Người nuôi dúi, người nuôi ốc bươu đen, ba anh thanh niên Bình Phước làm giàu không khó

Thứ hai, ngày 06/11/2023 18:39 PM (GMT+7)
Không ngại khó khăn, thử thách, với sức trẻ cùng đam mê, khát khao lập thân, lập nghiệp, nhiều thanh niên ở Bình Phước đã mạnh dạn phát triển kinh tế từ mô hình sản xuất nông nghiệp và thành công.
Bình luận 0

 Trong đó, mô hình nuôi dúi sinh sản kết hợp nuôi gà, dê của 2 thanh niên Nguyễn Trung Thành (SN1990), Nguyễn Thế Tâm (SN1996) và mô hình nuôi ốc bươu đen của Cao Đình Chúc (SN1991) cùng ngụ xã Long Hà, huyện Phú Riềng là những điển hình như thế.

7 năm trước, qua tìm hiểu, thấy dúi là động vật dễ nuôi, thức ăn dễ tìm, giá trị kinh tế cao nên 2 anh Thành và Tâm ở thôn 4, xã Long Hà chung vốn khởi nghiệp với mô hình nuôi dúi sinh sản. Ban đầu, 2 anh mua 10 cặp dúi giống về nuôi thử, tuy nhiên do chưa có kinh nghiệm và mua phải giống không chất lượng nên dúi bị bệnh và chết. 2 anh tiếp tục mua thêm 10 cặp khác về nuôi nhưng cũng không thành công. 

Anh Tâm chia sẻ: “2 lần nuôi dúi đầu do chưa có kinh nghiệm nên gặp nhiều khó khăn, dúi mắc bệnh và chết. Thất bại, mất vốn nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm làm lại từ đầu. Tôi và Thành thường xuyên lên mạng tìm hiểu về kỹ thuật nuôi, các biện pháp phòng bệnh và đến một số mô hình nuôi dúi trên địa bàn tỉnh, cả một số tỉnh ở miền Tây tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Tới lần thứ ba, chúng tôi mới nuôi thành công, dúi bắt đầu sinh sản”.

Người nuôi dúi, người nuôi ốc bươu đen, ba anh thanh niên Bình Phước làm giàu không khó - Ảnh 1.

Mô hình nuôi dúi, gà và dê của anh Nguyễn Trung Thành và anh Nguyễn Thế Tâm (xã Long Hà, Phú Riềng, Bình Phước) mở ra hướng đi mới cho thanh niên đam mê khởi nghiệp từ nông nghiệp.

Theo anh Tâm, chuồng nuôi dúi nên chọn khu vực yên tĩnh, ít tiếng động, hạn chế ánh sáng trực tiếp chiếu vào, thoáng mát và sạch sẽ. Thức ăn phải sạch và an toàn vì dúi dễ mắc bệnh đường ruột rất khó chữa; nguồn thức ăn cho dúi sẵn có, việc nuôi dúi không mất nhiều thời gian chăm sóc. Từ 10 cặp giống ban đầu, nay 2 anh đã nhân lên gần 150 cặp dúi sinh sản. Mỗi năm dúi mẹ sinh sản 3 lứa, mỗi lứa từ 2-4 con, sau khoảng 3 tháng là có thể xuất bán con giống.

Thành công từ mô hình nuôi dúi, 2 anh Thành, Tâm đầu tư thêm nuôi gà. Gà được các anh chọn nuôi là giống gà ta Bình Định, gà nòi Bến Tre và được nuôi theo hình thức vừa nuôi nhốt, kết hợp nuôi thả dưới tán điều. Nhờ vậy, gà vận động nhiều, ít bệnh, thịt săn chắc, thơm ngon, thương lái thích mua nên bán được giá cao. Mỗi lứa gà nuôi từ 3,5-4 tháng là có thể xuất bán.

“Để gà khỏe mạnh, lớn nhanh, ít dịch bệnh cần thực hiện nghiêm từ khâu chọn giống, xử lý chuồng trại cũng như phòng bệnh. Gà phải cho ăn đầy đủ và phù hợp từng giai đoạn sinh trưởng, nước uống đảm bảo sạch thì gà mới lớn nhanh và ít bị bệnh. Hiện nay, giá thức ăn công nghiệp tăng cao làm đội giá thành chăn nuôi, vì thế tôi đã học kỹ thuật ủ men vi sinh để chế biến thức ăn cho gà. Tôi tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào sẵn có tại địa phương như bã đậu, bắp, cá tạp, cỏ… rồi trộn với men và tỏi để giảm giá thành thức ăn, cũng như tăng đề kháng cho gà” - anh Thành cho biết.

Người nuôi dúi, người nuôi ốc bươu đen, ba anh thanh niên Bình Phước làm giàu không khó - Ảnh 2.

Ngoài năng động trong phát triển kinh tế, anh Cao Đình Chúc (bìa trái) còn là Phó Bí thư Chi đoàn thôn 4 năng nổ, nhiệt tình, luôn hết mình với các hoạt động của Đoàn.

Nhận thấy ốc bươu đen là món ăn nhiều dinh dưỡng, được người dân ưa chuộng, có giá trị kinh tế cao, anh Cao Đình Chúc, Phó Bí thư Chi đoàn thôn 4, xã Long Hà đã tận dụng diện tích ao sẵn có của gia đình để nuôi loài ốc này. 

Những ngày đầu khởi nghiệp, do thiếu kinh nghiệm nên ốc chết hàng loạt. Không nản chí, anh dành nhiều thời gian tìm hiểu thực tế tại các mô hình nuôi ốc bươu đen hiệu quả để học hỏi kinh nghiệm và tiếp tục mua thêm con giống về nuôi. Trong những lần nuôi tiếp theo, nhờ nắm vững kỹ thuật nên ốc phát triển và sinh trưởng tốt.

Anh Chúc cho biết: Trong quá trình nuôi, tôi gặp khó khăn do chưa chủ động được độ pH của nước, dẫn tới ốc chết hàng loạt. Ốc rất nhạy cảm với sự thay đổi độ pH trong nước, khi đó ốc sẽ leo lên thành lưới, nằm luôn không xuống và chết trên đó. Vì vậy, phải kiểm soát độ pH tốt, nhất là khi trời mưa xong thì phải lấy nước vôi pha loãng tạt đều xuống ao nuôi để ổn định độ pH trong nước. Đặc biệt không được phun thuốc bảo vệ thực vật quanh ao nuôi.

Theo anh Chúc, ốc bươu đen là loài dễ nuôi, không tốn tiền mua thức ăn vì có sẵn trong tự nhiên và khá đa dạng như bèo, rau, cỏ, củ, quả. Ốc bươu đen là loài ưa sạch sẽ, chỉ sống trong môi trường nước sạch, không ô nhiễm, nếu không phòng tránh tốt sẽ rất dễ nhiễm bệnh. 

Chi phí nuôi ốc thấp, chỉ hơn 500.000 đồng mua lưới, còn tre sẵn có được anh chặt về làm lồng nuôi. Mỗi lồng có diện tích 18m2, anh Chúc nuôi 20.000 con ốc thương phẩm. Ốc nuôi từ nhỏ đến lúc xuất bán khoảng 4 tháng, có trọng lượng 25-30 con/kg, giá thị trường từ 70.000 - 80.000 đồng/kg và được người tiêu dùng ưa chuộng.

Ngoài nuôi thương phẩm, anh còn tìm cách cho ốc tự sinh sản. Ốc khi đến tuổi trưởng thành sẽ bắt đầu sinh sản, khoảng từ khi nuôi đến tháng thứ 6; ốc sinh sản trong vòng 4 tháng, từ tháng 4 tới tháng 8. Ốc bố mẹ được anh chọn từ ốc thương phẩm khỏe mạnh. 

Hiện anh Chúc có 8 lồng nuôi ốc, trong đó có 3 lồng đang nuôi sinh sản. Ngoài nuôi ốc thương phẩm, anh còn học hỏi và nuôi thử nghiệm thành công 700 con ếch thương phẩm. Thời gian tới, anh sẽ mở rộng diện tích để nuôi thêm.

Để khởi nghiệp thành công thì ngoài đam mê còn cần có nghị lực, ý chí và khát vọng vươn lên, đặc biệt dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, bởi khởi nghiệp từ nông nghiệp chưa bao giờ dễ dàng. Những người như anh Chúc, anh Thành và anh Tâm đã mở ra hướng phát triển mới cho nông nghiệp nông thôn và tinh thần, sức trẻ trên quê hương Bình Phước.

Vũ Nguyện (Báo Bình Phước)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem