Nuôi con "nghiện" trái cây, ham ăn cá đồng, anh nông dân Quảng Nam bán 8 triệu/cặp

Trần Hậu - Tuyết Nhung Thứ bảy, ngày 24/06/2023 05:11 AM (GMT+7)
Những năm qua, trại nuôi chồn hương sinh sản (cầy vòi hương) của anh Nguyễn Mậu Việt, thôn Ngọc Chánh, xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức, (tỉnh Quảng Nam) cho hiệu quả kinh tế cao. Mô hình nuôi con đặc sản "nghiện" trái cây, ham ăn cá đồng này giúp anh lãi hơn 200 triệu đồng mỗi năm.
Bình luận 0

Chồn hương là con "nghiện" trái cây, ham ăn cá đồng

Chồn hương (còn gọi là cầy vòi hương) là động vật hoang dã, sống chủ yếu ngoài môi trường tự nhiên. Gần đây, loài vật này đang được thuần hóa, trở thành vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Là hộ đầu tiên nuôi chồn hương tại địa phương, anh Việt chia sẻ: "Trước đây tôi làm nhiều nghề lắm, ai thuê gì làm đó và có nuôi bò để phát triển kinh tế. Năm 2020, thấy cuộc sống gia đình tôi bấp bênh, nên một người anh đã giới thiệu mô hình nuôi chồn hương sinh sản và nhận cung cấp con giống lẫn bao tiêu đầu ra.

Quảng Nam: Nuôi loài “nghiện” trái cây, ăn cá đồng, anh nông dân bán 8 triệu đồng/cặp - Ảnh 1.

Trang trại nuôi chồn hương của anh Nguyễn Mậu Việt ở xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: T.N.

Từ số vốn tích luỹ được, tôi vay mượn thêm 100 triệu đồng của Hội Nông dân xã Bình Lâm để xây dựng chuồng trại, con giống".

Chồn hương có sức đề kháng cao và dễ nuôi, ít bị bệnh. Nhờ đó, thời gian đầu nuôi chồn anh Việt không gặp nhiều khó khăn. Để mô hình chăn nuôi phát triển tốt, anh tích cực tìm đọc kiến thức nuôi chồn hương qua sách báo, mạng internet và từ những người có kinh nghiệm đi trước.

Đối với các vật nuôi truyền thống như lợn, gà, vịt, nếu đến kỳ xuất bán mà không bán được thì người chăn nuôi sẽ lỗ vì gánh thêm chi phí thức ăn, công chăm sóc, nhưng nuôi chồn hương thì khác. Nếu đến kỳ xuất bán mà gặp vấn đề khách quan xảy ra, thì người nuôi có thể lựa chọn 2 hướng tiêu thụ là bán thương phẩm hoặc bán giống.

Quảng Nam: Nuôi loài “nghiện” trái cây, ăn cá đồng, anh nông dân bán 8 triệu đồng/cặp - Ảnh 2.

Anh Việt luôn đảm bảo chuồng nuôi chồn hương khô ráo, yên tĩnh, sạch sẽ, kín gió vào mùa đông và thoáng mát vào mùa hè.

Anh Việt cho hay, bán chồn giống khỏe hơn và hiệu quả kinh tế cao, số lượng chồn hương sinh ra chỉ đủ cung cấp giống chứ không đủ để bán thương phẩm. Ở ngoài tự nhiên, chồn hương có tập tính sinh sản một năm đẻ một lứa. Khi đã được thuần hóa thì chồn đẻ 2 lứa/năm, mỗi lứa trung bình 3 con.

Để đảm bảo hoạt động chăn nuôi đạt hiệu quả cao, anh Việt đầu tư chuồng trại kiên cố trên diện tích 100m2, nuôi 40 cặp chồn bố mẹ. Bên cạnh tường gạch được xây lên, anh làm cửa có then cài chắc chắn để chồn không chui ra được. Mỗi ô chuồng sẽ nuôi 3 con cái và 1 con đực. Chồn con sau khi tách mẹ được nuôi riêng trong lồng nhốt kiên cố bằng lưới sắt B40.

Đặc biệt, anh Việt luôn đảm bảo chuồng trại khô ráo, yên tĩnh, sạch sẽ, kín gió vào mùa đông và thoáng mát vào mùa hè. Bố trí các cây gác trong chuồng để chồn vận động, leo trèo như ngoài tự nhiên. Điều này giúp chồn phát triển khỏe, đẻ nhiều và chăm sóc con tốt hơn.

Quảng Nam: Nuôi loài “nghiện” trái cây, ăn cá đồng, anh nông dân bán 8 triệu đồng/cặp - Ảnh 3.

Chồn 10-15 tháng tuổi là bắt đầu giao phối. Chồn hương mẹ mang thai khoảng 60 ngày và mỗi lần sinh được 1-5 con (2 lứa/năm).

Chồn hương thường kiếm ăn từ chập tối đến nửa đêm, còn ban ngày đi ngủ. Thức ăn nuôi chồn hương khá đơn giản, dễ kiếm và giá thành rẻ, không phụ thuộc thức ăn công nghiệp như nhiều loài vật nuôi khác.

Quảng Nam: Nuôi loài “nghiện” trái cây, ăn cá đồng, anh nông dân bán 8 triệu đồng/cặp - Ảnh 4.

Thức ăn chính của chồn hương chủ yếu là chuối chín.

Anh Việt vui vẻ nói: "Chồn hương rất thích ăn các loại trái cây chín và cá tươi. Mỗi ngày, tôi cho ăn một bữa chính là cháo cá đồng vào khoảng 5 giờ chiều và cho ăn bổ sung 1-2 trái chuối xiêm chín vào buổi sáng trước khi chúng ngủ. Chi phí thức ăn nuôi chồn thấp, trung bình mỗi con ăn 3.000 đồng/ngày. Đặc biệt, tôi không cho chồn ăn nhiều để tránh trường hợp chúng nhanh béo và khó lên giống".

Thu lãi hơn 200 triệu đồng/năm từ mô hình nuôi chồn hương

Chồn hương là loài có sức đề kháng tốt nên anh Việt không quá lo lắng về chi phí thuốc men, lại ít tốn công chăm sóc. Chồn chỉ mắc các bệnh thường gặp về đường ruột, đặc biệt là bệnh tiêu chảy. Khi thấy chồn có triệu chứng thì kiểm tra lại nguồn thức ăn, dùng thuốc thú y thông thường sẽ điều trị khỏi.

Quảng Nam: Nuôi loài “nghiện” trái cây, ăn cá đồng, anh nông dân bán 8 triệu đồng/cặp - Ảnh 5.

Anh cho chồn hương ăn một bữa chính là cháo cá đồng vào khoảng 5 giờ chiều, bổ sung chuối chín vào buổi sáng trước khi chúng ngủ.

Theo anh Việt, để nuôi chồn sinh sản thuận lợi thì người nuôi phải nắm vững kiến thức và đặc tính sinh trưởng của nó. Thời điểm chồn đực phát dục, tuyến xạ sẽ tiết ra mùi xạ hương để quyến rũ chồn cái.

Thời kỳ động dục của chồn cái kéo dài khoảng 2 ngày nên phải theo dõi kỹ, chúng thường bỏ ăn, phá chuồng, bộ phận sinh dục sưng to hơn bình thường. Khi đó, anh sẽ bắt chồn hương cái cho vào chuồng chồn hương đực để chúng giao phối.

Quảng Nam: Nuôi loài “nghiện” trái cây, ăn cá đồng, anh nông dân bán 8 triệu đồng/cặp - Ảnh 6.

Chồn con tách mẹ sau 45 ngày để thuần hóa và tránh việc chồn mẹ cắn chết chồn con.

Chồn 10-15 tháng tuổi là bắt đầu giao phối, mang thai khoảng 60 ngày và sinh được 1-5 con (2 lứa/năm). Chồn con sinh ra được bú mẹ hoàn toàn và tách mẹ sau 45 ngày nhằm thuần hóa và tránh việc chồn mẹ cắn chết chồn con.

Quảng Nam: Nuôi loài “nghiện” trái cây, ăn cá đồng, anh nông dân bán 8 triệu đồng/cặp - Ảnh 7.

Anh Việt trồng hơn 1ha cỏ để nuôi bò, có thêm nguồn thu nhập khoảng 100 triệu đồng mỗi năm.

Chồn con được 3 tháng tuổi sẽ cứng cáp, dạn dĩ và ăn mạnh hơn, nặng khoảng 1kg thì được anh Việt bán giống với giá 8 triệu đồng/cặp. Nếu nuôi chồn thịt thì giá dao động từ 1,6-2 triệu đồng/kg.

Quảng Nam: Nuôi loài “nghiện” trái cây, ăn cá đồng, anh nông dân bán 8 triệu đồng/cặp - Ảnh 8.

Anh Việt thu lãi hơn 200 triệu đồng từ mô hình nuôi chồn sinh sản và đang mở rộng trang trại để nhân đàn.

Anh Việt bộc bạch: "Khi chồn đẻ thì chuồng trại phải yên tĩnh, không có tiếng động mạnh và không cho người lạ vào để tránh làm chồn mẹ quậy phá con. Mỗi năm, tôi xuất bán 60 con chồn hương giống, thu lãi hơn 200 triệu đồng và đang xây thêm một trại để nhân số lượng đàn".

Mô hình nuôi chồn hương sinh sản của anh Việt cho hiệu quả cao, chi phí thấp và ít tốn công chăm sóc. Nhờ đó, anh có thời gian để trồng hơn 1ha cỏ, chăn nuôi bò, có thêm nguồn thu nhập khoảng 100 triệu đồng mỗi năm. Thời điểm nuôi nhiều nhất, đàn bò của anh có 10 con, hiện nay còn 4 con đang được nuôi vỗ béo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem