Vùng đất ở Bình Thuận, nông dân trồng thứ cây này tốt um, cuối vụ lấy hạt ngon bán, nhiều người mua

Thứ sáu, ngày 21/07/2023 14:23 PM (GMT+7)
Thời điểm này, trên các cánh đồng xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận) đang phủ màu xanh của cây mè trải dài, hứa hẹn cho mùa vụ bội thu.
Bình luận 0

Tại xứ đồng thôn Liêm Thuận, gia đình ông Nguyễn Văn Tâm sản xuất 30 ha mè đen truyền thống. Trong đó 10 ha là diện tích đất của gia đình, số còn lại ông thuê của những hộ xung quanh. 

Ông Tâm chia sẻ: Những năm gần đây thời tiết không thuận lợi, nắng hạn kéo dài nên nhiều cây trồng năng suất đạt thấp, nông dân thua nên diện tích đất bỏ trống rất nhiều. Thấy đất không sản xuất thì hoang phí, ông Tâm mạnh dạn thuê lại để sản xuất. 

Thời điểm này, cây mè đang ra hoa, đậu trái nếu thời tiết tiếp tục thuận lợi như từ đầu vụ hè thu đến nay thì cây mè sẽ cho năng suất đạt khá trên 6 tạ/ha, trừ chi phí thu lãi trên dưới 15 triệu đồng/ha. Vị tính 30 ha, tổng thu lãi khoảng 450 triệu đồng - ông Tâm chia sẻ thêm.

Vùng đất ở Bình Thuận, nông dân trồng thứ cây này tốt um, cuối vụ lấy hạt ngon bán, nhiều người mua - Ảnh 1.

Nông dân xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận) trồng cây mè đen lấy hạt hứa hẹn mùa bội thu.

Mè là cây trồng cạn, có tính chịu hạn; chi phí đầu tư sản xuất thấp, kỹ thuật canh tác đơn giản. Đầu ra sản phẩm mè luôn ổn định với giá trên dưới 40.000 đồng/kg; nếu mè đạt năng suất 6 tạ/ha là nông dân có lãi. 

Đây chính là những yếu tố cơ bản để nông dân xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận) duy trì trồng cây mè đen trên vùng đất không chủ động nguồn nước tưới. 

Ông Nguyễn Duy Khanh, Chủ tịch Hội nông dân xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc cho biết: Vụ hè thu năm 2023, toàn xã Hồng Liêm trồng được 610 ha cây mè đen, vượt hơn 5% kế hoạch. 

Để nông dân phát huy hiệu quả kinh tế từ cây mè đen, UBND xã thường xuyên phối hợp ngành chức năng tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất cho nông dân. Từ đó, giúp nông dân phòng trừ hiệu quả các loài sâu, bệnh hại thường gặp trên cây mè. 

Ngoài duy trì diện tích trồng mè đen truyền thống trên vùng đất không chủ động nước tưới, xã Hồng Liêm đã vận động nông dân chuyển đổi những diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả, hoặc những diện tích đất màu chủ động nước tưới sang sản xuất luân canh một vụ mè/năm đã mang lại hiệu quả bước đầu...

Và trong thời gian đến, xã tiếp tục nhân rộng phương thức sản xuất này, nhằm phát huy hiệu quả cây mè đen, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.

Nguyễn Thường (Báo Bình Thuận)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem