Trắng tay vì mua chịu phân, giống trồng ngô

Lê San Thứ sáu, ngày 25/07/2014 10:41 AM (GMT+7)
Vào đầu vụ trồng ngô, nhiều hộ gia đình ở xã Phiêng Khoài (huyện Yên Châu, Sơn La) thường mua chịu giống và phân bón của các tiểu thương (chủ lò sấy thu mua ngô) với lãi suất cao (1,5-2%/tháng). 
Bình luận 0

Đến lúc thu hoạch, tiểu thương thường đến tận nhà dân vừa mua ngô, vừa trừ nợ. Do đó, sau khi trừ giống, phân bón, tiền thuê bẻ ngô, nhiều nhất một gia đình cũng chỉ thu về 30% số tiền ngô bán được, thậm chí có hộ trắng tay.

Ông Vi Văn Vàu - Bí thư chi bộ bản Tà Ẻn (Phiêng Khoài) kể: “Bản Tà Ẻn có 106 hộ thì có tới 73 hộ nghèo. Mà tới 80% hộ nghèo là do đi vay mượn vốn, giống từ bên ngoài, rồi nợ từ năm này kéo sang năm khác”.

Trong ngôi nhà lụp xụp, chẳng có gì đáng giá, chị Vi Thị Hoàng ở bản Tà Ẻn cho biết: “Vợ chồng tôi mới ra ở riêng 2 năm, chẳng có nhiều đất sản xuất. Với gần 5.000m2 đất, nhà tôi cũng chỉ trồng được 10kg giống ngô. Như năm ngoái thời tiết xấu, đất kém nên chúng tôi cũng chỉ thu được hơn 2,3 tấn. Bán đi cũng chỉ đủ để trừ nợ tiền phân, tiền giống đã vay tư thương trước đó với lãi suất 1,5%. Năm ngoái chúng tôi còn vay mượn 10 triệu đồng để sinh cháu đầu lòng, năm nay lại tiếp tục vay 20 triệu để trồng ngô”.

Trường hợp của chị Vì Thị Hoáng cùng ở bản Tà Ẻn, còn khó khăn vất vả hơn. Có thâm niên 10 năm trồng ngô nhưng gia đình chị vẫn phải ở trong ngôi nhà tạm trống huơ, trống hoác. Chồng chị bị bệnh, không đủ sức lao động. Con trai đi học. Mình chị xoay xở vừa chăm chồng, vừa trồng ngô kiếm tiền. Đầu tắt mặt tối nhưng chẳng năm nào dư dả ra đồng nào.

Tất cả là vì làm ngô không có vốn, phải ứng trước ngô giống, phân bón. Mỗi vụ thu hoạch ngô, gia đình chị thu đến đâu bán trả nợ đến đó là vừa hết. Cứ thế năm này qua năm khác gia đình chị trong vòng nợ nần luẩn quẩn.

“Năm nay nhà mình cũng nợ 20 triệu tiền phân, giống. Cộng thêm nợ cũ 15 triệu nữa, tổng cộng là 35 triệu. Năm nay ngô có được mùa thì nhà mình cũng chẳng thể nào trả hết nợ được, chứ nói chi dư ra đồng nào”- chị Hoáng tâm sự.

Xã Phiêng Khoài có hơn 2.568 hộ với hơn 10 nghìn nhân khẩu chủ yếu sống nhờ vào 2.800ha ngô. Ông Phan Văn Tình - Chủ tịch xã Phiêng Khoài cho biết: Tuy sản lượng ngô liên tục tăng, nhưng vì vòng luẩn quẩn “cắm trước, trả sau” năm này qua năm khác nên đời sống của bà con trồng ngô không khá lên được. Đến nay xã vẫn còn 38% hộ nghèo.

“Chúng tôi đã tổ chức tuyên truyền cho bà con về các hình thức vay vốn của ngân hàng chính sách, vốn ưu đãi của Ngân hàng NNPTNT nhưng một phần vì nhận thức còn kém, ngại làm các thủ tục giấy tờ để vay vốn. Trong khi vay tư thương chỉ cần biết mặt, điểm tên là xong thủ tục rồi. Bà con đã quen vay vốn như thế, hai bên tự thoả thuận với nhau, chúng tôi muốn can thiệp cũng không được” – ông Tình giải thích.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem