Nhà văn, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến: Đi tìm và viết về đời sống thị dân Hà Nội

Thiên Việt (thực hiện) Thứ tư, ngày 08/10/2014 07:55 AM (GMT+7)
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến đã có nhiều tác phẩm sâu sắc về Thủ đô như: “Đi ngang Hà Nội”, “Hà Nội đi dọc”, “Vòng quanh Hà Nội”… Nhân dịp kỷ niệm 60 năm giải phóng thủ đô Hà Nội, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến xuất bản tiểu thuyết “Me Tư Hồng”.
Bình luận 0

Là một nhà văn có nhiều tác phẩm khảo cứu và ghi chép về những phần còn khuất của đời sống thị dân, cơ duyên nào để ông viết về Hà Nội?

- Tôi sinh ra và lớn lên ở ngoại ô Hà Nội, vì vậy đầu tiên là viết để thể hiện tình yêu với mảnh đất mình sinh ra, lớn lên, đang sống và còn tiếp tục sống. Thứ 2 là có rất nhiều cuốn sách viết về Hà Nội của các tác giả châu Âu, nhất là người Pháp (họ viết chủ yếu từ thế kỷ XVI đến 1954), tuy nhiên theo quan điểm của cá nhân tôi, qua các sách đó chúng ta có thể biết rất rõ về thời kỳ cách mạng, thời kỳ chiến tranh nhưng về đời sống thị dân thì vẫn còn rất ít, thiếu thân phận con người cụ thể và có tên đích xác... Điều đó khiến tôi quyết định đi tìm, lục lọi báo cũ, các cuốn sách đã xuất bản và ký ức bản thân, rồi viết. Tôi muốn viết về đời sống của các thị dân Hà Nội.

Nội dung cuốn “Me Tư Hồng” được đánh giá khắc họa khá đầy đủ với bối cảnh của một xã hội cuối thế kỷ 19. Ông muốn nói rõ thêm gì về nội dung tiểu thuyết?

- “Me Tư Hồng” là tiểu thuyết dựa vào cuộc đời cô Tư Hồng- một người phụ nữ xinh đẹp xuất thân từ nông thôn lấy chồng Việt Nam, chồng Tàu và chồng Tây. Cô Tư Hồng nổi danh nhờ vượt qua các nhà thầu Tây, Tàu trúng thầu phá tường thành Hà Nội năm 1894. Cô là người đàn bà Việt Nam đầu tiên mở công ty ở xứ Bắc Kỳ cuối thế kỷ XIX, cũng là người đầu tiên mắc điện thoại vào năm 1899. Làm ăn thành công, cô còn giúp đỡ nguời nghèo, nhưng hơn tất cả chính là nghị lực và quyết tâm vượt lên tất cả định kiến Nho giáo, điều mà rất ít phụ nữ thời đó dám làm. Trong chuyện, cô Tư Hồng hiện lên với những tính cách xấu, tốt, những niềm vui nỗi buồn như bất kỳ một người đàn bà bình thường nào.

Nhân bàn về cuốn tiểu thuyết, về cô Tư Hồng, là người Hà Nội gốc và nhiều năm nghiên cứu về lối sống Hà Nội, theo ông những tính cách gì của “người Tràng An” đang còn và cần duy trì sau những biến thiên lịch sử nghìn năm của thủ đô?

- Theo tôi dù không còn lấp lánh, là chuẩn của một thời và hiện bị chìm xuống, bị không ít người nghi ngờ nhưng người Hà Nội vẫn còn đức tính khoáng đạt, can trường, hào hoa và tế nhị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem