy, trồng dâu nuôi tằm, rèn luyện sức khỏe, chống giặc ngoại xâm, giữ yên xóm làng và đã sáng tạo ra nghề rối. Và suốt từ đó cho đến nay, cứ vào các dịp lễ hội, việc làng, rối nước đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa thường niên của người dân bên bờ sông Đáy.

img
Ông Phạm Văn Bể bên những con rối.

Thế nhưng, năm 1930, do sưu cao thuế nặng, nạn đói kém xảy ra liên miên, cuộc sống vô cùng khó khăn, vất vả, một số cụ phải bỏ làng, bỏ con rối đi mưu sinh nơi khác, chỉ còn một mình cụ Lê Năng Nhượng mang theo một số con trò rối cạn xuống Hải Phòng đi biểu diễn cho các làng và trường học lúc đó.

Năm 1954, sau khi đi dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Bể trở về quê và gặp lại cụ Nhượng- trưởng phường rối năm xưa học thêm về cách tạo hình và các tích trò biểu diễn con rối.

Sau một thời gian “mài đục giũa cưa” cho cụ Nhượng, thấy ông Bể có năng khiếu, nhiệt huyết, cụ đã truyền nghề. Từ đây, ông đã cùng với cụ Nhượng tạo hình các con rối để diễn theo tích cổ nhằm phản ánh cuộc sống lao động sản xuất, chiến đấu của quân dân huyện nhà.

Khát khao hai chữ “nghệ nhân”

Tháng 5.2010, CLB Múa rối Tế Tiêu được thành lập thay cho phường rối Tế Tiêu với 20 thành viên và 1 chủ nhiệm, 1 phó chủ nhiệm, 1 nhạc công, 3 thoại hát, 12 diễn viên cùng hàng trăm con rối và các tích trò biểu diễn.

Cùng với thời gian là sự phát triển, ông Bể đã cùng với CLB liên tục đi biểu diễn phục vụ người dân ở các huyện Thường Tín, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Ứng Hòa… Qua thời gian biểu diễn phục vụ, các tích trò rối cạn được khán giả yêu thích nhất là: "Lý Thường Kiệt đọc hịch", "Leo dây ảo thuật", "Thợ cấy hát ví với thợ cày", "Múa rồng mừng hội"...

Bà Nguyễn Thị Chính - 73 tuổi, vợ ông Bể - người đã cùng ông trải qua bao thăng trầm, bao nhọc nhằn, vất vưởng trong nghề rối nói: “Chẳng giấu gì chú, lúc bấy giờ cuộc sống chỉ tính từng ngày, từng giờ, phải lấy ngô, khoai, sắn mà cầm cự từng bữa ăn, nhưng gia đình chúng tôi vẫn cố bảo nhau phải quyết gìn giữ cho bằng được cái nghề tổ tiên để lại”.

Vậy nhưng, nói về nghề rối ở Tế Tiêu ông Bể vẫn còn nhiều điều day dứt lắm. Đến nay, rối vẫn còn chưa được quan tâm thỏa đáng. Ông tâm sự: Cái hồi chúng tôi làm rối ấy, mang anh em đi biểu diễn khắp nơi, thù lao chỉ đủ ăn nhưng chúng tôi vẫn làm. Thậm chí có lúc, đi biểu diễn về, không có tiền trả công cho anh em, tôi đành mang toàn bộ xoong, nồi, chảo, bát, đĩa…bán sạch sành sanh để trả công, động viên anh em tích cực biểu diễn phục vụ nhân dân. Còn bây giờ, cuộc sống khá giả rồi, không như trước nữa, thế mà nghề rối đang có nguy cơ rơi vào dĩ vãng”.

Trước khi ra về, gạn hỏi về mong muốn của gia đình, ông Bể tâm tư: “Bây giờ chúng tôi già rồi, chả mấy nữa mà về bên kia thế giới. Không có mong muốn gì hơn là Nhà nước, chính quyền địa phương và Bộ VHTTDL sớm có chính sách, đánh giá thỏa đáng, để chúng tôi nhắm mắt cũng yên lòng. Cả đời tôi với 56 năm miệt mài làm nghệ thuật truyền thống, 60 tấm bằng khen, giấy khen các loại mà khi ở tuổi “gần đất xa trời” vẫn chưa được công nhận là nghệ nhân”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem