Nông dân xuất ngoại bán... mùi

Thứ hai, ngày 15/02/2010 22:41 PM (GMT+7)
Những người nông dân cả đời chưa bước khỏi luỹ tre làng đã liều lĩnh sang Trung Quốc, Hồng Kông… bán dạo hàng trầm để tìm thị trường mới.
Bình luận 0

Dân "liều" chính hãng

imgimg
Quế Trung là nơi sáng tạo ra nghề làm giả trầm có một không hai của Việt Nam.
Nghề làm trầm cảnh mang lại thu nhập cao cho hàng trăm nông dân ở Quế Trung.
Ở thời điểm ông Trương Văn Ba (50 tuổi) đi Bắc Kinh bán hàng, năm 2005, vốn liếng tiếng Trung của ông, nói như người xưa, là đựng chưa đầy cái lá mít. Vậy mà ông vẫn đi. Liều là một "đặc sản" của dân Quế Trung (huyện Nông Sơn, Quảng Nam) quê ông.

Vì máu liều đó mà người Nông Sơn duy trì được cái nghề đi điệu "ngậm ngải tìm trầm" đầy hung hiểm, chết chóc kéo dài hàng trăm năm, qua nhiều thời kỳ và chỉ thật sự suy tàn khi trầm tự nhiên tuyệt chủng vào thập niên 90.

Ông Nguyễn Trường Bộ (54 tuổi), cư dân Quế Trung, được coi là người đầu tiên sáng tạo ra nghề trầm cảnh ở Quảng Nam, cũng thú thật: “Tôi làm liều mà thành chứ chẳng có ai bày. Đất này cũng là nơi duy nhất của Quảng Nam ngày nay sở hữu nghề làm hàng nấu, tạo ra thế giới giả trầm có một không hai ở Việt Nam”.

Tuy nhiên, sự độc đáo nhất của người Quế Trung được ghi nhận hiện tại là tự xuất ngoại tìm thị trường. Lâu này bà con làm hàng trầm (gồm bột nhang, trầm cảnh, tượng, xâu chuỗi…) chủ yếu bán ở Đà Nẵng, Hà Nội, Sài Gòn.

Việc buôn bán từng thịnh vượng trong mấy thập niên cuối thế kỷ XX đã bị chững lại 10 năm nay do các làng nghề trầm cảnh ra đời hàng loạt, thị trường trong nước bão hoà. Để phá vỡ bế tắc, dân Nông Sơn xuất ngoại, mà người đầu tiên là ông Trương Văn Ba.

Lấy khói nói chuyện

img
Ông Nguyễn Trường Bộ - một "đại gia" trầm cảnh Quế Trung, liên tục liên lạc với các đối tác nước ngoài.

Ông Ba mang theo vài chục cân chuỗi hạt, trầm miếng và cái máy ảnh. Người nhà hỏi mang máy ảnh làm gì, ông nói để nó... chỉ đường. Qua Bắc Kinh, ở khách sạn nào ông cũng chụp ảnh cẩn thận. Sau một ngày bán dạo, ông gọi taxi, lấy máy ảnh ra chỉ tấm ảnh khách sạn cho taxi chở về. Nhờ thế mà ở Bắc Kinh, tiếng không biết, chữ không đọc được, vậy mà ông không hề bị lạc.

Chuyện đi bán của ông cũng khác người. Ông ra hiệu cho taxi đi bất cứ đường nào, thấy đâu trưng bày hàng trầm thì dừng lại. Ông xách túi hàng vào, chẳng nói chẳng rằng, cầm bật lửa đốt miếng trầm cho bốc khói rồi kề vô mũi người trong quầy.

Ông tiếp thị không bằng ngôn ngữ mà bằng mùi - mà trầm Việt Nam được coi là có hàm lượng tinh dầu cao nhất, có mùi thơm dễ chịu nhất thế giới. Cái mùi đó tự nói lên chất lượng hàng ông mang theo. Chỉ vậy thôi mà ông bán được hàng. 

img
 
Những sản phẩm hàng trầm ở Quế Trung
.

Dân Quế Trung rùng rùng theo chân ông Ba, không chỉ đến Bắc Kinh mà sang cả Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản... Ở những nước này, dân ngoại quốc đi lớ ngớ trên đường, vai mang bị, tay cầm bật lửa, lăm lăm dí khói vào mũi người khác, chỉ có thể là dân Quế Trung của Việt Nam.

Từ kiểu buôn này mà có người thiết lập được cả hệ thống khách hàng trải dài đến mấy nước. Có người mua được đất, dựng được nhà ở Sài Gòn. Nhưng cũng có người "mèo lại hoàn mèo". 

Dân Nông Sơn gọi kiểu bán như ông Ba là bán cà rem (kem) - bán dạo, may rủi. 2 năm lại đây, một thế hệ trẻ hơn, có học vấn hơn, chọn một kiểu buôn khác chắc chắn hơn là buôn qua hội chợ. 

Đến Quế Trung, chúng tôi hầu như không gặp được bất cứ ông chủ nào trong làng trầm cảnh có hơn 40 gia đình này. Hỏi ra mới biết lúc này ở Nam Ninh (Trung Quốc) đang có hội chợ quốc tế.  Có lẽ đây là cái làng duy nhất ở Quảng Nam có số lượng nông dân trở thành thương gia quốc tế đông như vậy.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem