Những cánh đồng làm theo lời Bác: “Gió Đại Phong” thổi tan nghèo đói

Thứ tư, ngày 04/09/2013 14:30 PM (GMT+7)
Trong lịch sử của mình, HTX Đại Phong (Lệ Thuỷ, Quảng Bình) không chỉ tự hào vì được Đảng và Nhà nước trao tặng “Lá cờ đầu trong nông nghiệp toàn miền Bắc…” mà họ còn 2 lần được Bác Hồ gửi thư khen và gửi tặng một chiếc máy cày.
Bình luận 0
Vinh dự lớn lao đó, các thế hệ người dân Đại Phong luôn khắc sâu, nó như một ngọn gió thổi bay đói nghèo, lạc hậu, thổi bùng tinh thần hăng say lao động của người dân Đại Phong trong suốt nữa thế kỷ qua…

Không cam chịu đói nghèo

Cụ Đặng Ngọc Đính – nguyên Trưởng ban kiểm soát HTX Đại Phong năm nay đã bước sang tuổi 85 nhưng còn rất minh mẫn, thông tuệ. Cụ Đính nhớ lại những ngày gian khổ, đói nghèo: “Những năm 50 của thế kỷ trước, Đại Phong cũng như nhiều làng quê khác, cái đói, cái nghèo luôn bủa vây từ đầu làng đến cuối xã.

Nhiều người dân Đại Phong khoai sắn không đủ ăn, đêm nằm không ngủ được vì hình ảnh thê lương của nạn đói năm 1945 lại thấp thoáng hiện về. Một đêm mùa đông cuối năm 1959, theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, người dân Đại Phong quyết định thành lập HTX Đại Phong.”

Chủ nhiệm HTX Đại Phong Nguyễn Huy Hoàng giới thiệu với khách tham quan về truyền thống của HTX Đại Phong
Chủ nhiệm HTX Đại Phong- Nguyễn Huy Hoàng, giới thiệu với khách tham quan về truyền thống của HTX Đại Phong

Ông Đính kể, ngày đó cánh đồng Đại Phong chỉ là một vùng đầm phá mênh mông nước, hàng năm chỉ làm được một vụ “lúa cao cây”, còn lại đành phải bỏ hoang vì nhiễm mặn. Khi HTX Đại Phong ra đời, người dân Đại Phong với quyết tâm không cam chịu đói nghèo, một người làm việc bằng hai, đã quyết tâm khai hoang mở rộng đất sản xuất, thâm canh tăng vụ.

Những năm đó, làng Đại Phong lúc nào cũng như trẩy hội bởi không kể ngày đêm, trên cánh đồng lúc nào cũng “trống dong cờ mở”, người Đại Phong đang dốc sức đắp đê ngăn mặn, cải tạo ruộng đồng. Ruộng đồng không phụ nông phu, từ những đầm phá nhiễm mặn mênh mông nước, những con đê ngăn mặn vững chắc đã khoanh vùng, khoanh thửa tạo nên cánh đồng lúa Đại Phong cò bay thẳng cánh.

Từ cánh đồng đó, hạt lúa Đại Phong không những đẩy lùi được cái đói của làng mình mà còn được chở ra nhiều địa phương ở miền Bắc để phân phối cho nhân dân, đưa vào chiến trường cho bộ đội đánh Mỹ…

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng, con trái của cố Đại Tướng Nguyễn Chí Thanh phát biểu tại lễ kỷ niệm 50 năm Đại Phong đón nhận lá cờ đầu trong nông nghiệp.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng, con trai của cố Đại Tướng Nguyễn Chí Thanh, phát biểu tại lễ kỷ niệm 50 năm Đại Phong đón nhận lá cờ đầu trong nông nghiệp.

Có một con người đã góp công làm cho HTX Đại Phong trở thành “Lá cờ đầu trong nông nghiệp của miền Bắc” mà bao thế hệ người dân Đại Phong luôn coi ông như ân nhân, ruột thịt, ông là Đại tướng “nông dân” Nguyễn Chí Thanh.

Mùa đông năm 1960, Đại tướng với trọng trách là Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban nông nghiệp của Trung ương đã về kiểm tra và nghiên cứu tình hình sản xuất của HTX Đại Phong. Bao thế hệ người dân Đại Phong vẫn lưu truyền cho nhau những câu chuyện và hình ảnh người Đại tướng với chiếc áo tơi, nón lá đi vào tận từng nhà dân xem từng cót lúa giống, lội xuống ruộng bùn để xem cày sâu, cày ải thế nào…

Để rồi, cùng với người nông dân Đại Phong ông đã làm nên một phong trào lưu giữ trong sử sách và trong lòng người. Một phong trào mà cho đến hôm nay, vẫn như luồng gió mát lành thổi đến mọi làng quê Việt Nam yên bình, dung dị. Phong trào ấy có tên gọi: “Gió Đại Phong”.

Những thành tích mà HTX Đại Phong đạt được: Lá cờ đầu trong nông nghiệp Miền Bắc năm 1962; 2 lần được Bác Hồ gửi thư khen, được bác tặng 1 chiếc máy cày; Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng nhất thời kỳ đổi mới và nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp.

Với bút danh Trần Lực, Bác Hồ đã viết bài ca ngợi HTX Đại Phong đăng trên báo Nhân Dân:

"Từ ngày đồng chí Nguyễn Chí Thanh nêu những ưu điểm và tiến bộ của HTX Đại Phong, đến nay chưa đầy hai tháng, mà khắp cả miền Bắc đã có ngót một nghìn HTX nhận thi đua học tập Đại Phong, đuổi kịp Đại Phong, vượt quá Đại Phong.

Đó là một phong trào rất tốt và rất mạnh mẽ, nó chứng tỏ tinh thần hăng hái, lực lượng to lớn và khả năng dồi dào của đồng bào nông dân ta...". Để động viên khích lệ bà con nông dân ở Đại Phong, ngày 20.3.1961, Bác Hồ đã gửi tặng HTX Đại Phong chiếc máy kéo DT54, do Đoàn thành niên Cộng sản Công-xô-môn Lê- nin gửi tặng Bác…

Cánh đồng trăm triệu/ha

Trong thư gửi khen HTX Đại Phong, Bác Hồ đã không quên dặn: “…cán bộ, xã viên chớ tự mãn với thành tích mà phải cố gắng hơn nữa!”. Vâng lời Bác dạy, trong suốt nửa thế kỷ qua, người dân Đại Phong đã không tự mãn và tiếp tục lập nên những kỳ tích mới.

Chủ nhiệm HTX Đại Phong hiện tại là anh Nguyễn Văn Hoàng. Anh Hoàng thuộc lớp người trẻ, ăn học đến nơi đến chốn. Tiếp xúc với Hoàng, chúng tôi thấy anh là người nhạy cảm với cái mới, sáng tạo trong công việc và tâm huyết với quê hương. Là một HTX lớn với 2.166 xã viên, lại giàu truyền thống nhưng Đại Phong cũng chỉ là một vùng quê thuần nông, trông chờ chủ yếu vào hạt lúa trên đồng.
Vì vậy, điều cốt lõi Hoàng cùng đồng sự trong Ban quản lý HTX luôn trăn trở là làm sao để nâng cao năng suất cây lúa. Nguyễn Văn Hoàng cho biết, ngoài làm tốt khâu dịch vụ, làm chỗ dựa vững chắc cho bà con xã viên, một trong những đột phá mà Đại Phong đã thực hiện là khâu giống. Hàng năm HTX đầu tư sản xuất hơn 60 ha lúa giống để tạo bộ giống cấp 1 cung cấp cho toàn bộ diện tích của HTX đem lại năng suất cao, chất lượng tốt.

Chính vì vậy từ năm 1998 đến nay, năng suất bình quân lúa của Đại Phong đã tăng lên 70 tạ/ha. Ngoài ra, hàng năm Đại Phong còn bán cho Công ty CP Giống cây trồng Quảng Bình từ 200-300 tấn thóc giống.

 Cơ giới hoá đã được đưa vào sản xuất nông nghiệp trên cánh đồng Đại Phong
Cơ giới hoá đã được đưa vào sản xuất nông nghiệp trên cánh đồng Đại Phong

Năm 2012, Đại Phong lần đầu tiên làm cánh đồng mẫu lớn với diện tích trên 50 ha với năng suất đạt 75 tạ/ha. Cây lúa trên “cánh đồng mẫu lớn” đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân, cụ thể, sau khi trừ chi phí sản xuất trực tiếp, nông dân còn lãi 26,025 triệu đồng/ha/vụ.

Có một vấn về nhận thức đã được xác định tư lâu, đó là Đại Phong khó giàu thêm nếu cứ độc canh cây lúa. Theo anh Hoàng, những năm trước đây mỗi xã viên ở HTX Đại Phong có từ 5 đến 7 thửa ruộng nằm rải rác ở các khu vực khác nhau. Nếu cứ để vậy mà làm ăn, thì nông dân cố lắm cũng chỉ đủ ăn, khó có thể tích lũy được.

Muốn có tích lũy thì phải đầu tư sản xuất. Để đầu tư trước hết phải có diện tích, cho nên HTX đã chủ trương dồn điền, đổi thửa, tích tụ, chuyển đổi ruộng đất lại còn 1 đến 2 thửa. Khi ruộng đã được dồn lại, không chỉ thuận lợi cho việc đưa cơ giới hoá vào sản xuất mà nhiều xã viên đã đầu tư phát triển mô hình trang trại sản xuất tổng hợp lúa - cá - vịt.

“Hiện ở Đại Phong có hàng trăm xã viên có thu nhập từ 50 đến 70 triệu đồng từ mô hình sản xuất tổng hợp lúa – cá - vịt. Tính ra, mỗi ha ruộng ở đây, người dân có thu nhập trên dưới 100 triệu đồng/ năm.” – anh Hoàng chia sẻ.

“Gió Đại Phong” vẫn thổi

Trước mặt chúng tôi là cánh đồng đại Phong thẳng cánh cò bay, năng suất hơn 7 tấn/ha. Đến bây giờ, những công trình được xây dựng từ thời “trống giong cờ mở”vẫn tiếp tục phát huy giá trị ngăn mặn. Tuy nhiên, trong những năm qua, HTX Đại Phong đã đầu tư hơn 8 tỷ đồng để bê tông hoá trên 9km kênh mương, đào đắp hơn 20 ngàn m3 đất đá để nâng cấp đê điều, cống thuỷ lợi...

Trong thư gửi khen HTX Đại Phong, Bác Hồ đã không quên dặn: “…cán bộ, xã viên chớ tự mãn với thành tích mà phải cố gắng hơn nữa!”. Vâng lời Bác dạy, trong suốt nửa thế kỷ qua, người dân Đại Phong đã không tự mãn và tiếp tục lập nên những kỳ tích mới.

Ngoài ra, với phương châm nhân dân và Nhà nước cùng làm, Đại Phong đã đầu tư hơn 15 tỷ đồng để làm đường giao thông liên thôn, liên xóm, nhà văn hoá thôn cùng nhiều công trình phúc lợi khác.

Từ đó đồng ruộng của Đại Phong bảo đảm chủ động nước tưới, chống được lũ tiểu mãn, lũ sớm; thuận tiện cho xe cơ giới hoạt động để giải phóng sức lao động vừa rút ngắn thời gian trong gieo cấy, thu hoạch. Ở Đại Phong bây giờ các khâu sản xuất cơ giới hoá là chủ yếu.

Từ khi chuyển đổi HTX, nguồn vốn của Đại Phong chỉ có 1,8 tỷ đồng thì nay hơn 10 tỷ đồng, trong đó vốn lưu động hơn 3,2 tỷ đồng. Xã Phong Thuỷ nói chung và Đại Phong nói riêng được tỉnh Quảng Bình chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới. Đến nay Đại Phong đã thực hiện được 13/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đời sống người dân được cải thiện đáng kể, hộ giàu chiếm tỷ lệ 25%, hộ khá 45% và hộ nghèo chỉ còn 5%....

Đại Phong hôm nay là những con đường nhựa trải dài về từng xóm, từng làng. Mái ngói san sát, nhà tầng lô nhô. Ngày mùa, nông dân cắt lúa bằng máy, suốt lúa ngay bên bờ ruộng và chở lúa về nhà bằng xe ôtô tải nhẹ. Điều ấn tượng nhất với nhiều người khi đến Đại Phong là gặp những gương mặt người nông dân luôn thảnh thơi, hồ hởi.

Bởi người dân Đại Phong đã rất tự hào, họ đã không quên lời Bác Hồ dặn, họ đã không tự mãn, không làm mất truyền thống của quê hương. Và ở nơi đây, ngọn “Gió Đại Phong” năm xưa nhường như chưa bao giờ ngừng thổi…
Phan Phương (Phan Phương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem