Những mối lương duyên từ võ nghệ

Trần Thị Huyền Trang Chủ nhật, ngày 18/02/2018 06:00 AM (GMT+7)
Trên đất võ Bình Định, có những truyền thuyết được người dân giữ gìn như tín vật về những mối tình son sắt. Đó là chuyện Bùi Thị Xuân đánh cọp cứu Trần Quang Diệu rồi nên duyên chồng vợ; hay chuyện kể về người con gái Ba Na có biệt tài chế phục muông thú giúp Nguyễn Nhạc trong buổi đầu dựng nghiệp và trở thành vợ thứ của ông...
Bình luận 0

Những đôi võ nhân chồng - vợ thời Tây Sơn được cung kiếm xe tơ kết tóc ngoài Nguyễn Nhạc - Cô Hầu, Trần Quang Diệu - Bùi Thị Xuân còn có Nguyễn Huệ - Bùi Thị Nhạn, Nguyễn Văn Tuyết - Trần Thị Lan…

Thách đấu võ để kén chồng

Sau thời Tây Sơn, đất Bình Định không hiếm các gia đình võ nhân thuận vợ thuận chồng, tiêu biểu như vợ chồng Mai Xuân Tín ở Phú Lạc (song thân của anh hùng Mai Xuân Thưởng), Hồ Đức Phổ - Lê Thị Huỳnh Hà ở Thuận Truyền (song thân của võ sư huyền thoại Hồ Nhu - tức Chín Ngạnh).

img

Nữ vận động viên võ cổ truyền Bình Định. Ảnh: vothuat

Người làng võ tuy không đặt nặng yêu cầu người đối ngẫu với mình cũng phải giỏi võ, nhưng những đôi vợ chồng võ nhân thường hỗ trợ cho nhau rất nhiều trong đời sống. Đó là những mối lương duyên đã góp phần vun đắp và tôn vinh truyền thống thượng võ.  

Không thể phủ nhận giá trị và ưu thế của một người có năng lực võ thuật trong cộng đồng làng võ. Và dù không có quy định nào, nhưng trong đời sống, vẫn tồn tại một thứ luật bất thành văn: Con nhà võ luôn nổi bật trong cộng đồng nhờ vóc dáng cân đối nhanh nhẹn, sức khỏe dẻo dai và khả năng chiến đấu tốt; những ưu điểm đó cùng với tinh thần can đảm, võ hiệp sẽ giúp võ nhân chiếm được lòng tin cậy, ưu ái và kính nể của xã hội. Đó cũng là một lợi thế của con nhà võ khi bước vào đời sống lứa đôi.

Xưa, thỉnh thoảng chuyện thử tài kén rể vẫn xảy ra trong làng võ Bình Định. Thời Tự Đức, tại làng Trung Lương, huyện Hoài Nhơn, có bà Trần Thị Quyền con nhà dòng dõi, đẹp người và giỏi võ, nổi danh từ thôn xóm đến kinh đô vì thành tích giết cọp dữ cứu mẹ già. Cha mất sớm, nhà chỉ có hai mẹ con nên bà ra điều kiện kén chồng: Một là phải giỏi võ hơn bà, hai là phải ở rể để cùng bà nuôi dưỡng mẹ già. Trước hai điều kiện không mấy khó khăn ấy, nhiều người đã mang lễ vật đến, nhưng sau khi thử sức đành trở về tay không. Sau khi mẹ mất, đợi mãn tang mẹ, Trần Thị Quyền mới nhận lời cầu hôn của một người họ Lý ở Hoài Ân mà không đòi tỷ võ và họ sống hạnh phúc suốt đời.

img

Nửa đầu thế kỷ XX, làng võ Bình Định lại xôn xao chuyện võ sư hương mục Ngạc kén rể cho con gái yêu là Tám Cảng với lời thách: Thanh niên chưa vợ, ai đấu thắng Tám Cảng thì ông gả con. Vài chục võ sĩ đến thử sức đều bị Tám Cảng đánh bại. Tiếng đồn vang dậy khiến Dư Hữu - chàng trai võ nghệ có tiếng ở đất Tiên Thuận tò mò tìm tới, vừa đấu được vài chiêu bị Tám Cảng đá văng xuống ao cá. Thua đau, nhưng vừa gặp đã phải lòng người đẹp, Dư Hữu ra về tìm thầy học tiếp, năm sau lại sang. Qua mấy hiệp, Dư Hữu giả vờ sơ hở. Tám Cảng giở thế đá cũ. Chỉ đợi có vậy, Dư Hữu lạng người nắm cổ chân quẳng Tám Cảng nằm dài...

Hai người nên vợ nên chồng, nhưng tính khí xung khắc nên thường lời qua tiếng lại. Một lần cãi nhau, bị vợ chọc tức, Dư Hữu cả giận sẵn cái dao chuốt mây trong tay phóng sang, Tám Cảng né người, thoát chết trong gang tấc. Dư Hữu giật mình sực tỉnh, chạy một mạch đến quỳ trước cha vợ chịu tội và xin dứt nghĩa vợ chồng với Tám Cảng vì hai người không hợp nhau, e rằng sự nóng nảy của đôi bên sớm muộn sẽ dẫn tới điều đáng tiếc. Hương mục Ngạc gọi con gái sang hỏi chuyện, cuối cùng đành chấp nhận cho họ bỏ nhau. Tám Cảng từ đó quyết không lấy ai nữa.

Trọng đạo đức

Lời thách cưới của người làng võ qua hai câu chuyện trên không gắn với phẩm vật của cải, mà chỉ tỏ lòng yêu chuộng khát khao một chữ “tài”. Rõ ràng tài năng và trình độ võ thuật đã từng là tiêu chí quan trọng để người làng võ nhìn nhận, gửi gắm lòng tin (trong hôn nhân là trao thân gửi phận). Nhưng thực tế cho thấy trong quan hệ hôn nhân, chữ “tài” không phải là chiếc đũa thần điều hòa mặn nhạt đắng cay trong chiếc cốc đời.

Lời thách tỷ võ dù xuất phát từ mơ ước tìm được một người chồng xuất sắc để mình nương tựa, song ít nhiều vẫn làm tổn thương lòng tự ái của kẻ hữu tâm. Trần Thị Quyền khôn ngoan đã tự rút lời thách đố khi gặp được ý trung nhân, uyển chuyển lui một bước, nhún mình để giữ đạo vợ chồng. Tám Cảng với tính cách cương cường, ít nhiều có tâm lý cậy thế ỷ tài, không biết kính nhường chồng; Dư Hữu thì không tiết chế được tình cảm, đã giở đòn độc để đánh vợ, lộ thói vũ phu, phạm điều cấm kỵ của võ giới (võ nhân không được dụng võ tùy tiện bừa bãi) kết cục đổ vỡ là điều không tránh khỏi.

Trên vùng đất đầy chiến chinh, trận mạc và những lở bồi của lịch sử, điều đọng lại trong tâm thức người làng võ là hai chữ nghĩa nhơn. Nghĩa nhơn thấm đượm tình thầy trò, cha con, chồng vợ. Trong mọi phạm vi, mọi hoàn cảnh, nghĩa nhơn là giềng mối giữ cho võ đạo vững bền.

Không ít lứa đôi làng võ nên duyên vợ chồng một cách ngẫu nhiên như những người bình thường khác. Từ các võ sư cao niên đến các võ sĩ trẻ của làng võ Bình Định đều cho rằng trong giao thiệp đời thường cũng như trong võ giới, tiêu chí lựa chọn đối tác, bạn bè và bạn đời được đề cao hàng đầu là đạo đức.

Người đất võ quan niệm tình yêu giữa đôi bên trai gái phải được xây dựng trên cơ sở phù hợp về lối sống, tính tình, sự tin cậy cảm thông và đức tính biết hy sinh cho người mình yêu quý thì mới bền vững, còn tiêu chí giỏi võ không phải là yếu tố quyết định. Tại một số làng võ Bình Định, chúng tôi nhận thấy phổ biến là dạng thức hôn nhân chỉ một trong hai người (vợ hoặc chồng) biết võ nhưng vẫn sống hạnh phúc, hòa thuận suốt đời. Có lẽ từ những bài học để đời của tiền nhân, người làng võ đã tự rút ra cho mình cách ứng xử phù hợp nghĩa tình và đạo lý: “Nghĩa nhơn ba gánh tràn trề/ Gánh từ Tuy Viễn gánh về Bồng Sơn/ Mẹ cha nào kể thiệt hơn/ Bạc vàng nặng ít nghĩa nhơn nặng nhiều”.

Từ xa xưa, với ý nghĩa tự vệ và bảo vệ, võ thuật đã khai mở và bồi đắp ân tình giữa người với người, trở thành nhịp cầu hạnh phúc của nhiều lứa đôi làng võ, và điều đó cũng góp phần làm cho mối nhân duyên của họ đẹp hơn trong tâm thức người đời.

Điểm tựa cho những đấng trượng phu

Nhiều võ sư cao niên tâm sự rằng một người chuyên tâm nghiên cứu và theo đuổi võ nghiệp tốn rất nhiều công phu, tâm huyết, thậm chí là tiền bạc trên con đường tầm sư học đạo. Hành trình võ nghiệp của các danh nhân làng võ không đơn giản. Cố võ sư Diệp Trường Phát - chưởng môn đời thứ nhất của phái võ An Thái (Bình Thái đạo) thời niên thiếu được cha mẹ gửi sang Trung Quốc học võ hơn 10 mới quay lại Bình Định, tiếp đó là quá trình tự học hành, trau dồi không ngừng nghỉ.

Cố võ sư Phan Thọ ở Bình Nghi bắt đầu học võ năm 17 tuổi, lặn lội thọ giáo hết thầy này đến thầy khác suốt 18 năm ròng với quyết tâm nắm giữ tuyệt học của nhiều phái võ Bình Định, việc nuôi dạy con phó mặc cho vợ, thậm chí nhiều phen “xin” vợ bán ruộng bán bò để học. Sự nghiệp võ học của ông sẽ bất thành nếu không có mồ hôi nước mắt và lòng kiên nhẫn vô bờ của người bạn đời.

Những người phụ nữ đất võ giàu đức hy sinh luôn là điểm tựa, là bệ phóng cho những đấng trượng phu đầu đội trời chân đạp đất. Không phải ngẫu nhiên mà ca dao Bình Định ăm ắp những lời chứa chan tình nghĩa: “Đi đâu cho thiếp theo cùng/Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam/Chàng ơi đưa gói thiếp mang/Đưa gươm thiếp vác cho chàng đi không”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem