Nông sản Việt sẵn sàng sang Mỹ

Thứ ba, ngày 17/09/2013 06:06 AM (GMT+7)
Từ hôm nay, Báo Nông thôn Ngày nay - Dân Việt khởi đăng loạt bài về cơ hội đưa những sản phẩm nông sản thương hiệu của Việt Nam sang thị trường Mỹ, cốn được coi là tiềm năng nhưng lắm rào cản.
Bình luận 0
Bài 1: Cơ hội lớn cho vải thiều Thanh Hà

Với lợi thế đã xây dựng được thương hiệu “Chỉ dẫn địa lý” và hiện đang sản xuất theo mô hình VietGAP, quả vải Thanh Hà (Hải Dương) đang tự tin vững bước đặt chân vào thị trường Mỹ.

LTS: Cuối tháng 7.2013, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp Việt Nam và Mỹ đã có cuộc làm việc về hợp tác nông nghiệp, trong khuôn khổ đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Phía Mỹ đã công bố sẽ sớm xem xét để cho nhập khẩu một số loại trái cây nhiệt đới của Việt Nam như: Nhãn, vải,vú sữa, xoài...

Thương hiệu đã có

Chúng tôi về Thanh Hà (Hải Dương) vào một ngày giữa tháng 9. Những ngày này, mặc dù chưa phải mùa vải, nhưng niềm vui vẫn “nở rộ” trên khuôn mặt của những người nông dân cần cù, chung thủy với nghề trồng vải.

Ông Nguyễn Văn Mười ở thôn 3, xã Thanh Xá vui vẻ nói: “So về chất, vải Thanh Hà “ăn đứt” vải Lục Ngạn (Bắc Giang), còn về lượng thì chỉ bằng một phần nhỏ, nhưng chúng tôi đang hướng đến chất là chính. Từ năm ngoái đến nay, xã đã chuyển sang sản xuất theo quy trình VietGAP, nhờ đó mà vụ vải vừa rồi đạt giá cao nhất từ trước tới nay, tới 23.000 – 25.000 đồng/kg tại vườn”.

Anh Phạm Văn Toản (thôn 1, xã Thanh Xá, huyện Thanh Hà, Hải Dương) chăm sóc vườn vải.
Anh Phạm Văn Toản (thôn 1, xã Thanh Xá, huyện Thanh Hà, Hải Dương) chăm sóc vườn vải.

Ông Cao Việt Tiến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Vải thiều Thanh Hà khi được biết về việc vải thiều sẽ được ưu tiên xuất đi Mỹ khi 2 nước đàm phán về TPP, đã chia sẻ: “Trước đây, quả vải chủ yếu tiêu thụ trong nước là chính và xuất đi Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, còn xuất khẩu chính ngạch rất ít. Việc Mỹ chấp nhận cho quả vải vào thị trường họ là một ước mơ, khao khát của những người làm vải chúng tôi”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Bình – Giám đốc Sở KHCN Hải Dương cho biết, từ năm 2005 vải Thanh Hà đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) chứng nhận “Chỉ dẫn địa lý”. Và điều quan trọng là thương hiệu vải thiều Thanh Hà đã được khẳng định bằng chính chất lượng của nó. “Riêng huyện Thanh Hà hiện có khoảng 7.000ha vải thiều, sản lượng từ 30.000 – 50.000 tấn/năm. Vải Thanh Hà vỏ mỏng, quả ngọt thanh, có vị thơm, ít sâu cuống. Tuy nhiên, nhược điểm là số lượng ít, quả nhỏ, màu không đỏ đậm như vải Lục Ngạn. Song điều quan trọng là hàm lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, phóng xạ… trong vải Thanh Hà hầu như không có” – ông Bình nói.

“Trước đây, chúng tôi cũng đã tìm đầu mối tới các siêu thị, tư thương… và kêu gọi các Việt kiều tham gia phân phối, nhưng kênh này cũng chỉ được một thời gian. Bởi cái khó của quả vải là thời vụ ngắn (khoảng 1 tháng), các nhà đầu tư khó sản xuất kịp, khó bảo quản, sản lượng không đều, giá bấp bênh. Mặc dù các nhà khoa học đã có nhiều cố gắng để tìm ra cách bảo quản và sở cũng đã nghiên cứu nhiều đề tài, nhưng chỉ có dùng kho lạnh là bảo quản được 15 ngày” – ông Bình cho biết.

Chỉ cần vững đầu ra

Ông Cao Việt Tiến khẳng định, trình độ thâm canh của người dân ở huyện Thanh Hà hiện nay đã đủ khả năng sản xuất ra những quả vải đạt tiêu chuẩn xuất sang thị trường Mỹ, điều quan trọng nhất vẫn là đầu ra và giá cả. Ông Tiến lấy ví dụ, trước kia người dân cứ mạnh ai nấy làm, dẫn đến tình trạng, người làm tốt, vải ngon cũng bán như vải thường. Nhưng từ khi xã Thanh Xá triển khai vùng vải sản xuất theo quy trình VietGAP, giá trị quả vải cao hơn rất nhiều so với các hộ sản xuất bình thường. Như vậy, rõ ràng giá cả, thị trường là yếu tố quan trọng nhất để làm ra quả vải sạch, chất lượng.

Ông Quách Đại Sinh ở xóm 1, xã Thanh Xá có tới 2,8 mẫu vải thiều. Do giá vải bấp bênh, để ổn định thu nhập, vài năm nay ông phải trồng xen thêm táo, chanh, tuy nhiên vườn vải của ông lúc nào cũng đứng đầu huyện. Ông Sinh bày tỏ: “Quả vải ngon phụ thuộc vào các yếu tố như giống, chất đất, khí hậu, phân bón và cách chăm sóc. Tôi có kỹ thuật chăm sóc riêng, nên thường có vải bán đầu vụ và cuối vụ. Việc chăm sóc theo đúng quy trình để có quả vải ngon, đẹp nhất để xuất đi Mỹ không có gì là khó, nhưng lại phụ thuộc rất lớn vào giá cả”.

Về thị trường, với hơn 20 năm làm nghề, có lẽ ông Phạm Văn Toản (thôn 1, xã Thanh Xá) là người hiểu rõ nhất. Ông Toản cho biết: “Mỗi vụ tôi thu gom cho các tư thương gần chục nghìn tấn vải, có ngày nhiều lên đến 4 container (40 tấn/container). Như giá vải năm nay dao động từ 18.000 – 23.000 đồng/kg. Nếu có người đứng ra “đặt cọc” thu mua, tôi sẵn sàng đặt hàng với các hộ để sản xuất ra những quả vải đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu và tất nhiên giá cả phải cao hơn”.
Việt Tùng – Trần Quang (Việt Tùng – Trần Quang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem