"Nóng" chuyện chính sách, chế độ cho giáo viên trước thềm năm học mới

Tào Nga Thứ ba, ngày 01/08/2023 14:36 PM (GMT+7)
Hàng nghìn giáo viên đang kiến nghị vì không được thăng hạng chức danh nghề nghiệp, nhiều giáo viên ở các vùng miền chưa có chính sách thỏa đáng, vẫn còn bất cập… Đó là những câu chuyện “nóng” của ngành giáo dục trước thềm năm học mới.
Bình luận 0

Hơn 1.000 giáo viên "kêu cứu"

Hơn 300 giáo viên tại Hà Nội mới đây đã nộp đơn kiến nghị về Thông tư 08/2023 của Bộ GDĐT khi ban hành quy định mới khiến họ mất cơ hội tăng lương dù đạt chuẩn và có hàng chục năm cống hiến.

Chia sẻ với phóng viên Báo NTNN, cô Nguyễn Thu Hằng - giáo viên địa lý, Trường THCS Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội), cho hay, năm 1995, cô tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội và đi dạy luôn. Tháng 3/2019 cô tiếp tục nhận bằng tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, khoa địa lý. Gần 30 năm công tác trong ngành giáo dục, cô Hằng hiện nay là giáo viên cốt cán của quận Đống Đa với loạt thành tích như giải Nhất giáo viên dạy giỏi cấp thành phố môn địa lý; đạt Chiến sĩ thi đua, được nâng lương trước thời hạn 1 năm. Hơn 10 năm trước cô đã được Phòng GDĐT chỉ định đi chấm thi giáo viên giỏi, thanh tra giáo viên cấp quận. Hàng năm cô vẫn được Phòng GDĐT lựa chọn chấm thi học sinh giỏi…

Chính sách, chế độ cho giáo viên còn nhiều bất cập - Ảnh 1.

Giờ dạy của giáo viên Trường THCS Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: N.T

Đã có gần 1.000 giáo viên bao gồm Hà Nội và một số địa phương trong cả nước làm đơn kiến nghị về việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp này. "Chúng tôi rất tha thiết mong cầu và kính đề nghị các cơ quan xem xét, điều chỉnh bỏ quy định về "thời gian giữ trình độ đào tạo đại học 9 năm" - đơn kiến nghị nêu rõ.

Tuy nhiên, dù có nhiều cống hiến nhưng từ khi ra trường đến nay cô vẫn giữ bậc lương giáo viên THCS hạng III với khoảng 8,5 triệu đồng/tháng và chưa được thăng hạng lần nào. Trước đó, Bộ GDĐT có 1 đợt thăng hạng cho giáo viên với yêu cầu 1 năm có bằng đại học. Cô Hằng có bằng nhưng thiếu 3 ngày nên không có trong danh sách. Mới đây Bộ GDĐT tiếp tục có đợt thăng hạng thì lại tăng quy định từ 1 năm lên 9 năm. Điều này có nghĩa cô Hằng lại không đạt yêu cầu và phải chờ nhiều năm sau, trong khi đó ít năm nữa cô về hưu.

Tương tự như cô Hằng là trường hợp của thầy B.V.Q ra trường năm 1995, hưởng lương trung cấp. Năm 2011, thầy Q tốt nghiệp cao đẳng, được xếp lương cao đẳng và tiếp tục học lên đại học. Tháng 10/2014, thầy Q tốt nghiệp đại học. Tháng 11 cùng năm có đợt thi xét thăng hạng giáo viên từ hạng III lên hạng II, thầy Q nộp hồ sơ nhưng bị loại.

Đợt xét thăng hạng năm học 2019-2020, thầy Q tiếp tục nộp hồ sơ, bị loại lần thứ hai với lý do không có thành tích.

Đợt xét thăng hạng năm 2023, thầy Q lại nộp hồ sơ. Song quy định mới tại Thông tư 08/2023 của Bộ GDĐT yêu cầu giáo viên hạng III phải có đủ 9 năm đạt chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục 2019, tức đủ 9 năm có bằng cử nhân đại học, tính đến hết thời hạn nộp hồ sơ là 30/8/2023. Chiếu theo quy định này, thầy Q thiếu 2 tháng so với yêu cầu.

img

Tiếp tục điều chỉnh nếu phát sinh vướng mắc

"Cơ quan quản lý Nhà nước khi ban hành văn bản cũng bị ràng buộc bởi những quy định pháp luật khác, nên nhiều điều Bộ GDĐT mong muốn nhưng chưa thực hiện được, chẳng hạn lương bổng cho giáo viên. Đặc biệt trong quá trình ban hành văn bản, có thể cơ quan quản lý không lường trước các tình huống xảy ra trong thực tiễn, chẳng hạn thầy cô không được thi tuyển hoặc thi tuyển nhưng không đỗ… nên phải có điều chỉnh phù hợp ngay khi phát hiện ra những vướng mắc, bất cập. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có tình huống phát sinh, chúng tôi tiếp tục điều chỉnh là bình thường.Việc điều chỉnh này trên tinh thần đảm bảo quyền lợi tối đa cho đội ngũ giáo viên".

TS Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT)

img

Xem xét nghề giáo viên là nghề độc hại

"Cục An toàn lao động đã tiếp nhận thông tin tuy nhiên chưa thấy đề xuất chính thức của Bộ GDĐT về về vấn đề "xem xét công nhận nghề giáo viên là nghề độc hại". Trước đây, nội dung này cũng đã được kiến nghị nhiều lần. Tuy nhiên, nếu Bộ GDĐT kiến nghị thì cần mời các cơ quan có liên quan vào quan trắc, đánh giá dựa trên các căn cứ, nghiên cứu khoa học để đánh giá, thẩm định. Quy trình thực hiện phải khắt khe, khoa học, đảm bảo tính chính xác. Không phải cứ nói nghề độc hại, vất vả là công nhận được. Trước mắt Bộ LĐTBXH sẽ chờ Bộ GDĐT gửi đề xuất".

Ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng

Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH)

Đến bao giờ có đợt xét thăng hạng mới là điều mà thầy Q và các giáo viên cùng hoàn cảnh không biết trước.

Đã có gần 1.000 giáo viên bao gồm Hà Nội và một số địa phương trong cả nước làm đơn kiến nghị về việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp này. "Chúng tôi rất tha thiết mong cầu và kính đề nghị các cơ quan xem xét, điều chỉnh bỏ quy định về "thời gian giữ trình độ đào tạo đại học 9 năm" - đơn kiến nghị nêu rõ.

Chính sách đặc thù nhưng chưa tương xứng

Thầy Trần Mạnh Hùng - giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Dân Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) cho biết, hàng ngày ông phải đi làm cách nhà 70km. Không chỉ có ông mà nhiều giáo viên mầm non, giáo viên cắm bản vùng sâu, vùng xa vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhất là về nhà ở, nơi sinh hoạt cho các thầy cô.

Để các thầy giáo, cô giáo yên tâm công tác, ông Trần Mạnh Hùng đề nghị nhà nước tiếp tục quan tâm về nhà công vụ cho giáo viên cắm bản; có chính sách lương phù hợp cho giáo viên mầm non; xây dựng quy định giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc.

Tại diễn đàn Người lao động năm 2023 tổ chức tại Nhà Quốc hội hôm 28/7, do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì, Bộ trưởng GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngành giáo dục có lực lượng giáo viên, cán bộ gần 1,6 triệu người, chiếm số lượng đáng kể so với người lao động cả nước. Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm đến lực lượng nhà giáo. Đối với những nhà giáo công tác tại vùng núi, biên giới, hải đảo… còn được thêm một số chính sách ưu đãi khác, như phụ cấp trách nhiệm, tuỳ theo từng đối tượng.

Đối với giáo viên mầm non ngoài công lập, trải qua ảnh hưởng dịch Covid-19, các trường mầm non ngoài công lập bị ảnh hưởng, Bộ GDĐT đã tham mưu Chính phủ, Quốc hội ban hành Nghị quyết 103 hỗ trợ giáo viên mầm non ngoài công lập, đã chi trả cho hơn 50.000 người với số tiền là 158 tỷ đồng.

"Tuy nhiên so với những vất vả, hy sinh của giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn, chính sách cần phải có ưu tiên nhiều hơn để động viên được giáo viên. Bộ đang tham mưu Chính phủ thực hiện một số chính sách, như đẩy mạnh kiên cố hoá trường học, trong đó ưu tiên xây nhà công vụ cho giáo viên ở điểm trường, vùng khó khăn; phối hợp với Bộ Nội vụ kiến nghị xem xét nâng phụ cấp ưu đãi với giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học. Hai Bộ bước đầu thống nhất và đang làm việc các bộ ngành khác để sớm triển khai trong thời gian tới. Ngoài ra, Bộ cũng đang phối hợp với Bộ LĐTBXH đang xem xét đưa đối tượng giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại. Bộ đang chủ trì xây dựng Luật Nhà giáo, trong đó lưu ý các chính sách đối với nhà giáo vùng sâu, vùng xa, khó khăn để động viên đối tượng này" - Bộ trưởng Sơn nói.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý, hiện nay cả nước có 16.000 nhóm trẻ độc lập, trong đó có nhiều giáo viên làm việc chưa được tham gia bảo hiểm xã hội, nên rất cần được quan tâm để bảo đảm quyền lợi. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem