Nỗ lực tạo việc làm của cô gái xương thủy tinh

Thứ hai, ngày 24/03/2014 13:45 PM (GMT+7)
Một cô gái thôn quê bị bệnh xương thủy tinh, những tưởng cuộc đời cô sẽ ngồi một chỗ trong đớn đau, nhưng Nguyễn Thị Thu Thương ở xã Nam Phong (Phú Xuyên, Hà nội) đã không cam chịu số phận như vậy.
Bình luận 0
10 năm qua, cô đã nỗ lực tự tạo việc làm cho mình và nhiều người khuyết tật khác.

Ngày 16.3 vừa qua, thành quả 10 năm gây dựng của Thu Thương đã thành hình khi Trung tâm Dạy nghề và tạo việc làm Thương Thương do cô đại diện đã ra đời. Khu sản xuất, bán hàng được xây dựng trên chính mảnh đất của gia đình Thương.

Thu Thương nhận được đơn đặt hàng 100 triệu đồng từ ông Lê Phước Vũ-  Chủ tịch Tập đoàn Tôn Hoa Sen.
Thu Thương nhận được đơn đặt hàng 100 triệu đồng từ ông Lê Phước Vũ- Chủ tịch Tập đoàn Tôn Hoa Sen.

Mắc phải căn bệnh hiểm nghèo “xương thủy tinh” ngay từ lúc mới sinh, sự đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần đã làm cho Thương không thể có được cuộc sống bình thường như bao người. Ở tuổi 31, Thương chỉ cao 80cm và cân nặng 22kg, ít ai có thể tưởng tượng Thương học tập và làm việc không ngừng nghỉ suốt 10 năm qua.

Trong niềm hạnh phúc khai trương “ngôi nhà mới” - Thu Thương chia sẻ: “Mục đích xây dựng trung tâm của tôi là để tạo việc làm cho người khuyết tật, giúp các bạn có thêm thu nhập để có thể sống tự lập, không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Đối với Thương, khánh thành trung tâm Thương Thương cứ y như… đám cưới mình vậy”.

Trung tâm của Thương chuyên làm đồ lưu niệm thủ công bằng giấy như những bức tranh phong cảnh về đất nước con người Việt Nam, hộp cắm bút, hộp trang sức 5 mặt... Lứa học viên đầu tiên của trung tâm gồm có 14 em, tất cả đều có khiếm khuyết hình thể hoặc tâm lý. Các em được Thương dạy nghề tận tình để có thể tự mình làm việc với mức lương hàng tháng trung bình từ 1,5- 2,5 triệu đồng.

Nếu như người bình thường làm 1 ngày được 3 sản phẩm thì ngược lại các em khuyết tật phải làm 3 ngày mới xong được 1 sản phẩm nhưng những sản phẩm làm ra với mẫu mã đa dạng, phong phú, họa tiết trang trí đẹp mắt, tinh xảo. Em Thanh Hằng, học viên tại trung tâm chia sẻ: “Mặc dù là người khuyết tật, mọi thứ đều làm rất khó khăn nhưng tất cả chúng em đều nỗ lực để làm ra những sản phẩm đẹp nhất cho cộng đồng”.

Biết “tiếng” Thu Thương và sản phẩm từ trước, ngay khi trung tâm ra đời đã nhận được đơn đặt hàng làm tranh trị giá 100 triệu đồng từ Công ty Tôn Hoa Sen và 50 triệu đồng từ Bệnh viện Quốc tế đa khoa Thu Cúc. Thu Thương mong muốn có thêm nhiều đơn đặt hàng nữa để tạo việc làm cho người khuyết tật ở làng quê em. Mọi giao dịch đặt hàng xin liên hệ với chị Nguyễn Thị Thu Thương qua số điện thoại 098 999 8210.

Phùng Nga (Phùng Nga)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem