Nhiều giáo viên dạy môn tích hợp kêu khó, Bộ GDĐT nói gì?

Tào Nga Chủ nhật, ngày 10/12/2023 17:30 PM (GMT+7)
Việc triển khai môn học mới xuất hiện trong chương trình bậc THCS bắt đầu từ năm học 2021-2022 nhưng việc dạy và học các môn học mới vẫn gây lúng túng cho các nhà trường.
Bình luận 0

Sáng ngày 10/12, Bộ GDĐT tổ chức Tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên trên toàn quốc dạy học các bộ môn tích hợp Khoa học Tự nhiên, Lịch sử - Địa lý, Hoạt động trải nghiệm - Hướng nghiệp. Buổi tập huấn được thực hiện theo hình thức kết nối trực tuyến từ điểm cầu Bộ GDĐT đến tất cả các điểm cầu địa phương trên nền tảng tập huấn "Lớp học ảo".

Nhiều giáo viên dạy môn tích hợp kêu khó, Bộ GDĐT nói gì? - Ảnh 1.

Bộ GDĐT tổ chức Tập huấn cho cán bộ quản lý và giáo viên trên toàn quốc dạy học các bộ môn tích hợp. Ảnh: GDTĐ

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Năm học 2023-2024 là năm học thứ 3 triển khai thực hiện dạy học môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp ở cấp THCS. Thông qua báo cáo của các tỉnh, nhiều địa phương đã chủ động, linh hoạt tổ chức dạy nội dung rất tốt.

Đoàn giám sát thực hiện Nghị quyết 88 cũng đánh giá, quá trình tổ chức dạy học theo Chương trình GDPT 2018, trong đó có dạy học môn tích hợp, cơ bản đạt được những kết quả quan trọng, đáp ứng mục tiêu chương trình đề ra.

Tuy nhiên, đổi mới giáo dục nói chung, cũng như tổ chức dạy học Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp diễn ra trên phạm vi toàn quốc, số lượng trường học rất lớn. Đây lại là nội dung mới, khó; điều kiện các vùng miền, địa phương khác nhau về cơ sở vật chất, về đội ngũ giáo viên, công tác tổ chức dạy học… nên không tránh khỏi có vướng mắc, khó khăn, lúng túng.

Thứ trưởng cho biết, thời gian qua, Bộ GDĐT đã có nhiều buổi tập huấn, văn bản hướng dẫn để từng bước tổ chức tốt hoạt động dạy, học các môn học này.

So với năm học trước, năm học 2023-2024, vướng mắc, khó khăn tại các địa phương trong quá trình triển khai đã giảm đi rất nhiều, nhưng vẫn còn những ý kiến băn khoăn. Do đó, hội nghị này được tổ chức để tiếp tục xác định rõ cả thuận lợi và những khó khăn, vướng mắc; cùng trao đổi, thảo luận để thống nhất hình thức tổ chức thực hiện.

Sau khi nghe phần khai mạc của Thứ trưởng Phạm Ngọc Tưởng và phần trình bày của PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, lãnh đạo các Sở GDĐT trên cả nước đã có phần chia sẻ những khó khăn trong khi thực hiện giảng dạy các bộ môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, như tình trạng thiếu giáo viên, việc sắp xếp thời khoá biểu, thiếu thiết bị dạy học… 

Cũng qua chia sẻ của các địa phương, các đơn vị cũng biết được kinh nghiệm làm tốt, giải pháp tháo gỡ khó khăn như: Chủ động đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn với phương châm tập trung cao độ nhất cho giáo viên. Các Sở GDĐT, các trường cũng linh động, chủ động tự bồi dưỡng, liên kết các trường trong công tác bồi dưỡng…

Nhiều giáo viên dạy môn tích hợp kêu khó, Bộ GDĐT nói gì? - Ảnh 2.

Lãnh đạo, chuyên viên Phòng GDĐT, cán bộ quản lý, giáo viên quận Ba Đình, Hà Nội tham dự tại điểm cầu THCS Thành Công. Ảnh: NTCC

Chia sẻ với PV báo Dân Việt sau buổi tập huấn, thầy Nguyễn Trung Hoạch, giáo viên Sinh học tại Hệ thống trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội cho hay: "Từ khi được tập huấn về dạy học tích hợp Khoa học Tự nhiên, tôi cũng như nhiều giáo viên kỳ vọng rằng có nhiều sự tích hợp giữa các môn Khoa học Tự nhiên thành các chủ đề chung qua đó cho thấy sự thống nhất và các quan hệ mật thiết giữa Lý-Hóa-Sinh trong sự vận hành của thế giới, sự sống. Tuy nhiên, trong cuốn Khoa học Tự nhiên chưa có nhiều kiến thức tích hợp của 3 môn. Hầu hết các trường dạy Khoa học Tự nhiên nhưng thực ra không khác gì phân môn Lý, Hóa, Sinh riêng biệt như cũ, chưa thể hiện được sự tích hợp, liên môn trong đó.

Sự khó khăn, vướng mắc này đến từ việc thiếu đội ngũ giáo viên có đủ năng lực dạy được tích hợp Khoa học Tự nhiên. Việc này cũng dễ hiểu vì từ trước đến nay đội ngũ giáo viên được đào tạo là phân môn riêng lẻ. Để có thể dạy học theo chương trình GDPT 2018 là giúp phát triển năng lực học sinh thì phải đòi hỏi người giáo viên phải có sự bao quát về kiến thức Khoa học Tự nhiên. Giáo viên phải đủ sâu và rộng mới có thể giúp học sinh nhận thức được kiến thức khoa học. Mối liên hệ giữa Lý-Hóa-Sinh trong sự vận hành thế giới sống và vận dụng được các kiến thức vào giải quyết vấn đề các hiện tượng trong cuộc sống, đồng thời tạo ra được các hoạt động, dự án kết hợp giữa các môn học Khoa học Tự nhiên để tăng cường sự liên kết, ứng dụng kiến thức.

Vậy nên theo tôi việc bồi dưỡng đội ngũ giáo viên hiện tại trong đó giáo viên phải tự bồi dưỡng là điều cốt lõi. Đào tạo sinh viên sư phạm Khoa học Tự nhiên có thể đáp ứng được chất lượng dạy được Khoa học Tự nhiên là việc làm cấp thiết nhưng lại dài hạn. Tôi hy vọng nhiều năm tiếp theo, điều kỳ vọng về các chủ đề tích hợp trong môn Khoa học Tự nhiên sẽ thành hiện thực".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem