Giúp ND mua trả chậm 5.000 tấn phân bón/năm

Nghiêm Liên Thứ năm, ngày 10/09/2015 07:30 AM (GMT+7)
Để tạo điều kiện cho bà nông dân (ND) mua và giám sát chất lượng phân bón, những năm qua Hội ND tỉnh Hải Dương đã tích cực phối hợp doanh nghiệp thực hiện chương trình hỗ trợ phân bón trả chậm cho ND ở các vùng trong địa bàn tỉnh.
Bình luận 0

Hội tín chấp, ND sử dụng

Chương trình hỗ trợ phân bón trả chậm cho ND do Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND (thuộc Hội ND tỉnh Hải Dương) phối hợp Hội ND cấp huyện, xã trên địa bàn tổ chức thực hiện. Theo đó, mỗi mùa vụ, Hội ND đứng ra tín chấp mua phân bón cho ND theo hình thức thanh toán trả chậm, nông dân sẽ được cung cấp đủ lượng phân bón cho cây trồng nhưng chưa phải thanh toán tiền ngay từ đầu vụ, mà sẽ trả sau 6 tháng (sau khi thu hoạch nông sản).

img

Cán bộ kĩ thuật của Lâm Thao trao đổi về chương trình hỗ trợ phân bón trả chậm cùng cán bộ Hội Nông dân các câp tỉnh Hải Dương, tại trụ sở UBND xã Thanh Xuân, huyện Thanh Hà. Hải Dương. Ảnh: N.L

Ông Đặng Quang Hưng  - Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND cho biết: “Hàng năm, Tỉnh hội cùng Hội ND các cấp đứng ra tín chấp mua 5.000 tấn phân bón trả chậm cho ND. Bên cạnh đó, chúng tôi còn phối hợp chặt chẽ với Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cùng nhà phân phối tổ chức các mô hình trình diễn thí điểm tại nhiều địa phương trong tỉnh nhằm thực nghiệm, so sánh hiệu quả sử dụng phân lân Lâm Thao so với các loại lân đơn mà bà con vẫn hay dùng, đồng thời hướng dẫn bà con quy trình kỹ thuật và cách bón phân đúng, hiệu quả”.

Cũng theo ông Hưng, trung tâm đã phối hợp doanh nghiệp và nhà phân phối thực hiện thành công nhiều mô hình. Trong đó phải kể đến mô hình trồng lúa tại các xã như: Xã Đồng Lạc (huyện Nam Sách, Hải Dương), xã Văn Tố (huyện Tứ Kỳ, Hải Dương), xã Quang Minh (huyện Gia Lộc, Hải Dương); mô hình trồng chuối, trồng ổi tại các xã: Phượng Hoàng, Thanh Khê, Thanh Xuân (huyện Thanh Hà, Hải Dương)…

Ông Hưng cho biết, chương trình tín chấp hỗ trợ phân bón trả chậm cho ND thường không có yêu cầu, điều kiện khắt khe đối với người tham gia mua phân bón. Thông thường, Hội ND các cấp đứng ra tín chấp mua phân bón trả chậm rồi phân phối cho những hội viên có nhu cầu. Sau đó, Hội  có trách nhiệm đứng ra tổ chức và thu hồi vốn khi đã hết thời hạn 6 tháng.

“Điều này có ý nghĩa rất lớn với bà con cũng như với doanh nghiệp và các cấp Hội của chúng tôi– ông Hưng chia sẻ. Với bà con, được dùng phân bón thật, an toàn, đảm bảo về chất lượng và hiệu quả để họ an tâm và tin tưởng hơn vào sản phẩm. Việc chậm trả giúp bà con có điều kiện canh tác tốt, kiểm định được chất lượng phân bón trước khi thanh toán, khi thu hoạch mới phải thanh toán đã giúp bà con khắc phục được khó khăn trước mắt, đặc biệt là với những gia đình khó khăn, có thêm động lực để họ an tâm sản xuất. Việc các cấp hội tham gia kết hợp doanh nghiệp mang sản phẩm về với bà con ND sẽ góp phần bình ổn giá cả, tránh sự biến động liên tục của thị trường”.

Nhà phân phối có vai trò quan trọng

 "Việc chậm trả giúp bà con có điều kiện canh tác tốt, kiểm định được chất lượng phân bón trước khi thanh toán, khi thu hoạch mới phải thanh toán đã giúp bà con khắc phục được khó khăn trước mắt, đặc biệt là với những gia đình khó khăn, có thêm động lực để họ an tâm sản xuất”. 
Ông Đặng Quang Hưng

Nói đến thành công của chương trình hỗ trợ phân bón trả chậm cho ND và  những mô hình trình diễn, không thể không kể đến vai trò của Công ty cổ phần Thương mại tổng hợp Quang Minh (xã Quang Minh, Gia Lộc, Hải Dương) - nhà phân phối sản phẩm phân bón của Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao.

Ông Đặng Quang Hưng chia sẻ: “Khi bắt tay vào làm chương trình hỗ trợ này, phía chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền với bà con. Tuy nhiên, chúng tôi không phải làm một mình, mà nhận được sự giúp đỡ rất nhiệt tình từ phía nhà sản xuất và nhà phân phối về công tác tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật”.

Gặp gỡ và trao đổi với ông Nguyễn Công Lâm - Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại tổng hợp Quang Minh, chúng tôi được biết, mỗi tháng, công ty này phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND tỉnh Hải Dương tổ chức khoảng 20 hội nghị chuyển giao khoa học kĩ thuật cho bà con ở các vùng trong tỉnh, đồng thời tiến hành thực hiện nhiều mô hình trình diễn với nhiều loại cây trồng tại nhiều địa phương.

Mới đây, Quang Minh phối hợp Viện Cây lương thực và cây thực phẩm thực hiện thành công mô hình lúa Nhật xuất khẩu tại xã Quang Minh, huyện Gia Lộc, Hải Dương (với diện tích 30ha), và tại xã Tân Trào, huyện Thanh Miện, Hải Dương (với diện tích 20ha). Trong đó, công ty của ông Lâm đóng vai trò vừa cung cấp phân bón, vừa thu mua nông sản của ND.

Khi được hỏi về giá cả của phân bón bán trả chậm so với phân bón bán trực tiếp có chênh lệch nhiều không, ông Lâm khẳng định: “Dù là chương trình bán trả chậm nhưng giá phân bón luôn là giá tốt nhất, giá đúng nhất cho bà con. Không có chuyện chúng tôi đội giá lên vì lợi nhuận, thậm chí, đôi khi công ty còn chịu lỗ một phần nhỏ trong chương trình này”. Đó là những thời điểm khi giá phân bón có sự biến động, khi làm hợp đồng bán cho dân là một giá, khi thanh toán hợp đồng (sau 6 tháng) lại có một giá khác, công ty chấp nhận bù lỗ để bà con an tâm sản xuất.

“Tôi vốn sinh ra là ND, vốn tâm huyết với nghề trồng cấy, tôi luôn muốn bà con – những người hàng xóm, người bạn của tôi sẽ được dùng những sản phẩm tốt nhất, hiệu quả và tiết kiệm nhất”- ông Lâm chia sẻ.

Ông Lâm cho biết thêm, Chương trình hỗ trợ phân bón trả chậm cho ND và các mô hình trình diễn chủ yếu là để bà con thực nghiệm, trực tiếp kiểm chứng chất lượng của phân bón Lâm Thao, vì thế, nhà phân phối sẽ cùng nỗ lực tuyên truyền cho bà con hiểu về tầm quan trọng, lợi ích của việc sử dụng phân bón đúng, hiệu quả cho cây trồng và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con. Theo ông Lâm, bà con ND vốn ít có điều kiện, phương tiện để tiếp cận với nhiều nguồn thông tin, hiểu biết của họ chưa thật sự rộng nên cần có sự hướng dẫn về công nghệ, kỹ thuật để việc sản xuất đạt hiệu quả cao hơn. 

Một cách để ND dùng thử và kiểm chứng

“Làm việc với ND là làm dâu trăm họ, khó lắm. Dân mình thường có  tâm lý cứ sản phẩm đắt hơn là chất lượng tốt hơn. Mặc dù có thể giá phân bón họ đang dùng đắt hơn loại phân bón chúng tôi cung cấp, nhưng lượng dinh dưỡng cung cấp cho cây ở 2 loại phân bón hoàn toàn giống nhau. Thế nên cần phải để tự dân kiểm chứng họ mới hiểu và tin dùng sản phầm mà mình mang đến. Vì sản phẩm chất lượng tốt, hiệu quả cao nên chúng tôi bán trả chậm cũng là để cho ND “dùng thử” và tự kiểm chứng, sau vụ mùa mới phải thanh toán tiền. Tôi tin rằng cứ cố gắng hết mình thì đến một ngày nào đó, mọi người sẽ hiểu được những nỗ lực của mình”.

Ông Nguyễn Công Lâm - Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại tổng hợp Quang Minh 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem