Những ký ức không thể quên về tuyến đường 1C huyền thoại của thế hệ thanh niên xung phong

Bạch Dương Thứ bảy, ngày 14/10/2023 18:21 PM (GMT+7)
1C - tuyến huyết mạch giao thông vận tải khí cụ chi viện cho chiến trường Tây Nam Bộ, đã đưa đón hơn 3 vạn lượt cán bộ, bộ đội, thương binh; vận chuyển hơn 13.000 tấn vũ khí, hàng ngàn tấn lương thực, thuốc men…
Bình luận 0
Những ký ức không thể quên về tuyến đường 1C huyền thoại của thế hệ thanh niên xung phong - Ảnh 1.

Ông Lê Hồng Liêm, Trưởng Ban liên lạc cựu cán bộ Đoàn thanh niên Việt Nam phía Nam. Ảnh: B.D

Năm 1966, quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn phá hoại, phong tỏa đường Hồ Chí Minh trên biển; quân và dân gặp nhiều khó khăn trong việc vận chuyển vũ khí, sức người từ miền Bắc. Đường 1C (bắt đầu từ Lộc Ninh đến mũi Cà Mau) ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu nối lại mạch giao thông vận tải khí cụ, đưa hàng chục ngàn quân từ hậu phương vào chi viện cho chiến trường Tây Nam Bộ.

Nhớ lại những tháng ngày huyền thoại đó, ngày 14/10, Ban liên lạc cựu cán bộ Đoàn thanh niên Việt Nam phía Nam tổ chức tọa đàm "Đường 1C hôm qua và hôm nay".

Tuyến đường 1C tiếp nối đường Trường Sơn, từ miền Đông Nam Bộ về tận mũi Cà Mau. Tại đây những thanh niên từ 15 tới ngoài 20 tuổi với hơn 2/3 là nữ, làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, lương thực, đón bộ đội từ miền Bắc vào chi viện chiến trường miền Tây Nam Bộ từ năm 1967 tới ngày thống nhất đất nước. 

Lực lượng thanh niên đã tạc nên huyền thoại con đường 1C lịch sử bằng tuổi thanh xuân và xương máu của mình.

Ông Lê Hồng Liêm, Trưởng Ban liên lạc cựu cán bộ Đoàn thanh niên Việt Nam phía Nam - cho rằng cuộc sống và chiến đấu của lực lượng thanh niên xung phong, cán bộ đoàn viên, bộ đội trên tuyến đường 1C ngày ấy, mang ý nghĩa sâu sắc. Là sự hy sinh cao cả cùng với những ước mơ và nghị lực phi thường của một thời tuổi trẻ sẵn sàng hiến dâng cho đất nước.

Bà Võ Tuyết Lệ, cựu thanh niên xung phong từng hoạt động tiếp vận trên tuyến đường 1C (đoạn thuộc huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang), bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm vận chuyển hàng, bộ đội và thương binh trên đường 1C.

Bà kể, năm 1968 được chỉ huy giao nhiệm vụ hỗ trợ đưa hàng hóa từ Campuchia về Việt Nam (khu vực Kiên Giang). Trong một lần tiếp tế hàng hóa ở rừng Hà Tiên, đơn vị của bà bị địch phục kích 3 lần. Số lượng chiến sĩ thương vong cao, bà Lệ được giao chữa trị cho 3 du kích bị thương nặng.

"Địch lúc đó mai phục nhiều đêm ở Kinh Vĩnh Tế. Trực thăng quần thảo, thả bom để cắt đường di chuyển của ta. Lúc đó tôi có 1 phần thuốc, 1 khẩu AK, 4 băng đạn, cố thủ cùng 3 chiến sĩ trong công sự chữ L. Mặc dù bản thân tôi bị thương nhưng nhất quyết chống trả, giữ vững an toàn cho quân ta", bà Võ Tuyết Lệ nhớ lại.

Những ký ức không thể quên về tuyến đường 1C huyền thoại của thế hệ thanh niên xung phong - Ảnh 3.

Các đồng đội tuyến đường 1C ngày gặp mặt. Ảnh: B.D

Tại tọa đàm, Bí thư Trung ương đoàn Nguyễn Tường Lâm cho biết tuyến đường 1C huyền thoại còn có điểm đặc biệt hơn, bởi là tuyến đường được Liên đội I thanh niên xung phong tổ chức, thành lập, và do tổ chức Đoàn trực tiếp chỉ huy, điều khiển hoạt động, chiến đấu trên một chiến trường ác liệt từ đầu đến cuối.

Liên đội I thanh niên xung phong chỉ có khoảng 800 quân, trong đó hơn 600 quân là nữ, nhưng đã lập được nhiều chiến công. 

"Hàng trăm trận đánh, hàng ngàn câu chuyện của các cô chú đã tô thắm thêm cho trang sử vẻ vang của dân tộc, tiếp lửa cho thế hệ thanh niên hôm nay tiếp tục rèn luyện, phấn đấu để cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, giàu mạnh", anh Lâm chia sẻ.

Tuyến đường 1C ở Tà Em, xã Vĩnh Điều, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang, được biết đến là con đường đưa phương tiện chiến tranh từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện theo đường mòn Hồ Chí Minh đến miền Đông Nam Bộ. Từ đây được đưa về các tỉnh miền Tây phục vụ cuộc kháng chiến. Tuyến đường 1C ra đời do Khu ủy miền Tây Nam Bộ (T3) giao nhiệm vụ cho Khu đoàn Tây Nam Bộ tổ chức, cùng với việc thành lập các đội thanh niên xung phong miền Tây Nam Bộ.

Tuyến đường này, từng bị kẻ địch phát hiện, tìm mọi cách hủy diệt; ác liệt đến mức có người ví đường 1C là "nơi sắt thép còn tan chảy".

Lực lượng Thanh niên xung phong tuyến đường 1C đã tiếp nhận và vận chuyển trên 13.000 tấn vũ khí, tài vật quan trọng phục vụ cho chiến trường miền Tây, từ nguồn chi viện của Trung ương và Trung ương Cục miền Nam; đưa rước hơn 3 vạn lượt người, gồm bộ đội, cán bộ, chiến sĩ ngược xuôi trên tuyến đường.

Ngoài vận chuyển vũ khí, tài vật, lực lượng Thanh niên xung phong 1C còn trực tiếp cầm súng chiến đấu để bảo vệ kho bãi, bảo vệ lực lượng, căn cứ, và mở rộng hành lang để vận chuyển theo yêu cầu cấp thiết của chiến trường; tham gia hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, kết hợp bộ đội, cùng du kích địa phương loại bỏ khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên địch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem