Bỏ làm kỹ sư về quê... trồng lan

Nguyễn Hữu Thứ bảy, ngày 12/07/2014 09:35 AM (GMT+7)
Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông nên từ nhỏ nghề nông dường như đã ngấm vào da thịt kỹ sư Lê Đình Dũng (SN 1972 ở ấp Cây Trôm, xã Hiệp Phước, huyện Củ Chi, TP.HCM). 
Bình luận 0

Cũng chính vì vậy khi lớn lên đi học, đi làm rồi có điều kiện đi đây đó, gặp những vườn lan đẹp, anh luôn ấp ủ giấc mơ xây dựng cho mình một vườn lan tại quê nhà. Thế rồi đến năm 2007 trong lúc đang làm nhân viên chăm sóc thị trường miền Tây Nam Bộ cho một trung tâm điện máy tại TP.HCM với mức thu nhập khá, kỹ sư Lê Đình Dũng quyết định xin nghỉ về nhà trồng lan trong sự ngỡ ngàng của người thân, bạn bè.

Anh Dũng kể ban đầu chỉ trồng 200 gốc lan trên diện tích 100m2 đất để thử nghiệm. Do mới vào nghề nên anh phải vừa làm vừa học, thường xuyên tham gia các lớp tập huấn về nông nghiệp, nhất là kỹ thuật trồng lan do Hội Nông dân tổ chức. Bên cạnh đó anh cũng tìm mua sách, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật trồng lan đồng thời cập nhật liên tục các kỹ thuật mới trên Internet. Cũng nhờ vậy mà anh có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng lan, và hầu như không gặp nhiều khó khăn. Sau 6 tháng, vườn lan gia đình đã cho ra bông lứa đầu.

Khởi đầu thuận lợi giúp anh có thêm động lực để mở rộng vườn lan gia đình. Dần dần 5.000m2 đất vườn của gia đình đã được anh mạnh dạn đầu tư trồng hết lan với các loại như: Mokara, Ren red, Dendro, Vũ nữ… Giờ đây mỗi tháng vườn lan gia đình anh xuất ra hàng chục ngàn cành, trừ chi phí mang về lợi nhuận trên 40 triệu đồng/tháng.

Nhờ đam mê với cây lan cùng tinh thần chịu khó học tập nên kỹ sư – nông dân Lê Đình Dũng được xem là một trong những người trồng lan giỏi tại địa phương. Nghề trồng lan cũng mang lại cho gia đình anh cuộc sống khá giả, còn bản thân anh đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi cấp thành phố trong nhiều năm liền.

Không chỉ biết làm giàu cho mình, anh Dũng còn thường xuyên hỗ trợ kỹ thuật cho những người trồng lan tại địa phương. Vườn lan nhà anh thường xuyên trở thành điểm đến để các nông dân đến trao đổi học tập kinh nghiệm, cùng nhau phát triển sản xuất. Bên cạnh đó anh Dũng còn hỗ trợ cây giống cho các hộ trồng lan tại địa phương và khu vực lân cận.

Bởi theo anh nghề trồng lan khâu quan trọng nhất là chọn giống và xử lý môi trường. Để có vườn lan tốt thì người trồng phải giữ vườn lan luôn sạch sẽ, hệ thống tưới tiêu đầy đủ và giăng lưới bao che bảo vệ. Còn để ngăn ngừa nấm mốc phát triển thì phải phun thuốc chống nấm định kỳ. Bên cạnh đó mật độ trồng lan trong vườn cũng không được quá dày để lan được phát triển tốt.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem