Nhập khẩu thịt lợn và phụ phẩm tăng hơn 85%, các chuyên gia đề nghị cần dựng "hàng rào" bảo vệ chăn nuôi trong nước

Trần Quang Thứ sáu, ngày 19/01/2024 14:33 PM (GMT+7)
So với cùng kỳ 11 tháng năm 2022, lượng nhập khẩu thịt lợn và đặc biệt phụ phẩm từ lợn 11 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam tăng 85,2%; phụ phẩm từ trâu tăng 56,18%; phụ phẩm bò tăng từ 25,8%... Trước diễn biến này, các chuyên gia chăn nuôi đã kiến nghị các giải pháp để hạn chế nhập khẩu, bảo vệ chăn nuôi trong nước.
Bình luận 0
Nhập khẩu thịt lợn và phụ phẩm tăng hơn 85%, các chuyên gia đề nghị cần dựng "hàng rào" bảo vệ chăn nuôi trong nước- Ảnh 1.

TS.Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

Đó là đề xuất được các đại biểu, chuyên gia đưa ra tại hội nghị tổng kết công tác hội năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 do Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 19/1. 

Tràn lan sản phẩm nhập khẩu, chăn nuôi trong nước ngày càng khốn đốn

Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, năm 2023, chăn nuôi trâu, bò khá ổn định về tổng đàn, không có biến động lớn; chăn nuôi lợn có kết quả tích cực mặc dù vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do giá lợn hơi thấp, chi phí cao cho đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học và phòng dịch, giá thức ăn chăn nuôi tuy có giảm (từ tháng 6 đến nay đã có khoảng 6 đợt giảm giá) nhưng chưa đáng kể vẫn ở mức cao; chăn nuôi gia cầm tiếp tục tăng do khu vực hộ và doanh nghiệp đều phát triển ổn định. 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng đàn lợn tính đến cuối tháng 11/2023 tăng 4,0%; đàn gia cầm tăng 3,0%; đàn bò tăng 0,6%; riêng đàn trâu giảm 1,0% so với cùng thời điểm năm 2022.

Theo ước tính của Cục Chăn nuôi: tổng đàn lợn ước 30,3 triệu con, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022; đàn trâu 2,2 triệu con, giảm 1,0%; đàn bò 6,4 triệu con tăng 1,0%; đàn gia cầm 558,6 triệu con, tăng 2,6%. Ước tính cả năm 2023, tổng sản lượng thịt hơi các loại sẽ đạt trên 7,6 triệu tấn, tăng 3,5% (trong đó thịt lợn hơi 4,68 triệu tấn; thịt gia cầm 2,24 triệu tấn; thịt trâu, bò 0,63 triệu tấn và khoảng 50 nghìn tấn thịt dê, cừu các loại)...

Dù các chỉ số, năng suất, số lượng đàn vật nuôi tăng nhưng theo TS.Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, hiệu quả sản xuất, số lượng đàn vật nuôi đều tăng trưởng nhưng người chăn nuôi, các doanh nghiệp không phấn khởi. Các chỉ tiêu đều tăng nhưng thu nhập của người chăn nuôi, của doanh nghiệp không những không tăng mà còn giảm dần.

Ông Dương cho rằng: Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như vấn đề dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là dịch tả lợn châu Phi khiến phát sinh thêm chi phí, giá thành chăn nuôi tăng cao. Trong khi đó, giá sản phẩm chăn nuôi vẫn ở mức thấp và giảm nhiều.

"Áp lực về thị trường cao, sức mua không tăng nhưng giá thành sản xuất lại tăng, nguồn cung tăng cao. Sản xuất chỉ là một vấn đề nhưng vấn đề mấu chốt là chúng ta nhập khẩu các sản phẩm vào quá nhiều. Không chỉ là nhập khẩu các sản phẩm chính ngạch như thịt gà, thịt lợn đông lạnh, trong đó nhiều là thứ phẩm như cổ cánh, chân giò... 

Vấn đề nữa là chúng ta nhập nhiều sản phẩm thịt bò, trâu, nhất là thịt của Ấn Độ. Sắp tới thuế nhập khẩu có sản phẩm còn về 0% thì áp lực còn lớn hơn nhiều lần. Chưa kể sẩn phẩm nhập lậu vào Việt Nam như gia cầm, trứng, lợn, trâu bò... quá nhiều, không thể thống kê được. 

Cộng hưởng nhiều nguyên nhân khiến chúng ta không kiểm soát được thị trường, dịch bệnh, an toàn thực phẩm... càng làm cho ngành chăn nuôi trong nước ngày càng khốn đốn, người chăn nuôi thê thảm hơn, người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng nặng", Chủ tịch Hội Chăn nuôi nêu rõ.

Nhập khẩu thịt lợn và phụ phẩm tăng hơn 85%, các chuyên gia đề nghị cần dựng "hàng rào" bảo vệ chăn nuôi trong nước- Ảnh 2.

TS.Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam kiến nghị cần xây dựng hàng rào kỹ thuật phù hợp để bảo vệ sản phẩm, người chăn nuôi trong nước.

Cần xây dựng hàng rào kỹ thuật phù hợp

So với cùng kỳ 11 tháng năm 2022, lượng nhập khẩu thịt lợn và đặc biệt phụ phẩm từ lợn 11 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam tăng 85,2%; phụ phẩm từ trâu tăng 56,18%; phụ phẩm bò tăng từ 25,8%...

Góp ý, hiến kế cho ngành chăn nuôi trong nước, TS. Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia Cầm Việt Nam cho hay: Thực tế hầu hết các nước trên thế giới, khi nhập khẩu bất cứ một sản phẩm các sản phẩm nông nghiệp, nông sản hay thịt, trứng, sữa... họ đều có các tiêu chuẩn rất khắt khe. Việt Nam chúng ta cũng có đưa ra các tiêu chuẩn nhập khẩu (các hàng rào kỹ thuật) nhưng chúng ta vẫn thiếu các hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập siêu, đặc biệt là đối với thịt gà trong những năm vừa qua.

Dẫn chứng thêm kinh nghiệm xây dựng hàng rào kỹ thuật ở Thái Lan, ông Sơn cho biết, Thái Lan áp dụng các tiêu chuẩn, hàng rào rất đơn giản nhưng lại hiệu quả cao. Đơn cử như việc nhập khẩu thịt gà, họ áp dụng tiêu chuẩn gà phải được bắt bằng tay, vì họ vận dụng quy định về đối xử nhân đạo với động vật. Thứ 2 là trong quá trình giết mổ thì công nghệ làm lạnh, các kho lạnh không được phát thải khí nhà kính. Thứ 3 là quy định xuất khẩu sang các nước đạo Hồi thì phải vật nuôi phải được cắt tiết bằng tay...

Hay nhập khẩu các sản phẩm vào thị trường châu Âu, các nước còn yêu cầu chỉ cho qua một cảng để kiểm soát nhưng tại Việt Nam chúng ta lại "thả lỏng", thoải mái cho sản phẩm nhập khẩu về các cảng.

Nhập khẩu thịt lợn và phụ phẩm tăng hơn 85%, các chuyên gia đề nghị cần dựng "hàng rào" bảo vệ chăn nuôi trong nước- Ảnh 3.

Người chăn nuôi lợn điêu đứng vì giá sản phẩm liên tục giảm, giá thành sản xuất tăng cao.

"Chúng ta cần phải nghiên cứu và áp dụng các tiêu chuẩn, hàng rào phù hợp, nghiêm ngặt hơn để hạn chế nhập siêu để bảo vệ sản phẩm, người chăn nuôi trong nước", Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia Cầm Việt Nam kiến nghị.

Ông Sơn cho rằng, để giải quyết được vấn đề này rất cần Bộ NNPTNT, Bộ KHCN và hiệp hội các ngành hàng cần ngồi lại với nhau để trao đổi, bàn thảo, góp ý để xây dựng được các hàng rào kỹ thuật phù hợp nhất để hạn chế các sản phẩm trong nước mà các nước xuất khẩu phải chấp nhận.

Cùng ý kiến với ông Sơn, Ông Đào Quang Vinh – Tổng giám đốc Vinh Anh Food khẳng định: Nếu chúng ta không sớm kiểm soát được dịch bệnh và hạn chế nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi thì người chăn nuôi trong nước, các doanh nghiệp sẽ ngày càng thua thiệt và thê thảm hơn.

"Hiện, sản phẩm làm ra trong nước bán giá thấp hơn giá thành, người chăn nuôi liên tục lỗ chồng lỗ. Nếu chúng ta vẫn để tình trạng nhập khẩu tràn lan thì bà con, doanh nghiệp sẽ rất khổ, phá sản hết", ông Vinh nói.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng kiến nghị Nhà nước cần bổ sung nội dung đất dành cho chăn nuôi vào Luật Đất đai sửa đổi; quỹ đất và các chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi vùng không được phép chăn nuôi; Cần có chính sách đặc thù cho lĩnh vực chăn nuôi, là lĩnh vực chịu nhiều tác động rủi ro trong hội nhập so với các ngành kinh tế khác, đặc biệt là hỗ trợ chăn nuôi nông hộ trong vấn đề xử lý môi trường chăn nuôi...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem