Kỳ vọng và quyết tâm vươn tới những mục tiêu trong năm Rồng

Khánh Nguyên - Nguyễn Quỳnh - Tạ Nguyệt - Lê Thúy Thứ tư, ngày 14/02/2024 13:12 PM (GMT+7)
Khép lại năm 2023 với nhiều khó khăn nhưng cũng không ít điểm sáng ở các lĩnh vực của đời sống. Đất nước ta hướng tới năm 2024 – năm Giáp Thìn với nhiều kỳ vọng, quyết tâm để đạt được những những thành tựu mới. Báo Dân Việt/NTNN ghi nhận ý kiến về những hướng đi, nỗ lực cho một năm mới “rồng bay lên”.
Bình luận 0
Kỳ vọng và quyết tâm vươn tới những mục tiêu trong năm Rồng- Ảnh 1.

Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ NNPTNT: Tạo thêm không gian giá trị mới cho ngành nông nghiệp

Năm 2024 và giai đoạn tiếp theo, ngành nông nghiệp cần tiếp tục chú trọng 2 mục tiêu trọng yếu: Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp và tạo ra những không gian giá trị cho ngành nông nghiệp.

Trong tư duy kinh tế nông nghiệp, cần làm sâu sắc và lan tỏa tư duy kinh tế, làm sao trên một đơn vị diện tích đó, thậm chí thu hẹp diện tích nông nghiệp lại mà vẫn tạo ra nhiều của cải hơn. Nông nghiệp không chỉ là nông nghiệp, mà tích hợp cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực từ đó cộng hưởng thêm giá trị. Thực tế là thời gian qua, du lịch nông nghiệp đã chứng minh cho thấy lợi nhuận tăng gấp 5-6 lần, thậm chí gấp vài chục lần mà không phải đầu tư quá lớn. Cụ thể như câu chuyện làng hoa Sa Đéc ở Đồng Tháp, trước đây nông dân chỉ bán trong ngày Tết ngày rằm, nay thu hẹp không gian lại một chút, làm thêm điểm dừng nghỉ cho du khách đã mang lại giá trị lớn hơn.

Tư duy về tăng trưởng cũng cần phải thay đổi, bởi nếu muốn đạt số tăng trưởng mà ra biển đánh bắt hải sản về để đạt chỉ tiêu thì sẽ sinh ra hệ lụy. Có những kết quả đong, đo, đếm được bằng số liệu, nhưng có những cái không đo, đếm được, có thể chưa thể hiện được cho tăng trưởng năm 2024 nhưng có thể tạo tiền đề cho tăng trưởng năm 2025. Nói một cách đơn giản nhất là những gì đang làm thì phải làm cho tốt, đồng thời phải chuẩn bị cho những thứ tốt hơn nữa: Liên kết lại để các ngành hàng bền vững, tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại thị trường, liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp tạo ra thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ…

Kỳ vọng và quyết tâm vươn tới những mục tiêu trong năm Rồng- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Hùng – Bộ trưởng Bộ VHTTDL: Lan tỏa những giá trị tốt đẹp, xây dựng hình ảnh con người Việt Nam

Tôi nghĩ rằng, mùa xuân bao giờ cũng gắn với ước mơ và hy vọng; mỗi con người đều có những hoài bão, đặt cho mình mục tiêu cần phải đạt được và ngành VHTTDL cũng không ngoại lệ.

Năm 2023 chúng ta tổ chức thành công rất nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa diễn ra sôi nổi từ cấp trung ương đến địa phương, cấp khu vực. Văn hóa đã có hiệu ứng, lan tỏa, kết nối tình đoàn kết, đạt được nhu cầu thưởng thức, văn hóa nghệ thuật của nhân dân, lan tỏa được những giá trị tốt đẹp, xây dựng được hình ảnh, những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam.

Năm 2023 du lịch Việt Nam đã lấy lại vị thế tăng trưởng, đây cũng là năm đầu mà chúng ta cán đích, vượt mốc chỉ tiêu. Trong đó, du lịch quốc tế của chúng ta đã có bước tiến triển rất đáng ghi nhận. Tính đến tháng 12, Việt Nam đã đón hơn 12 triệu lượt du khách quốc tế. So với chỉ tiêu xây dựng ngay từ đầu năm là đón 8 triệu lượt, thì con số đạt được đã minh chứng cho sự phát triển của ngành. 

Chúng ta đã tập trung, xác định môi trường văn hóa, coi đó là gốc để hình thành phát triển văn hóa một cách bền vững nhất. Bộ đã tập trung hướng đến môi trường văn hóa như văn hóa doanh nghiệp doanh nhân, văn hóa trong các cơ quan báo chí, văn hoá địa bàn dân cư để hình thành cho được giá trị chân thiện mỹ trong từng gia đình, khối phố… từ đó tạo ra hiệu ứng lan tỏa để kết nối lại, tổng hợp lại thành một dòng chảy phát triển không ngừng.

Kỳ vọng và quyết tâm vươn tới những mục tiêu trong năm Rồng- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT): Giữ vững thành tích xuất khẩu gạo

Năm 2023, việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo đã có tác động lớn đến thị trường gạo thế giới. Ấn Độ chiếm 40% lượng gạo xuất khẩu của thế giới, vì vậy việc Ấn Độ tạm ngừng xuất khẩu gạo được coi là cơ hội của các nước và Việt Nam đã biến cơ hội đó thành tiền để nâng cao thu nhập cho nông dân.

Ngoài nhu cầu của thị trường thế giới tăng đột biến, kết quả xuất khẩu gạo năm 2023 có được còn nhờ sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành. Chỉ thị số 24 của Thủ tướng Chính phủ ngày 5/8/2023 về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay" đã trở thành định hướng quan trọng để các ngành chức năng, các địa phương thực hiện. Theo đó, Bộ NNPTNT, Cục Trồng trọt liên tục cung cấp thông tin về nguồn cung cho các doanh nghiệp, địa phương; kịp thời điều chỉnh tăng diện tích lúa thu đông năm 2023 từ 650.000ha lên 700.000ha để tận dụng cơ hội giá tốt đồng thời phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương bảo vệ tốt vấn đề sản xuất của người dân.

Theo nhiều dự báo, giá gạo sẽ còn tăng trong năm 2024 do nguồn cung bị thắt chặt. Trước nhận định này, năm 2024, ngành trồng trọt vẫn đặt mục tiêu giữ vững diện tích gieo trồng lúa đạt 7,1 triệu ha, sản lượng lúa trên 43 triệu tấn; đảm bảo xuất khẩu từ 8 triệu tấn gạo trở lên.

Kỳ vọng và quyết tâm vươn tới những mục tiêu trong năm Rồng- Ảnh 4.

Chị Đinh Thị Thu - công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội): Mong công việc đầy đủ, tiền lương phục hồi

Năm vừa rồi tình hình công ăn việc làm khó khăn, nhiều công nhân cùng công ty tôi phải nghỉ việc, giãn việc, tiền lương của tôi cũng giảm còn có 2/3 (7 triệu đồng) nên cuộc sống rất khó khăn. Sang năm mới, tôi chỉ mong muốn công việc khởi sắc, thuận lợi, tiền lương sớm được phục hồi để có tiền nuôi con cái, chăm lo cho bố mẹ. 

Kỳ vọng và quyết tâm vươn tới những mục tiêu trong năm Rồng- Ảnh 5.

Ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10: Chủ động đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường 

Dù doanh thu năm 2023 giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2022 và lợi nhuận cũng giảm tương tự nhưng mức giảm vẫn thấp hơn bình quân chung toàn ngành may mặc. Điểm sáng là, công ty vẫn tận dụng từng cơ hội kinh doanh, bảo toàn được các thị trường xuất khẩu, giữ vững năng lực sản xuất cũng như đảm bảo chất lượng và niềm tin với người tiêu dùng trong nước.

Bước sang năm 2024, ngành dệt may còn phải đối diện với nhiều khó khăn như việc áp dụng mở rộng của nhà sản xuất, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon, cũng như chiến lược thời trang bền vững thay cho thời trang nhanh... Do đó, đơn hàng xuất khẩu dự kiến tiếp tục giảm, trong khi chi phí đầu vào cao, chuỗi cung ứng còn rủi ro. Trong bối cảnh đó, chúng tôi xác định năm 2024 này sẽ tập trung và chủ động tìm kiếm, khai thác thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, tập trung nghiên cứu sản phẩm mới, chất liệu mới, đẩy nhanh tốc độ may mẫu, dập mẫu, chất lượng mẫu,... để làm các đơn hàng khó, kết cấu sản phẩm phức tạp, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. Doanh nghiệp kỳ vọng và vẫn quyết tâm đặt mục tiêu doanh thu vượt 6,6% so với năm 2023.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem