Đêm giá buốt của người nhà bệnh nhân vạ vật hành lang bệnh viện, "màn trời chiếu đất"

Gia Khiêm Thứ ba, ngày 23/01/2024 09:30 AM (GMT+7)
Khuya 22, rạng sáng ngày 23/1, Hà Nội bắt đầu lạnh sâu, nhiệt độ ở mức 7-8 độ C nhưng với những người nhà bệnh nhân họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc lang thang ở hành lang bệnh viện. Có người trong cảnh "màn trời chiếu đất", co ro trong cái lạnh cắt da thịt.
Bình luận 0

Đêm dài vạ vật bên hành lang bệnh viện giữa "màn trời chiếu đất" trong giá lạnh 8 độ C

Đêm 22/1, sau cơn mưa trong ngày, từng đợt gió mạnh mang theo cái lạnh tê tái cứ thế thốc thẳng vào từng ngõ ngách đường phố Hà Nội. Tại khu vực Bệnh viện Bạch Mai, nơi mỗi ngày tiếp nhận hàng nghìn bệnh nhân đến cấp cứu, ai nấy mới thấu cảnh "khổ như có người nhà nằm viện".

Đêm giá buốt của người nhà bệnh nhân vạ vật hành lang bệnh viện, "màn trời chiếu đất"- Ảnh 1.

Khuya 22, rạng sáng ngày 23/1, nhiều người nhà bệnh nhân lang thang ở hành lang Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Gia Khiêm

Đêm giá buốt của người nhà bệnh nhân vạ vật hành lang bệnh viện, "màn trời chiếu đất"- Ảnh 2.

Mọi người đứng dưới đèn sưởi để xua đi cái lạnh buốt. Ảnh: Gia Khiêm

23h đêm, nhiệt độ tại Hà Nội giảm sâu, có thời điểm chỉ 7 độ C, lạnh đến buốt ruột gan. Thế nhưng, hàng chục người nhà bệnh nhân tại khu vực Trung tâm Cấp cứu và Đột qụy bệnh viện Bạch Mai vẫn phải ngủ dưới nền nhà, ghế đá hay quanh các lối đi của bệnh viện.

Tại đây, các bệnh nhân ở Trung tâm Cấp cứu được điều trị, theo dõi đặc biệt nên người nhà phải túc trực 24/24 ở bên ngoài. Chỗ ngủ tạm nằm giữa hai khối nhà, gió lạnh thổi hun hút khiến cái rét càng trở nên tê tái.

Đêm giá buốt của người nhà bệnh nhân vạ vật hành lang bệnh viện, "màn trời chiếu đất"- Ảnh 3.

Nhiều người ngủ trong cảnh màn trời chiếu đất. Ảnh: Gia Khiêm

Những người này hầu hết đều đến từ các tỉnh, vì muốn tiết kiệm tiền nên họ chấp nhận cảnh màn trời chiếu đất. Chăn, chiếu được người nhà mang theo khi đến viện. Tại khu vực người thân bệnh nhân nằm ngủ, Bệnh viện Bạch Mai đã dựng máy sưởi để hỗ trợ người nhà bệnh nhân. Thế nhưng trong cái rét ấy ai chứng kiến mới thấm cái khổ cực những ngày giá rét này.

Nằm co ro ở hành lang, anh Nguyễn Văn Hùng (quê Thanh Hoá) cho biết, đã ở Bệnh viện Bạch Mai khoảng 3 ngày nay để trông người thân. Đúng vào dịp rét đậm rét hại nhất năm nên không đêm nào anh Hùng ngủ được. Để tránh rét, người này phải lượm nhặt từng thùng bìa các tông, xếp kín hai hàng ghế đá để tạm nghỉ.

Đêm giá buốt của người nhà bệnh nhân vạ vật hành lang bệnh viện, "màn trời chiếu đất"- Ảnh 4.

Có người lấy tạm thùng giấy quấn quanh ghế để ngủ vơi bớt lạnh giá. Ảnh: Gia Khiêm

"Hôm nay lạnh quá, nhiều người như tôi phải chọn ghế đá, hành lang để ngủ. Không phải vì sợ tốn tiền mà chúng tôi không dám thuê phòng bên ngoài vì người thân đang cấp cứu, bác sĩ có thể gọi bất cứ lúc nào. Chính vì vậy không còn lựa chọn nào khác ở đây cho yên tâm. Thêm nữa, nhà có người cấp cứu nên cũng chẳng có tâm trí để nghỉ ngơi", anh Hùng chia sẻ.

"Không có gì khổ bằng việc nhà có người ốm"

Quấn chặt chiếc chăn nhung vào người, chị Mai Hoa (quê Hoà Bình) vẫn không giấu nổi nét mặt tím ngắt vì lạnh. Chị chia sẻ, nhà có người thân bị đột quỵ nên chị ở viện 2 ngày nay. Hiện người thân đang được các bác sĩ tích cực theo dõi, trong viện có một người chăm non. Chị Hoa thì ở ngoài phòng khi cần mua thuốc, thanh toán viện phí hay hỗ trợ cơm nước cho người nhà.

Đêm giá buốt của người nhà bệnh nhân vạ vật hành lang bệnh viện, "màn trời chiếu đất"- Ảnh 5.

Nhiều người ngồi sát vào nhau, co ro trong cái lạnh. Ảnh: Gia Khiêm

"Không có gì khổ bằng việc nhà có người ốm. Hai ngày nay tôi với người thân thay nhau chăm nom. Người thì ở trong viện, người thì ở bên ngoài túc trực để mỗi khi có việc gì xử lý cho nhanh. Cũng may bệnh viện cũng đã bố trí máy sưởi ngoài trời nếu không chắc nhiều người chết cóng mất. Hôm trước lạnh còn kèm theo mưa buốt. Hôm nay thời tiết lạnh hơn nhưng may không bị mưa. Lâu rồi tôi mới cảm nhận rõ cái lạnh Hà Nội đến như vậy", chị Mai Hoa tâm sự.

Ở bên ngoài Trung tâm Cấp cứu, đêm lạnh thấu xương, giấc ngủ chập chờn vẫn không thành vấn đề đối với người nhà bệnh nhân. Điều quan trọng, sau cánh cửa kia, họ vẫn đau đáu về tin tức, sức khỏe về người thân của mình. Ai ai cũng mong người nhà của mình sẽ sớm bình phục. Dù gió sương, rét mướt trong cái lạnh cắt da thịt, nhiều người trong số họ cũng phải tập để thích nghi, để ở gần mong ngóng người trong gia đình mình được trở về nhà... Nơi bình yên, ấm áp nhất!

PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, rét đậm kéo dài, số bệnh nhân bị bệnh đột quỵ và những bệnh lý tim mạch khác đều gia tăng do 3 nguyên nhân sau: Thứ nhất, trời lạnh, huyết áp sẽ tăng là nguyên nhân thường gặp gây đột quỵ; Thứ 2, thời tiết lạnh làm co mạch, máu dễ bị đông hơn có thể gây tắc nghẽn - Đó cũng là nguyên nhân gây đột quỵ; Lý do thứ 3 thường thấy là môi trường lạnh, người dân dễ mắc một số bệnh nhiễm trùng và điều này là cơ hội cho những người có bệnh nền trước đó dễ bị đột quỵ hơn.

PGS.TS Mai Duy Tôn cho rằng, nhiệt độ lạnh có thể làm mạch máu co lại, gây tăng huyết áp. Và nó cũng có thể làm máu cô đặc lại, có thể dẫn đến hình thành cục máu đông. Trong mùa Đông lạnh, nhiều người trở nên lười vận động tập thể thao hơn. Và đây cũng có thể là một yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ đột quỵ. Một lời giải thích nữa là trời lạnh mang lại nhiều căng thẳng stress cho cơ thể kết hợp những thói quen không lành mạnh như ăn và uống quá nhiều.

Những ngày rét đậm, rét hại, người có bệnh lý huyết áp cần kiểm soát tốt huyết áp, theo dõi các chỉ số thường xuyên, uống thuốc theo chỉ định, kiểm soát mỡ máu. Giữ ấm cơ thể khi ra ngoài trời lạnh, không nên dậy tập thể dục quá sớm. Nên chuyển tập thể dục buổi sáng sớm sang buổi chiều vì khi đó nhiệt độ ấm áp hơn và cơ thể đã thích nghi trong ngày.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, không khí lạnh tăng cường đã ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ.

Hôm nay (23/1), không khí lạnh tăng cường mạnh sẽ ảnh hưởng đến các nơi khác ở Trung Trung Bộ, sau đó đến một số nơi ở Nam Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh cấp 3, vùng ven biển cấp 4-5, giật cấp 6-7; trên vịnh Bắc Bộ cấp 7, giật cấp 9.

Khu vực phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa-Nghệ An đã xảy ra rét hại; khu vực Hà Tĩnh có nơi trời rét đậm, rét hại. Từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế trời rét, có nơi rét đậm.

Theo cơ quan khí tượng, trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến từ 7-10 độ, khu vực vùng núi Bắc Bộ từ 2-5 độ, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ; khu vực Bắc Trung Bộ từ 9-11 độ; khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế từ 13-16 độ.

Trong hôm nay, mức nhiệt độ trên ở hầu khắp các khu vực đều đạt ngưỡng thấp nhất này.

Nhiệt độ được cập nhật lúc 6h sáng nay, nhiều nơi ở vùng núi xuống dưới 5 độ, trong đó, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) xuống thấp nhất với âm 0,9 độ; Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 2 độ; Đồng Văn (Hà Giang) 2,2 độ; Sa Pa (Lào Cai) 3,7 độ; Trùng Khánh (Cao Bằng) 3,8 độ; Mộc Châu (Sơn La) 4,4 độ.

Đáng lưu ý, ở một số khu vực đồng bằng, trung du Bắc Bộ, nhiệt độ nhiều nơi xuống dưới 10 độ như Hải Phòng 8 độ; Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình đều ở mức 9 đến dưới 10 độ; riêng thủ đô Hà Nội cũng xuống còn mức 9,9 độ,...

Dự báo từ 7-8h, nhiệt độ ở các khu vực trên ít thay đổi. Các chuyên gia khí tượng nhận định, đây có thể là đợt rét kỷ lục từ đầu mùa đông đến nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem