Người nhân rộng nghề cơ khí khắp miền Bắc

Thứ ba, ngày 27/03/2012 11:28 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Là chủ một xưởng cơ khí, anh Lý Văn Mạnh ở xã Thanh Thùy (Thanh Oai, Hà Nội) đã tổ chức dạy nghề cho hàng trăm lao động, góp phần nhân rộng nghề ra khắp miền Bắc.
Bình luận 0

Người phát triển nghề

Anh Lý Văn Mạnh sinh ra trong một gia đình thuần nông, quanh năm chỉ biết đến đồng ruộng. Năm 1999, Mạnh nghỉ học để vừa học nghề vừa kiếm việc làm, khi vừa tròn 16 tuổi. Ròng rã hơn 2 năm học nghề, đôi tay anh đã sửa chữa và làm được những dụng cụ cho phụ kiện nhà tắm, bếp gas… Nhờ nghiêm túc học nghề cơ khí từ các nghệ nhân và chịu khó tìm hiểu thị trường, Mạnh đã đứng ra thành lập một xưởng cơ khí.

img
Thợ học việc tại xưởng cơ khí của anh Lý Văn Mạnh.

Anh Mạnh nhớ lại: “Năm 2001, tôi đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để mở xưởng sản xuất. Làm được một thời gian nhận thấy nhu cầu tiêu thụ sản phẩm cho các phụ kiện như nhà tắm, bếp gas, ôtô… của người dân ngày càng cao nên tôi thuê thêm nhân công, mở rộng xưởng”.

Trải qua những năm tháng vất vả, xưởng của anh ngày một phát triển. Đến nay xưởng sản xuất kim khí mỗi năm đem về cho anh khoảng 5 – 7 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 35 công nhân với mức lương 3 triệu đồng/người/tháng. Xưởng của anh Mạnh cùng với gần 100 xưởng cơ khí khác ở xã đã hình thành nên làng nghề cơ kim khí, thu hút gần 2.000 lao động từ các xã lân cận và lao động vùng núi về làm việc. Và lúc này, bài toán đào tạo cho lao động được đặt ra.

Cần nhiều liên kết

Xưởng của anh Mạnh cũng như các xưởng khác ở thôn Rùa Hạ cũng đang thu hút nhiều lao động miền núi. Tới thăm xưởng của anh, chúng tôi gặp Khà Văn Toài- quê xã Nà Phòn, huyện Mai Châu, Hòa Bình đang học nghề tại phân xưởng. Toài cho biết: “Ở quê em, thanh niên không muốn học nghề hay ngại bỏ thời gian dài để học nghề, nhiều bạn có tư tưởng làm ngày nào tiêu xài ngày ấy. Được bạn bè giới thiệu em xuống đây vừa được học nghề, vừa có lương, được chu cấp tiền ăn, chỗ ở… Em sẽ cố gắng học lấy cái nghề. Nếu không làm ở đây, em sẽ về quê lập nghiệp”.

"Điều tôi luôn tự nhắc mình và học trò là phải học hỏi bạn nghề, bạn hàng và những người có kinh nghiệm đi trước”.

Tuy nhiên, nhìn từ góc độ sản xuất, anh Mạnh cũng thừa nhận lao động cần phải được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. “Lao động tới đây hầu hết chưa được đào tạo nghề mà chỉ mách nhau cùng đi làm, tới xưởng, các em lại mất một thời gian ngắn học việc rồi mới đi vào sản xuất. Học tại xưởng, các em không hiểu được nguyên lý chung về máy móc, về an toàn lao động mà chỉ làm kiểu tay quen nên rủi ro khá cao. Do vậy các doanh nghiệp như chúng tôi rất cần sự liên kết với các trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm để có lao động “tinh” hơn”- anh Mạnh chia sẻ.

Thực tế, là người làm nghề, anh Mạnh hoàn toàn có thể “cầm tay chỉ việc” cho lao động. Tuy nhiên, anh lại có quan điểm khác: “Cái khó là nghề kim khí là làm gia công từng sản phẩm, chúng tôi chỉ có thể dạy theo cách đó, không theo giáo trình, giáo án nào. Bản thân tôi cũng cho rằng, việc tổ chức học nghề cho làng nghề phải bắt đầu từ chính các nghệ nhân, thợ cả để họ có kiến thức dạy nghề một cách bài bản”.

Cũng theo anh Mạnh, thời gian tới anh sẽ xúc tiến mở rộng quy mô phân xưởng, đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị và như vậy sẽ còn cần rất nhiều nhân công. “Chúng tôi mong được hợp tác với các cơ sở dạy nghề để đào tạo và nhận lao động vào làm việc”- anh Mạnh chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem