Nông thôn mới Quảng Nam: Huyện Bắc Trà My chọn tiêu chí thu nhập của người dân làm trọng tâm

Trương Hồng Thứ tư, ngày 17/04/2024 06:00 AM (GMT+7)
Huyện Bắc Trà My (tỉnh Quảng Nam) xác định rõ, mục tiêu sau cùng của chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao là không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân...
Bình luận 0

Thu nhập là một trong những tiêu chí quan trọng, giữ vai trò "đòn bẩy", tạo động lực thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí còn lại, đồng thời cũng là mục tiêu mà địa phương luôn hướng tới trong chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Xác định rõ điều đó, thời gian qua, huyện Bắc Trà My đã triển khai đồng bộ các giải pháp để từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.

Nông thôn mới nâng cao là không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống của dân

Những ngày giữa tháng 4/2024, trao đổi với P.V NTNN, ông Nguyễn Hồng Vương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My cho biết, để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng NTM, NTM nâng cao theo quy định mới giai đoạn 2022-2025.

Tong các năm qua, UBND huyện Bắc Trà My, Ban Chỉ đạo CTMTQG huyện đã tổ chức nhiều buổi làm việc với các xã trên địa bàn huyện và chỉ đạo các ngành tổ chức thực hiện; đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo, giao thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí cho từng địa phương. Trong đó, chú trọng tiêu chí thu nhập, nhất là đối với các xã đăng ký về đích xã NTM, NTM nâng cao giai đoạn 2022-2025, như xã Trà Giang, Trà Sơn và Trà Dương.

Nông thôn mới Quảng Nam: Huyện Bắc Trà My chọn tiêu chí thu nhập của người dân làm trọng tâm- Ảnh 1.

Vùng nông thôn huyện Bắc Trà My, Quảng Nam ngày càng khởi sắc, đường làng xanh, sạch, đẹp. Ảnh: V.B

"Bởi huyện Bắc Trà My xác định rõ, mục tiêu sau cùng của chương trình xây dựng NTM, NTM nâng cao là không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Để thực hiện tiêu chí này, huyện Bắc Trà My đã tập trung quy hoạch, hình thành và phát triển các vùng chuyên canh cây nguyên liệu, tập trung phát triển trồng rừng sản xuất, phát triển kinh tế rừng gắn với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, tiếp tục duy trì diện tích trồng cây nguyên liệu hiện có, trồng rừng mới và rừng tái sinh các loại cây gỗ lớn...

Đối với phát triển cây trồng chủ lực, huyện Bắc Trà My ưu tiên bảo tồn và phát triển cây quế Trà My; phát triển các loài cây dược liệu như, đảng sâm, ba kích tím, sa nhân tím, đương quy, giảo cổ lam, lan kim tuyến có thế mạnh về thị trường tiêu thụ và phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới và hệ sinh thái rừng tự nhiên lá rộng thường xanh của khu vực.

Bên cạnh đó, còn chú trọng phát triển cây công nghiệp như, cây cao su; cây ăn quả như cam, chuối, măng cụt, sầu riêng; hình thành và phát triển các khu chăn nuôi tập trung với diện tích khoảng 285 ha. Tiếp tục phát triển và lấp đầy cụm công nghiệp Tinh dầu quế với tổng diện tích 11,4 ha; quy hoạch thêm 7 CCN...", ông Vương cho biết.

Nông thôn mới Quảng Nam: Huyện Bắc Trà My chọn tiêu chí thu nhập của người dân làm trọng tâm- Ảnh 2.

Mô hình kinh tế vườn, cây ăn quả tại huyện Bắc Trà My. Ảnh: B.V

Cũng theo ông Nguyễn Hồng Vương, đặc biệt, huyện Bắc Trà My còn thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, như vay vốn, đào tạo nghề, lồng ghép nhiều chương trình để giải quyết việc làm, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất; khuyến khích thành lập các mô hình hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp; vận động, khuyến khích các hợp tác xã nông nghiệp tổ chức thực hiện có hiệu quả khâu dịch vụ phục vụ sản xuất, tiêu thụ nông sản cho nông dân…

Bên cạnh đó, huyện còn chú trọng đến các chuỗi liên kết được xây dựng trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi; lựa chọn có trọng tâm đối với các ngành hàng chủ lực như, cây quế, cây lúa, bò, dê, heo đen địa phương…, là những cây trồng, con vật nuôi chủ lực của huyện.

Nông thôn mới Quảng Nam: Huyện Bắc Trà My chọn tiêu chí thu nhập của người dân làm trọng tâm- Ảnh 3.

Cây cao su ở huyện Bắc Trà My cũng phát triển, cho thu nhập cao. Ảnh: B.V

"Nổi bật trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp là huyện đã vận động thành lập được 30 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt một số HTX đã liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương như, HTX chuyên về liên kết tiêu thụ chế biến sản phẩm từ cây quế Trà My (HTX quế Trà My Minh Phúc), HTX chuyên về liên kết tiêu thụ con heo đen địa phương, bò cỏ địa phương.

Liên kết về sản xuất và tiêu thụ lúa, ngô (HTX Thịnh Vượng) HTX chăn nuôi vịt ứng dụng công nghệ cao (HTX Tân Sơn Hiền) và HTX liên kết sản xuất và tiêu thụ cá lồng bè sông Tranh II (HTX nuôi trồng thuỷ sản Trà My).

Bên cạnh đó, các sản phẩm chủ lực của địa phương cũng được quan tâm phát triển, giúp người dân nâng cao thu nhập. Trong đó, đã có 18 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 1 sản phẩm đạt 4 sao. 

Kết quả xây dựng các chuỗi trên đã góp phần thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị và phát triển bền vững, góp phần nâng cao thu nhập", ông Vương cho biết.

Phấn đấu năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt 48 triệu đồng

Cũng theo ông Nguyễn Hồng Vương, huyện Bắc Trà My còn mở rộng phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống như chế biến tinh dầu quế, tinh dầu gấc, rượu gạo lúa rẫy, rượu cần, măng tre, lồ ô; hình thành làng nghề dệt may thổ cẩm, bánh tráng gạo, mây, tre đan, làm chổi đót. Tiếp tục đầu tư phát triển mạnh nghề mộc dân dụng hướng đến sản xuất, gia công hàng mộc dân dụng từ cây keo nguyên liệu; phát triển nghề mộc mỹ nghệ, điêu khắc; chế biến dược liệu, sản phẩm từ mủ cao su; thu hút các doanh nghiệp dệt may.

Phát triển các điểm buôn bán trao đổi nông sản tại các trung tâm xã; khai thác có hiệu quả tài nguyên tạo sản phẩm du lịch tương xứng với tiềm năng trên cơ sở khai thác tốt các tài nguyên đã có, đồng thời đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch mới đáp ứng kịp nhu cầu phát triển…

Nông thôn mới Quảng Nam: Huyện Bắc Trà My chọn tiêu chí thu nhập của người dân làm trọng tâm- Ảnh 4.

Sản phẩm từ cây quế Trà My. Hiện tại Bắc Trà My đã có 18 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 1 sản phẩm đạt 4 sao. Ảnh: BTM

"Nhờ đó, mỗi năm, toàn huyện giải quyết việc làm mới cho trên 400 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 59%, lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 22,27%.

Theo báo cáo của UBND huyện Bắc Trà My thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2023 trên địa bàn huyện ước đạt 28,9 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo chung của huyện giảm còn 34,56%.

Đối chiếu với Bộ tiêu chí NTM trong giai đoạn 2021-2025, đến thời điểm này, 25% các xã đã đạt chuẩn tiêu chí thu nhập. Đối với 3 xã đăng ký về đích xã NTM, NTM nâng cao giai đoạn 2022-2025 là Trà Giang, Trà Sơn và Trà Dương, nhờ đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế trên các lĩnh vực, các địa phương này cũng đang phấn đấu đạt chuẩn tiêu chí thu nhập trong năm 2024", ông Vương chia sẻ.

Nông thôn mới Quảng Nam: Huyện Bắc Trà My chọn tiêu chí thu nhập của người dân làm trọng tâm- Ảnh 5.

Cây quế Trà My được xem là cây chủ lực và là thương hiệu tại huyện Bắc Trà My. Cây quế còn được gọi là "Cao Sơn Ngọc Quế". Ảnh: B.V

Đối với giai đoạn 2022-2025, ông Nguyễn Hồng Vương cho biết, UBND huyện Bắc Trà My phấn đấu có 3 xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người đạt từ 48 triệu đồng trở lên.

Để đạt mục tiêu đề ra, UBND huyện Bắc Trà My khẳng định, trong nhóm các giải pháp đẩy nhanh tiến trình xây dựng NTM, NTM nâng cao trên địa bàn trong thời gian tới, huyện Bắc Trà My đặc biệt chú trọng ưu tiên các nhóm tiêu chí về phát triển sản xuất để tăng thu nhập cho người dân, như thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển công nghiệp - thương mại dịch vụ; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của địa phương...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem