Chuyển đổi số ở Nam Định: Tổ công nghệ số cộng đồng lan tỏa nông thôn mới với thôn, xóm thông minh (Bài 1)

Mai Chiến Thứ bảy, ngày 02/12/2023 05:55 AM (GMT+7)
Sự ra đời của Tổ công nghệ số cộng đồng đã góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng thôn, xóm thông minh - 1 tiêu chí bắt buộc nằm trong Bộ tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu tỉnh Nam Định giai đoạn 2021 - 2025.
Bình luận 0

CLIP: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nam Định đã xây dựng thành công nhiều thôn, xóm thông minh. Thực hiện: Mai Chiến.

Thôn, xóm thời công nghệ số

Trong quá trình xây dựng xã nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu, UBND xã Giao Phong (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) lựa chọn xóm Lâm Phú là cơ sở xóm xây dựng thí điểm mô hình xóm thông minh. Từ khi mô hình đi vào hoạt động đã phát huy hiệu quả.

Chuyển đổi số ở Nam Định: Tổ công nghệ số cộng đồng lan tỏa chuyển đổi số tới người dân (Bài 1) - Ảnh 2.

Ông Phạm Quang Minh - Trưởng xóm Lâm Phú (xã Giao Phong, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) giới thiệu về hệ thống camera an ninh. Ảnh: Mai Chiến.

Ông Phạm Quang Minh - Trưởng xóm Lâm Phú chia sẻ, năm 2022, Tổ công nghệ số cộng đồng xóm Lâm Phú được thành lập với 6 thành viên tham gia. Đứng đầu Tổ công nghệ số cộng đồng là Trưởng xóm.

Được sự giúp đỡ của cấp trên, sau khi Tổ công nghệ số cộng đồng xóm Lâm Phú ra đời, các thành viên trong Tổ đã được các sở, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức tập huấn, hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm về chuyển đổi số trong xây dựng NTM.

Nhờ đó, các thành viên trong Tổ hiểu rõ hơn về chuyển đổi số, đảm bảo thuận lợi trong quá trình triển khai công nghệ số tới người dân.

Theo thống kê, toàn xóm Lâm Phú có hơn 200 hộ gia đình với khoảng 620 nhân khẩu. Hiện nay, toàn xóm có trên 70% người dân được bồi dưỡng, tập huấn phổ biến kiến thức, nâng cao kỹ năng số và tham gia sử dụng các nền tảng số, ứng dụng di động và dịch vụ trực tuyến do cơ quan nhà nước cung cấp.

"Tổ công nghệ số cộng đồng xóm Lâm Phú thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn, nâng cao kỹ năng số cho người dân trên địa bàn xóm. Qua các đợt tập huấn, nhiều người dân lớn tuổi đã biết cách truy cập internet để đọc báo, tìm hiểu thông tin…", ông Minh cho hay.

Chuyển đổi số ở Nam Định: Tổ công nghệ số cộng đồng lan tỏa chuyển đổi số tới người dân (Bài 1) - Ảnh 3.

Ông Phạm Quang Minh - Trưởng xóm Lâm Phú (xã Giao Phong, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) theo dõi tình hình an ninh trật tự trên điện thoại thông minh. Ảnh: Mai Chiến.

Ông Minh khẳng định, thời gian qua, Tổ công nghệ số cộng đồng xóm Lâm Phú đã và đang phát huy hiệu quả, giúp nhiều người dân trong xóm biết đến các nền tảng số, được tiếp cận ứng dụng mạng xã hội, từng bước đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử.  

Song song với việc đưa người dân đến gần với công nghệ số, xóm Lâm Phú cũng đã triển khai lắp đặt 9 điểm camera an ninh ở các khu vực ngã 3, ngã 4; khu vực đông dân cư; khu vực điểm đen hay xảy ra tai nạn giao thông và lắp đặt 1 màn hình tivi cỡ lớn có kết nối các mắt camera, 1 điểm wifi phát miễn phí phục người dân địa phương với tổng kinh phí đầu tư hơn 90 triệu đồng.

"Nhờ có camera an ninh nên chúng tôi đã phát hiện ra được một số đối tượng trộm cắp lạc của người dân, phá hoại tài sản chung của xóm. Sau khi phát hiện, chúng tôi đã vào cuộc điều tra, xử lý các trường hợp vi phạm, do vậy thời gian qua an ninh trật tự trên địa bàn xóm được đảm bảo, tệ nạn trộm cắp giảm đáng kể", Trưởng xóm Lâm Phú thổ lộ.

Tổ công nghệ số cộng đồng hoạt động hiệu quả

Chia sẻ với phóng viên, ông Trần Thái Phong - Bí thư xóm 5 (xã Hải An, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) cho hay, năm 2022, cơ sở bắt đầu triển khai xây dựng xóm thông minh.

Trong quá trình triển khai xây dựng, cơ sở đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân địa phương. Mọi người cùng nhau kêu gọi, đóng góp kinh phí để lắp đặt hệ thống camera an ninh.

Chuyển đổi số ở Nam Định: Tổ công nghệ số cộng đồng lan tỏa chuyển đổi số tới người dân (Bài 1) - Ảnh 4.

Nhờ có camera an ninh, tình hình an ninh trật tự ở xóm 5 (xã Hải An, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) được giữ vững. Ảnh: Mai Chiến.

Hiện nay, trên địa bàn xóm đã lắp đặt 6 camera an ninh tại các khu vực công cộng. Tổng kinh phí lắp đặt trên 21 triệu đồng, toàn bộ số tiền này từ nguồn xã hội hóa.

"Chúng tôi công khai mật khẩu truy cập camera an ninh để mọi người cùng truy cập, theo dõi, giám sát an ninh trật tự trên địa bàn cơ sở", ông Trần Thái Phong - Bí thư xóm 5 nói.

Chỉ tay vào hệ thống phát wifi của xóm, ông Phong tâm sự, cơ sở đã lắp đặt wifi phát miễn phí tại Nhà văn hóa để phục vụ người dân truy cập internet, nâng cao kiến thức. Mạng wifi có đường truyền kết nối internet băng thông rộng tốc độ từ 50 Mbps trở lên, đảm bảo các điều kiện kỹ thuật khai thác thông tin.

Hiện nay, Tổ công nghệ số cộng đồng của xóm 5 đang hoạt động rất hiệu quả. Các thành viên trong Tổ và người dân địa phương đều được tập huấn, nâng cao kiến thức về chuyển đổi số; được tham gia, tiếp cận các nền tảng số.

"Qua thống kê, có khoảng trên 70% người dân trong xóm đã được tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức, nâng cao kỹ năng số và tham gia sử dụng các nền tảng số, ứng dụng di động và dịch vụ trực tuyến do cơ quan nhà nước cung cấp", ông Trần Thái Phong nói.

Bên cạnh đó, các sản phẩm tiêu biểu của người dân trong xóm 5 như nấm rơm, tranh vẽ sơn mài, tranh vẽ dát vàng… đều được giới thiệu trên trang thông tin điện tử của xã, mạng xã hội zalo, facebook và sàn thương mại điện tử Posmat.

Chuyển đổi số ở Nam Định: Tổ công nghệ số cộng đồng lan tỏa chuyển đổi số tới người dân (Bài 1) - Ảnh 5.

Hiện nay, trên địa bàn xóm 5 (xã Hải An, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) đã lắp đặt 6 camera an ninh tại các khu vực công cộng. Ảnh: Mai Chiến.

Phải nói rằng, để có được những kết quả trên nhờ có sự đóng góp không nhỏ của Tổ công nghệ số cộng đồng.

Đây là lực lượng nòng cốt, có nhiệm vụ giúp UBND xã thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng, phát triển chính quyền số, kinh tế số, cửa hàng số, thanh toán điện tử, xã hội số trên địa bàn các xóm.

Nhiệm vụ nữa là tuyên truyền công nghệ số, nền tảng số tới người dân địa phương, qua đó giúp họ đến gần với nền tảng số, chính quyền số hơn…

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hồng Đức - Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Nam Định khẳng định, thời gian qua các Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh đang hoạt động rất hiệu quả. Các thành viên trong Tổ thường xuyên được tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng tác nghiệp…

Theo ngành thông tin truyền thông tỉnh Nam Định, đến nay trên địa bàn tỉnh Nam Định có hàng chục "Tổ công nghệ số cộng đồng" đã ra đời và đang hoạt động hiệu quả. Trung bình, mỗi Tổ có từ 5 - 10 thành viên tham gia.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem