Nỗi niềm người sống bên trong khu phong tỏa tại TP.HCM: Sau bàng hoàng là sẻ chia

Quang Phương Chủ nhật, ngày 18/07/2021 09:59 AM (GMT+7)
Bên trong khu vực bị phong tỏa vì dịch Covid-19 thiếu thốn trăm bề - nhất là các nhu yếu phẩm hàng ngày. Nhưng mọi người san sẻ nhau từng mớ rau, con cá, ổ bánh mì… cùng nhau vượt qua những ngày bị phong tỏa. Sau đây là ghi nhận thực tế của PV Dân Việt - cũng là người dân bị phong tỏa.
Bình luận 0

Chuyện ở con hẻm  261 đường Đình Phong Phú, phường Tăng Nhơn Phú B, TP.Thủ Đức, TP.HCM - nơi tôi sinh sống có những khu trọ bị giăng dây cách ly vì có ca F0 vừa có phong tỏa dài ngày, để lấy mẫu xét nghiệm truy vết F0 trong cộng đồng.

Bàng hoàng hay tin phong tỏa

21 giờ đêm 10/7, tôi nhận được phiếu điền thông tin cá nhân (họ tên, địa chỉ nhà, số điện thoại) từ chị cảnh sát khu vực. Chị đưa cho tôi một xấp và nhờ đi phát đến từng hộ gia đình trong hẻm. Chị dặn: "Phát đầy đủ cho các nhà, từ 18 tuổi trở lên. Phát và nói điền đầy đủ thông tin, ngày mai sẽ lấy mẫu xét nghiệm Covid -19 cho tất cả mọi người trên 18 tuổi". Tôi liền cầm xấp giấy đi gõ cửa từng nhà trong hẻm để phát.

Gần 22 giờ đêm, qua mạng xã hội Zalo, một vài người trong hẻm nhận được thông báo về việc áp dụng biện pháp phong tỏa tạm thời, cách ly y tế đối với một phần khu phố để phòng chống dịch Covid-19. Thông báo cách ly do UBND phường ban hành. Thời gian phong tỏa tạm thời 3 ngày, bắt đầu từ lúc 6 giờ ngày 11/7 đến hết ngày 13/7, hoặc cho đến khi có thông báo mới.

Sống bên trong khu phong tỏa: Từ bang hoàng đến san sẻ từng mớ rau, ổ bánh mỳ - Ảnh 1.

Hẻm nội bộ, nơi tôi sống vốn là không gian sinh hoạt chung, thường ngày mọi người ra đánh cầu, tập thể dục nhưng những ngày phong tỏa mọi người ai ở nhà nấy. Ảnh: Quang Phương

Nội dung thông báo nêu rõ: Trong thời gian áp dụng biện pháp phong tỏa tạm thời, cách ly y tế, người dân không được ra khỏi khu vực áp dụng biện pháp phong tỏa tạm thời, trừ các trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, khám chữa bệnh và các trường hợp đặc biệt khác.

Nhận được thông báo, nhiều người trong hẻm bang hoàng vì không ai hiểu nếu lấy mẫu xét nghiệm sao lại phải phong tỏa cả hẻm. Mọi người lên group Zalo của hẻm để trao đổi, dò hỏi lý do. Ai cũng lo… "không lẽ Covid-19 đã đến hẻm hay sao ?".

4 giờ sáng, mọi người trong hẻm đã dậy. Trong số những người dậy sớm nhất có lẽ là ông Sáu Nghĩa – một trong những người lớn tuổi nhất hẻm. Ông thức dậy bắt chiếc nghế nhỏ ngồi trong hẻm trầm tư. Nhiều người khác trong hẻm cũng thức dậy Một số người tranh thủ chạy đi mua các nhu yếu phẩm để dự trữ vì sợ đến 6 giờ sáng, đầu hẻm sẽ phong tỏa, không đi được.

6 giờ, đầu hẻm cách khu tôi ở khoảng 200m đã được công an giăng dây phong tỏa. Anh Hưng, một người trong khu chúng tôi làm tài xế lái xe cẩu ở cảng Cát Lái, mang giấy xác nhận của đơn vị ra đầu hẻm để đi làm. Tuy nhiên, khi ra đến nơi, lực lượng chức năng không cho ra. Anh phải quay về…

Sống bên trong khu phong tỏa: Từ bang hoàng đến san sẻ từng mớ rau, ổ bánh mỳ - Ảnh 3.

Để hạn chế người lạ vào hẻm, góp phần phòng chống dịch Covid-19 lây lan, cổng nội bộ khu hẻm tôi sống luôn đóng kín cửa, chỉ những người sống bên trong hẻm mới được ra vào. Ảnh: Quang Phương

Anh Biên, người trong hẻm cũng làm lái cẩu ở cảng Cát Lái về đến đầu hẻm thấy phong tỏa, liền điện thoại cho vợ con mang quần áo ra, anh qua nhà người thân ở vì sợ về nhà không ra đi làm được.

Sáng đó, hàng chục người là công nhân ở trọ xung quanh khu tôi ở ra đầu hẻm đi làm đều phải quay về, nghỉ việc, vì lực lượng chức năng không cho ra.

Khoảng 8 giờ, lực lượng lấy mẫu xét nghiệm Covid - 19 đã đến, người dân từ các khu nhà ở, nhà trọ lần lượt ra để lấy mẫu xét nghiệm.

San sẻ từng mớ rau, ổ bánh mì

Ngày đầu phong tỏa đã trôi qua.

Ngày thứ 2, sáng sớm, nhiều người đi bộ ra cái chợ đầu hẻm để mua đồ, nhưng đều quay về với cái lắc đầu: "Chợ phong tỏa rồi, không có ai mua bán gì cả".

Một số nhà trong hẻm bắt đầu đặt hàng qua mạng. Nhà anh Thắng "ship" trái cây, nhà anh Dũng "ship" rau, củ, quả, nhà anh Vững nhờ người mua cá, thịt… khi hàng giao tới, mọi người ra đầu hẻm – nơi giăng dây phong tỏa để nhận hàng.

Sống bên trong khu phong tỏa: Từ bang hoàng đến san sẻ từng mớ rau, ổ bánh mỳ - Ảnh 4.

Anh Bình, nhà ở đối diện nhà tôi nhận bánh mỳ và đem đi phát cho những hộ dân bên khu vực bị giăng dây cách ly vì có ca F0. Ảnh: Quang Phương

 Hàng nhận về, mọi người lại phân phát, chia cho nhau mỗi nhà một ít để dùng qua ngày. Anh Thắng xách từng túi măng cụt phát cho từng nhà. Chị Triều, chị Bên, chị Hương… chia nhau từng bó cải… Nguyên cả ngày, cổng nội bộ của hẻm luôn đóng kín cửa. Chỉ những người sống trong khu mới được ra vào. Trẻ con cũng được các bậc cha mẹ cho ở trong nhà, hạn chế ra hẻm chơi.

Cuối giờ chiều ngày thứ 2, cả xóm như vỡ òa khi hay tin toàn bộ mẫu xét nghiệm của hẻm đều âm tính với SARS-CoV-2! Cổng khu nội bộ chúng tôi vẫn đóng kín.

Ngày thứ 3 lại đến. Sáng ra, cổng khu nội bộ vẫn đóng kín. Nhà nào sinh hoạt ở nhà đó.

Gần 9 giờ sáng, anh Hoàng, nhà ở cách nhà tôi 2 căn gọi điện: "Em qua câu cá về ăn nhé. Câu được nhiều thì chia cho mọi người với". Tôi và con trai liền xách cần qua câu. Đến gần trưa cũng câu được tầm 50 con cá rô phi cả lớn cả bé. Tôi để lại cho anh Hoàng 2 con lớn. 

Số còn lại mang về chia cho nhà ông Sáu Nghĩa vài con, nhà anh Bình ở nhà đối diện vài con. Thấy cá, anh Bình nói: "Cho tôi xin thêm vài con cho vợ chồng chị Hằng ở nhà trọ sát vách, vợ chồng ổng kêu nhà hết đồ ăn mà bị giăng dây không ra được…".

Sống bên trong khu phong tỏa: Từ bang hoàng đến san sẻ từng mớ rau, ổ bánh mỳ - Ảnh 5.

Một người dân nhận bánh mì miễn phí. Ảnh: Quang Phương

3 giờ chiều ngày thứ 3, chúng tôi đứng ngoài đường, trước hẻm trao đổi tình hình bị phong tỏa. Anh Huỳnh (nhà bị giăng dây do gần khu trọ có F0) ở trong sân nói vọng ra: "Chú Sáu Nghĩa nhà có rau xanh gì không? Mấy ngày rồi, nhà con không có rau xanh".

Nghe vậy, vợ chồng chị Hằng ở trọ sát vách nhà anh Bình cũng nói: "Nhà em mấy nay cũng có rau xanh đâu! (Cười) há…há…!". Nghe giọng cười mà chua xót cả lòng.

Nghe vậy, anh Bình nói: "Có ai ra ngoài được đâu mà mua rau. Ăn rau lang không, ngoài vườn tôi có rau lang". Thế là tôi, ông Sáu Nghĩa, anh Bình liền đi cắt ngọn rau lang đem về chia cho mọi người.

Tối ngày thứ 3, anh Bình thông báo với mọi người: "Sáng ngày mai, ông bạn tôi làm bánh mì sẽ chuyển vào khoảng trăm ổ, tôi phát cho bà con ăn sáng nhé".

Gần 7 giờ sáng ngày thứ 4, anh Bình đạp xe đạp ra đầu hẻm nhận bánh mỳ về phân phát cho mỗi nhà một vài ổ.

Đến tối ngày thứ 4, mọi người trong xóm lại thêm bàng hoàng hơn khi nhận thông báo "Gia hạn phong tỏa cho đến khi có thông báo mới".

Thế rồi…ngày thứ 5, thứ 6… cứ thế trôi đi. Mọi người lại chia nhau những phần rau, miếng bánh…

Sống bên trong khu phong tỏa: Từ bang hoàng đến san sẻ từng mớ rau, ổ bánh mỳ - Ảnh 6.

Một người ở trọ nhận phần quà rau, củ, quả từ Lâm Đồng chuyển tới. Ảnh: Quang Phương

Ngày thứ 7 bị phong tỏa, tôi được chị Kim Phụng - cán bộ Trường ĐH Tài Chính Marketing - phân bổ cho 15 phần quà rau, củ, quả từ Đà Lạt chuyển về. Mỗi phần gồm quả bí đao, vài quả cà chua, vài gói mì tôm, vài khúc môn bạc hà… Tôi nhận và phân phát ngay cho những người ở trọ đối diện…

Ngày qua ngày, khu phố nơi tôi sống, mọi người vẫn cứ san sẻ cho nhau từng mớ rau, con cá…như thế. Của ít, lòng nhiều, mọi người cùng "lan tỏa yêu thương" để vượt qua những tháng ngày dịch Covid-19.

TP.HCM hiện có hàng nghìn con hẻm, tổ dân phố bị phong tỏa vì Covid-19. Mong sao mọi người trong những khi bị cách ly, bị phong tỏa luôn bình an, đùm bọc nhau, san sẻ nhau để cùng vượt ca cơn đại dịch Covid-19.

Mong TP.HCM sớm trở lại nhịp sống bình thường như ngày nào.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem