Nhìn thẳng vào truyền thông văn hóa Việt Nam

TS Nguyễn Thị Minh Thái Thứ năm, ngày 19/06/2014 10:22 AM (GMT+7)
Nhiệm vụ lớn nhất mà giới truyền thông Việt phải đảm đương hôm nay là phải truyền thông về sự phát triển văn hóa Việt một cách đích đáng, trên cơ sở nhận chân được bi kịch của sự phát triển, chỉ khi ấy mới có văn hóa thực sự trong truyền thông.
Bình luận 0

“Giải mã” văn hóa

Không một nền văn hóa của quốc gia nào trên Trái đất này lại không được truyền thông, qua nền báo chí truyền thông của chính mình. Và như thế, nhiệm vụ xuyên suốt nền báo chí hiện đại Việt Nam, từ khi ra đời, đương nhiên phải là truyền thông về nền văn hóa Việt, với tất cả các sinh hoạt văn hóa của người Việt trong lịch sử dựng nước và giữ nước của mình, dựa trên nền tảng 2 mối quan hệ lớn nhất về ứng xử văn hóa: Đó là ứng xử của người Việt với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, nhằm tạo lập 2 loại giá trị lớn nhất trong lịch sử tồn tại của mình: Giá trị văn hóa vật chất và tinh thần, theo quy luật văn hóa chung của toàn nhân loại, trong sự phát triển riêng biệt và đặc thù của từng quốc gia, thuộc cả 2 vùng văn hóa: Phương Đông và phương Tây.

Trong sự phát triển nền báo chí truyền thông Việt Nam hiện đại, việc truyền thông những giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc Việt bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy, nhiệm vụ hàng đầu của nhà báo Việt Nam muốn truyền thông về văn hóa Việt Nam, đương nhiên phải giải mã được bản sắc văn hóa Việt, nếu không sẽ không thể làm tốt nhiệm vụ truyền thông căn cơ này của nền báo chí truyền thông Việt.

Kể từ tờ báo đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ thuộc nửa đầu thế kỷ 20 ra đời, văn hóa Việt Nam đã được nhận diện và truyền thông, dù lúc bấy giờ, Việt Nam là thuộc địa Pháp, và trong giao lưu với văn hóa phương Tây, vì thế, Việt Nam đã lâm vào tình huống bị cưỡng đoạt về văn hóa. Song, dù muốn dù không, Việt Nam cũng phải bị/chịu “Âu hóa” như một xu hướng văn hóa không tránh khỏi.

Điều này đã dẫn Việt Nam, ngay từ trong lòng xu hướng này, đến một bi kịch của sự phát triển, đã được học giả Đào Duy Anh nhận thực trong “Việt Nam văn hóa sử cương” (NXB Quan hải Tùng thư, Huế, 1938, đã tái bản nhiều lần) rằng, về bản chất, văn hóa Việt Nam truyền thống vẫn là nền văn hóa nông nghiệp căn cơ.

Học giả Đào Duy Anh nhận định chính xác: “Cái văn hóa của tổ tiên ta đã gây dựng trong 2000 năm để sinh trưởng giữa những điều kiện tự nhiên ác liệt ở xứ này, tất phải có sinh khí mạnh mẽ lắm”. Sinh thời, khi định danh nền văn hóa nông nghiệp truyền thống đặc thù này, GS Trần Quốc Vượng đã chỉ đích tên bằng “3 hằng số”: Nông dân-nông nghiệp-nông thôn (báo chí thời nay gọi là “tam nông” và thường xếp đặt lộn xộn: Nông nghiệp-nông dân-nông thôn, mà quên rằng, nông dân, phải đứng đầu trong 3 hằng số này, vì họ là chủ thể nền văn hóa nông nghiệp Việt Nam, họ làm nghề nông và nơi cư trú truyền thống của họ là ở làng (nông thôn).

Và chính GS Trần Quốc Vượng cho rằng, 3 hằng số này đã để lại cho sự phát triển văn hóa Việt hôm nay một hành trang khá nặng nề, đó là căn tính nông dân, với một phép tư duy truyền thống nghiêng lệch hẳn về duy tình mà coi nhẹ lý lẽ của lý trí. Học giả Đào Duy Anh gọi đó là cách ứng xử cơ bản của người Việt “luôn lấy cái cảm tính mà đặt lên hàng đầu”. Dân gian Việt thì thẳng thừng cho biết: “Một bồ cái lý không bằng một tí cái tình”…

Loại bỏ những “lỗi văn hóa”

Cho đến cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Việt vẫn tiếp tục nghĩ suy để làm sao giải quyết cái bi kịch về sự phát triển này, đặc biệt là trên diễn đàn báo chí truyền thông, khi muốn nhận diện văn hóa truyền thống.

Vậy, từ góc nhìn văn hóa Việt hôm nay, phải thấy một sự thật: Trong ứng xử với môi trường tự nhiên, từ cái ăn, cái mặc, cái ở, cái đi lại… là 4 khu vực căn cơ của cái sống hằng thường, vốn tạo lập giá trị văn hóa vật chất cho sự phát triển xã hội hiện đại Việt, đã và đang hiện diện những thói hư tật xấu (lỗi văn hoá), cần phê phán và loại bỏ khỏi hành trang phát triển của người Việt. Rồi cách ứng xử văn hóa với môi trường xã hội hiện đại Việt, bắt đầu từ ứng xử trong tế bào nhỏ nhất của xã hội là gia đình, cho đến ngoài xã hội, từ trong nước đến xã hội người Việt ở nước ngoài (hơn 4 triệu người gốc Việt định cư ở nước ngoài), tất thảy đều đang có những chuyện đáng quan ngại, cần rút kinh nghiệm sửa đổi và điều chỉnh…

Không phải không hữu lý khi GS Trần Quốc Vượng chỉ ra “căn tính nông dân” đã và đang gây cản trở cho sự phát triển văn hóa Việt hiện đại. Và chắc chắn, căn tính này cũng liên quan đến “bi kịch” của sự phát triển mà Đào Duy Anh đã chỉ ra trong “Việt Nam văn hóa sử cương”.

Vậy thì câu hỏi lớn nhất đặt ra cho chính văn hóa Việt hiện đại, trong phát triển và hội nhập quốc tế hôm nay là văn hóa Việt sẽ phát triển theo cách nào khả thi nhất?

Thiết nghĩ, phải bắt đầu bằng cách đổi mới tư duy, nhất là lĩnh vực giáo dục, và phải với khát vọng đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam hiện đại. Về cuộc đổi mới này, có lẽ nên đặc biệt lưu ý đến ý kiến của GS Ngô Bảo Châu. Theo GS Châu, sở dĩ dư luận bất bình là do có sự bất công. “Tại sao phải dùng ngân sách để làm ra những quyển sách mà người dân vẫn phải mua, vẫn bắt buộc phải mua hàng năm với số lượng lớn?”.

GS Ngô Bảo Châu đã “nghĩ về mô hình wikipedia (từ điển mở) cho sách giáo khoa”. Ta có thể hoàn toàn đồng thuận với tinh thần triết học của ý kiến này, trên một vấn đề còn lớn hơn việc đổi mới sách giáo khoa, đó là việc cần phải có tư duy hiện đại mới giải quyết được bi kịch về văn hoá trong sự phát triển mới của văn hóa Việt hôm nay.

Chỉ có kiểu tư duy ấy mới có thể gạn lọc, buông bỏ những yếu tố bất cập trong hành trang “căn tính nông dân”, để chỉ gìn giữ và bảo tồn những yếu tố tinh hoa, căn cốt nhất của hành trang này trên đường phát triển và hội nhập.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem