Cuộc sống chơi vơi nơi bờ biển sạt lở ở Cà Mau (Bài 2): Cam go giữ đất, giữ đê biển Tây trước sóng dữ

Khương Lực Thứ sáu, ngày 29/12/2023 11:00 AM (GMT+7)
Tuyến đê biển Tây ở Cà Mau dài có chiều dài 108km đang bảo vệ cho gần 129.000ha đất nông nghiệp và hơn 26.000 hộ dân ở Cà Mau sống trong đê. Do tình hình sạt lở bờ biển Tây diễn ra nghiêm trọng, có đoạn sóng biển to và cao đánh trực tiếp vào thân đê, đe dọa việc sản xuất và cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Bình luận 0

Ông Phùng Sơn Kiệt – Phó Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, để bảo vệ tuyến đê biển Tây, đến nay có khoảng 20km đã được chính quyền xây dựng, làm kè bê tông ly tâm nên tình hình sạt lở bờ biển có chiều hướng đỡ hơn.

Mất rừng, sóng biển đánh vào chân đê

Bờ biển Tây thuộc xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau nằm trong khu vực bị sạt lở, đặc biệt là tại vàm Kênh Mới. Đai rừng phòng hộ ven biển khu vực này bị suy giảm nghiêm trọng, biển xâm thực đến chân đê. Năm 2018, sóng biển đánh trực tiếp vào thân đê đã gây sạt lở bờ biển nghiêm trọng với chiều dài 1,2km, đe dọa tới hàng nghìn hộ dân đang sinh sống và trồng lúa trong đê.

Cuộc sống chơi vơi nơi bờ biển sạt lở: Cuộc chiến giữ đất, giữ đê biển Tây trước sóng dữ (kỳ 2) - Ảnh 1.

Không còn vạt rừng phòng hộ ven biển, để bảo vệ tuyến đê biển Tây Cà Mau, hai lớp kè đã được xây dựng để bảo vệ gần 129.000ha đất nông nghiệp và hơn 26.000 hộ dân sống trong đê. Ảnh: Khương Lực

Để bảo vệ tuyến đê biển trước sóng dữ, hai lớp kè đã được xây dựng. Một tuyến kè dùng cọc bê tông ly tâm đóng liền hai dãy cách nhau khoảng 2m, giữa hai dãy cọc là các rọ đá hộc có tác dụng phá sóng. Phía trong sát bờ đê, một lớp kè đá được làm để bảo vệ đê trước những cơn sóng biển đánh trực tiếp vào thân đê.

Chị Nguyễn Thị Bích Thảo, ở ấp Khánh Hưng A, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau có nhà nằm sát tuyến đê biển xung yếu này cho biết, vào mùa gió Nam, sóng nhiều triều cường dâng lên tới mặt đê. Có hôm sóng biển đánh tràn qua thân đê, cuốn theo rác, thân cây ngã đổ.

Lấy tay chỉ ra phía bờ kè cọc bê tông ly tâm ở phía xa ngoài biển, chị Thảo cho hay, trước đây rừng cây mọc sát ra tới tận đó, nhưng do sạt lở nên rừng cây ngã đổ, trôi ra biển hết. Đến nay, sóng biển đánh trực tiếp vào thân đê. "Ngày xưa có rừng cây, nước dâng lên mình không thấy có sóng đánh, nhưng bây giờ sạt lở, cây bị ngã đổ hết nên sóng biển trực tiếp đánh vào, nhất là mùa biển động, nước tràn vô, ngập dữ lắm" – chị Thảo nói và cho biết khu vực từ vàm Kênh Mới lên Đá Bạc do bị nước mặn tràn vào ruộng đồng. Đồng đất trồng lúa nhiễm mặn thì coi như mất trắng, làm không ăn thua gì.

Thực hiện CT BTDC theo QĐ số 1776/QĐ-TTg của TTCP (nay là QĐ số 590/QĐ-TTg), tỉnh Cà Mau triển khai xây dựng các điểm BTDC thiên tai, Khu tái định cư Vàm kênh Tư xã Khánh Hải nằm cách chân đê biển Tây một con kênh. Đây là nơi bố trí, ổn định cho khoảng 285 hộ dân sinh sống ở khu vực ven biển ngoài đê vào để giúp họ ổn định cuộc sống. Đến nay, chính quyền địa phương đã cấp đất nền cho hơn 200 hộ và đã có khoảng 160 hộ làm nhà, chuyển về khu tái định cư sinh sống.

Dù đã về Khu tái định cư Vàm kênh Tư sinh sống được 4 năm, nhưng bà Phạm Thị Thanh thấy cuộc sống nơi ở mới dù ổn định nhưng còn rất nhiều khó khăn, vất vả. Khổ nhất là tuyến đường đi vào khu tái định cư mới này bị ngập nước kéo dài, ảnh hưởng rất lớn tới việc đi lại, làm ăn của các hộ dân. Do ngập nước, xe máy không đi được nên người dân phải xoắn quần lội nước hoặc đi bằng ghe thuyền.

Cuộc sống chơi vơi nơi bờ biển sạt lở: Cuộc chiến giữ đất, giữ đê biển Tây trước sóng dữ (kỳ 2) - Ảnh 3.

Đường đi trong Khu tái định cư Vàm kênh Tư, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau ngập sâu trong nước khiến việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh Khương Lực

Cuộc sống chơi vơi nơi bờ biển sạt lở: Cuộc chiến giữ đất, giữ đê biển Tây trước sóng dữ (kỳ 2) - Ảnh 4.

Để ra vào Khu tái định cư Vàm kênh Tư, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, người dân phải lội bộ hoặc đi bằng thuyền. Ảnh: Khương Lực

Gia đình bà Thanh từng có cuộc sống và thu nhập rất tốt khi sạt lở bờ biển Tây chưa xảy ra nghiêm trọng. Lúc đó, gia đình bà làm mấy vuông nuôi tôm, cua, rồi khai thác hải sản tự nhiên. Kinh tế gia đình khấm khá, có của ăn của để. Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, nhất là năm ngoái triều cường dâng cao, sóng biển đánh vào vuông nuôi, gây hư hại. Đang ở vuông nuôi, ông Phan Văn Vững, chồng bà không kịp chạy ghe vào bờ nên đã ôm vào gốc cây đước để tránh bị cuốn trôi ra biển.

Theo bà Thanh, phần lớn cuộc sống các hộ dân trong Khu tái định cư Vàm kênh Tư đều khó khăn do chủ yếu sống về nghề đi biển và nuôi trồng thủy sản ven biển. Trong những năm qua, nguồn lợi thủy sản suy giảm nên người dân đi biển cũng không khai thác được nhiều. Trong khi đó, những vuông nuôi tôm, cua của người dân thì bị sạt lở đe dọa, nhiều nơi bị sóng biển "xóa xổ" nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Lý giải nguyên nhân tuyến đường trong Khu tái định cư Vàm Kênh Tư bị ngập, ảnh hưởng tới cuộc sống của các hộ dân, ông Nguyễn Hưu Hưng – Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hải cho biết, do ảnh hưởng của thời tiết nên một số công trình trong khu tái định cư được đầu tư lâu đã xuống cấp, nhất là tuyến đường giao thông bị ngập.

"Trên địa bàn xã, người dân gieo sạ lúa thì tiến hành bơm nước ra, nước sẽ dâng cao làm ngập lộ" – ông nói và cho biết địa phương đã báo cáo huyện, tỉnh để sớm đầu tư, nâng cấp tuyến đường, giúp bà con đi lại làm ăn thuận lợi hơn.

Xây kè hai lớp để giữ đất, bảo vệ người dân

Ông Phùng Sơn Kiệt – Phó Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, để bảo vệ tuyến đê biển Tây, đến nay có khoảng 20km đã được chính quyền xây dựng, làm kè bê tông ly tâm nên tình hình sạt lở bờ biển có chiều hướng đỡ hơn. Tuy nhiên, tình hình sạt lở hàng năm đã làm mất đi rất nhiều vạt rừng ven biển. Hơn chục năm về trước, vạt rừng cách chân đê khoảng 1km, có đoạn cách 2-3km, Nhưng bây giờ có đoạn sóng đã đánh lở vào tới chân đê, địa phương phải kè 2 lớp kè mới bảo vệ được.

Cuộc sống chơi vơi nơi bờ biển sạt lở: Cuộc chiến giữ đất, giữ đê biển Tây trước sóng dữ (kỳ 2) - Ảnh 5.

Nhờ việc xây dựng 2 lớp kè bảo vệ đê biển Tây nên tình hình sạt lở bờ biển có chiều hướng đỡ hơn, người dân bớt đi âu lo mỗi khi đến mùa biển động vào tháng 6, tháng 7 hàng năm. Ảnh: Khương Lực

Cùng với đó, để ổn định cuộc sống cho người dân sống ở vùng có nguy cơ cao về thiên tai, sạt lở, thời gian qua, UBND tỉnh Cà Mau đã có chủ trương đầu tư xây dựng 11 dự án, cụm dân cư với tổng diện tích hơn 155 ha dọc theo bờ biển Tây và bờ biển Đông. Các dự án, cụm dân cư dự kiến bố trí cho 2.665 hộ dân đang sinh sống ở các khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thiên tai và khu vực rừng phòng hộ biển Tây. Kết quả đến thời điểm hiện tại, tỉnh Cà Mau đã bố trí làm thủ tục, quy trình cấp nền cho hơn 2.000 hộ, còn lại sẽ tiếp tục vận động bà con vào các khu tái định cư hoàn thiện.

Tuy nhiên, tình hình thiên tai, sạt lở bờ sông, bờ biển ở Cà Mau đang có diễn biến phức tạp, tác động và ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống của hàng nghìn hộ dân. Chỉ riêng tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông ở Cà Mau đã làm hư hỏng gần 26km lộ giao thông và trên 230 căn nhà, ước tổng thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng. Đặc biệt, tình trạng này đang diễn ra với chiều hướng gia tăng, cả về quy mô, tần suất nên chỉ trong 10 năm gần đây, sạt lở đã làm mất trên 5.200ha rừng ven biển, diện tích bị mất tương đương với một xã của địa phương.

Triển khai thực hiện Quyết định 590/QĐ-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 27/10/2022, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Kế hoạch số 202/KH-UBND về thực hiện Chương trình Bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Ngày 7/7/2023, HĐND tỉnh Cà Mau đã ban hành Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ một số nội dung thực hiện Chương trình bố trí dân cư đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Cà Mau. 

"Theo số liệu báo cáo của các huyện mới đây, Chi cục Phát triển nông thôn vừa tổng hợp để trình, báo cáo cho UBND tỉnh Cà Mau thì còn trên 3.693 hộ bị ảnh hưởng do thiên tai. Trong thời gian tới, UBND tỉnh Cà Mau sẽ bổ sung, hoàn thiện một số khu tái định cư để làm sao di dời hết toàn bộ ba ngàn mấy trăm hộ này vào các nơi an toàn" – ông Kiệt thông tin và cho biết việc chủ động bố trí các hộ dân ra khỏi địa bàn có nguy cơ cao về thiên tai, sạt lở bờ sông, bờ biển đã góp phần hạn chế thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, tạo điều kiện để các hộ dân từng bước ổn định đời sống và sản xuất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem