Olympic Việt Nam bị loại sớm tại ASIAD 19: Câu chuyện của đẳng cấp

Phạm Trần Oánh Thứ hai, ngày 25/09/2023 07:10 AM (GMT+7)
Qua các diễn biến trên sân, rõ ràng bóng đá Ả rập Saudi đang ở 1 trình độ cao hơn Olympic Việt Nam. Chiến thuật, sự chỉ đạo của HLV hay triết lý bóng đá nào đó không thể giúp khỏa lấp khoảng cách trình độ này.
Bình luận 0

Olympic Việt Nam lực bất tòng tâm

Trận cuối cùng vòng bảng gặp Olympic Ả rập Saudi, thầy trò HLV Hoàng anh Tuấn đã để thua với tỷ số 1-3 và bị loại ngay từ vòng bảng môn bóng đá nam ASIAD 19. Đây là kết quả không bất ngờ.

Dù có đá theo cái gọi là triết lý phòng ngự phản công hay kiểm soát bóng thì khi gặp đối thủ mạnh hơn, họ kiểm soát bóng, kiểm soát được thế trận thì đội bóng yếu hơn có muốn đá tấn công cũng không được vì không có bóng mà tấn công. Vì vậy, Olympic Việt Nam đã phải phòng ngự trước các cầu thủ Olympic Ả rập Saudi.

Olympic Việt Nam bị loại sớm tại ASIAD 19: Câu chuyện của đẳng cấp - Ảnh 1.

Olympic Việt Nam không thể tạo được bất ngờ trước Olympic Ả Rập Saudi. Ảnh: Vietnamnet

Cũng là phòng ngự, nhưng điểm khác biệt của cái gọi là lối đá kiểm soát bóng bây giờ của các đội tuyển dưới thời HLV Trooussier và lối đá phòng ngự phản công của các đội tuyển dưới thời HLV Park Hang-seo đó là sau khi chịu đựng các đợt tấn công của đối phương và cướp được bóng, các cầu thủ làm gì?

Dưới thời HLV Park Hang-seo, khi cướp được bóng, chủ yếu các cầu thủ sẽ đá bóng dài lên trên, hướng về phía tiền đạo cắm. Sau đó, đội sẽ trông cậy vào khả năng xoay sở 1 mình của tiền đạo cũng như hy vọng vào sự bất cẩn của hàng phòng ngự đối phương.

Còn lối đá được gọi là kiểm soát bây giờ, khi gặp đối thủ mạnh kiểu như Iran hay Ả rập Saudi thì cũng phải chống đỡ được các đợt tấn công của đối phương đã. Sau đó, nếu cướp được bóng, thay vì đá dài một cách cầu may lên cho tiền đạo cắm tự xoay sở 1 mình, các cầu thủ sẽ cố gắng kiểm soát bóng, phối hợp với nhau cùng đưa bóng lên. Trong tình huống này, số lượng các cầu thủ tham gia tấn công sẽ nhiều hơn và cơ hội có bàn thắng sẽ cao hơn.

Đó là lý do hầu hết các đội bóng trên thế giới sử dụng lối đá này. Và HLV Hoàng Anh Tuấn được VFF lựa chọn dẫn dắt Olympic Việt Nam tham dự ASIAD 19 không chỉ vì các thành tích mà ông có được cùng các đội trẻ mà còn vì ông có cùng tư duy bóng đá kiểm soát bóng, lối đá hiện đại mà bóng đá Việt Nam đang muốn xây dựng.

Olympic Việt Nam bị loại sớm tại ASIAD 19: Câu chuyện của đẳng cấp - Ảnh 2.

Thủ môn Quan Văn Chuẩn và Olympic Việt Nam trải qua kỳ ASIAD 19 không thành công. Ảnh: VTC

Ở các CLB, trong hệ thống giải quốc gia của VFF, các cầu thủ trẻ như các cầu thủ U23 không có nhiều cơ hội được thi đấu. Việc tập hợp 2 đội U23 thực hiện 2 nhiệm vụ riêng biệt là 1 ý tưởng hay. Điều này mang đến nhiều hơn những cơ hội thể hiện năng lực bản thân của các cầu thủ trẻ, cụ thể là có gấp đôi số cầu thủ trẻ được gọi lên tuyển trẻ. Họ có cơ hội để thể hiện bản thân, qua đó cung cấp nhiều lựa chọn hơn cho ĐTQG cũng như nâng cấp trình độ cầu thủ cho chính các CLB thông qua việc được thi đấu các trận đấu quốc tế.

Nói riêng trong khu vực Đông Nam Á, vài năm gần đây, vị thế của bóng đá Việt Nam đã được nâng lên đáng kể. Nhưng dù đã có vài trận thắng trước các cấp độ đội tuyển Thái Lan, sẽ là hồ đồ, thiếu cơ sở, là lạc quan tếu nếu cho rằng bóng đá Việt Nam đã vượt qua Thái Lan.

Với các đối thủ hàng đầu châu lục như Ả rập Saudi, trước đây đôi khi chúng ta đã gây khó khăn được cho họ, chúng ta đã có một vài trận thắng, nhưng đó đều là những trận thắng trong thế trận mà chúng ta bị ép và cơ hội ghi bàn của ta vẫn ít hơn đối phương. Chúng ta còn khoảng cách khá xa về mặt trình độ so với các đội bóng hàng đầu châu lục.

Để nâng cao mặt bằng trình độ bóng đá quốc gia, hay nói một cách dân giã là nâng cao đẳng cấp bóng đá cần một quá trình. Quá trình đó là những thay đổi lâu dài về chất và lượng của cả nền bóng đá, chứ không phải là kết quả thắng vài trận đấu của đội tuyển quốc gia, của đội trẻ U23 hay lứa U nào đó.

Trở lại trận đấu với Olympic Ả rập Saudi, tinh thần thi đấu chưa bao giờ là điều đáng trách ở các cầu thủ Việt Nam trong những năm gần đây và trận đấu này cũng vậy. Các cầu thủ Việt Nam hay được miêu tả là thi đấu lăn xả, nhưng thực tế, thể hiện sự hiệu quả trong tranh chấp bóng còn quan trọng hơn sự lăn xả. Olympic của HLV Hoàng Anh Tuấn đã thể hiện được tính hiệu quả khi tranh chấp bóng. Các cầu thủ trẻ của chúng ta cho thấy khả năng va chạm cũng như thể lực khá tốt khi phải tranh chấp tay đôi với các thủ mạnh hơn hẳn.

Olympic Việt Nam bị loại sớm tại ASIAD 19: Câu chuyện của đẳng cấp - Ảnh 3.

Olympic Việt Nam rất nỗ lực nhưng vẫn tồn tại khoảng cách trình độ so với đối thủ. Anh: VOV

Các cầu thủ đã cầm được bóng, phối hợp giữ bóng trước nỗ lực tranh cướp của đối phương có thể hình, thể lực lực trội. Các cầu thủ Olympic Việt Nam đã đứng vững trước đối thủ xếp trên 40 bậc trong bảng xếp hạng FIFA gần như cả hiệp 1. Chỉ đến phút cuối hiệp, bằng 1 pha đánh đầu, Olympic Ả rập Saudi mới có bàn mở tỷ số.

Tương tự, cho tới khi còn vài phút cuối trận, khi thể lực không cho phép các cầu thủ duy trì được khả năng phòng thủ, các học trò của ông Hoàng Anh Tuấn mới để thủng lưới thêm. Việc có 1 bàn gỡ trước Olympic Ả rập Xê út cũng là sự động viên cho nỗ lực của các cầu thủ trẻ dù đó là pha bóng đối phương phản lưới.

Tuy không được vào vòng sau, nhưng Olympic Việt Nam đã có 1 giải đấu chấp nhận được, đặc biệt là về mặt tiếp tục xây dựng, rèn luyện, thực hành lối đá kiểm soát bóng cho các cầu thủ trẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem