Lãng phí nguồn phụ phẩm ca cao

Thuận Hải Thứ tư, ngày 26/11/2014 17:36 PM (GMT+7)
Các phụ phẩm từ trái ca cao như cơm nhầy, vỏ trái… chiếm đến 60% sản lượng ca cao cả nước chưa được chế biến, sử dụng, gây lãng phí rất lớn trong ngành ca cao hiện nay.
Bình luận 0

Theo bà Lê Thị Phi Vân – Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard), cho biết, phần cơm nhầy trong của trái ca cao chứa rất nhiều chất dinh dưỡng, phù hợp làm thức ăn cho người. Cơm nhầy trái ca cao do đó có thể sử dụng để chế biến thành các sản phẩm giải khát hoặc lên men rượu, rất tốt cho tiêu hóa của người sử dụng.

Ngoài ra, phần vỏ trái ca cao cũng có thể sử dụng để làm phân bón hữu cơ hoặc các chế phẩm cải tạo đất, rất tốt cho đất và cây trồng. Tuy nhiên, các ứng dụng này của phụ phẩm trái ca cao ở Việt Nam hiện nay toàn hoàn chưa tận dụng được. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, chế biến ca cao cũng còn hạn chế.

Còn theo Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu, vỏ trái ca cao chiếm trọng lượng tới 60% trọng lượng trái nên năng suất của loại phụ phẩm này rất lớn, từ 5,4 - 8,1 tấn/ha/năm.

Hiện nay, sau khi thu hoạch lấy hạt để chế biến thì phần vỏ trái này một phần nhỏ được đem phơi khô để đốt, phần lớn còn lại bị vứt đổ xuống sông, hoặc vứt trở lại gốc cây ca cao cho phân hủy tự nhiên. Tuy nhiên, thời gian phân hủy vỏ trái thường kéo dài đến 8 tháng nên việc vứt bỏ vỏ ra vườn trở thành nguồn gây ô nhiễm môi trường rất lớn.

Ông Lê Đức Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) thì cho rằng, việc phát triển diện tích vùng trồng ca cao được ngành trồng trọt chú trọng nhiều trong những năm qua. Tuy nhiên, sử dụng hiệu quả ca cao và các sản phẩm ca cao cũng như các sản phẩm mới chế biến từ ca cao là 1 trong 5 đề tài Việt Nam ít nghiên cứu hơn so với thế giới, nguyên nhân là thiếu cả đội ngũ nghiên cứu cũng như các kiến thức cơ bản về ca cao.

Để giải quyết vấn đề này, ông Thịnh cho rằng, việc ngành nông nghiệp cử một vài người đi làm tiến sĩ ở nước ngoài là chưa đủ, thay vào đó, nên tạo điều kiện để các nhà khoa học quốc tế thường xuyên đến trao đổi kinh nghiệm, học thuật với nhà khoa học trong nước, xây dựng một lực lượng chuyên nghiên cứu cây ca cao nòng cốt.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem