Người Mông ở Cực Mốc hết... cực khổ

Thứ ba, ngày 08/04/2014 09:04 AM (GMT+7)
Đỉnh núi vòi vọi cao trong quần thể núi non ở xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) mang tên Cực Mốc từ bao giờ, không ai nhớ nữa. Chỉ biết rằng người Mông mỗi khi mất mùa, đói ăn, bệnh tật đều hướng về đó mà cầu nguyện xin. Nhưng đó là chuyện ngày xưa...
Bình luận 0
Thời của thiếu đói

“Chục năm về trước, có ngủ mơ cũng chẳng ai dám tin Xà Hồ sẽ có ngày hôm nay. Bà con người Mông chốn thâm sơn này vốn quen sống du canh, du cư nay đó mai đây, lại sinh đẻ nhiều nên đói rách quanh năm. Khi được Nhà nước quan tâm hỗ trợ thì đa phần bà con nảy sinh tâm lý ỷ lại. Cứ hễ thiếu đói là trông chờ hàng cứu trợ... Cũng may cái bệnh ấy giờ đã được chữa khỏi!”- cựu chiến binh Giàng A Tủa bồi hồi kể lại.

Đó là những năm chính quyền Xà Hồ đi vận động từng hộ dân tham gia sản xuất tại cánh đồng Tàng Ghênh. Nhiều người dân không hiểu tưởng Đảng và Nhà nước bắt nhân dân phải lao động cực nhọc. Bà con quan niệm rằng cứ đi đốt hết cái nương này rồi đến cái nương kia mà trồng sắn, trồng lúa nước là có cái ăn, cứ đẻ đông con sẽ có thật nhiều người làm thì việc gì mà phải sợ đói nữa.
Đồng bào dân tộc đã biết cách làm ăn theo lối mới, cấy lúa nước hai vụ, trồng ngô lai... (Ảnh minh hoạ - Nguồn: VGP)
Đồng bào dân tộc đã biết cách làm ăn theo lối mới, cấy lúa nước hai vụ, trồng ngô lai... (Ảnh minh hoạ - Nguồn: VGP)

Bụng nghĩ sao làm vậy, nên khi cán bộ khuyến nông đến tuyên truyền vận động người Mông xuống núi làm vụ xuân, nhiều gia đình đã rủ nhau đi lánh, một số còn làm lễ cúng ma, mong cho cái nước của Giàng không về cánh đồng Tàng Ghênh để không phải cấy lúa, không phải lao động cực nhọc.

Để thay đổi thói quen canh tác và đặc biệt là nhận thức của đồng bào Mông không phải là chuyện dễ thực hiện, phải bằng thời gian và công việc cụ thể, lãnh đạo địa phương đã họp và thống nhất như vậy. Để có sức thuyết phục bà con, các cán bộ xã và trưởng thôn bản, dòng họ đã gương mẫu làm trước để những người trong bản, trong họ nhìn thấy hiệu quả mà làm theo. “Mưa dầm thấm lâu”, chỉ sau vài ba năm người Mông từ các triền núi đã lần lượt rủ nhau hạ sơn để định canh định cư, ổn định cuộc sống...

Bản Mông vào vụ mới

Về Xà Hồ vào những ngày cuối xuân thời tiết đang ấm lên. Trên cánh đồng Tàng Ghênh, bà con người Mông ở các thôn Háng Sê, Sáng Pao, Háng Thồ đang chăm sóc cho diện tích lúa xuân hè mới được gieo cấy theo đúng lịch thời vụ được hướng dẫn.

"Hy vọng trong một tương lai không xa, Xà Hồ sẽ có nhiều triệu phú, trình độ văn hóa của con em trong xã sẽ được nâng cao hơn nữa...”.

Ông Mùa A Đế

Những năm qua, nhờ gieo cấy hai vụ lúa, đồng bào Mông Xà Hồ không những đủ ăn mà còn có cả lúa gạo để phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm, cuộc sống đã bớt đi những khó khăn, nhiều hộ đã có của ăn của để.

Năm 2013 vừa qua, 135ha lúa nước xuân hè của xã đã cho năng suất đạt 45 tạ/ha; vụ mùa cấy trên 176ha, năng suất đạt 38,3 tạ/ha; tổng sản lượng thóc cả năm ở Xà Hồ đạt gần 1.360 tấn. Toàn xã còn trồng 336ha ngô đồi vụ xuân và 115 ha ngô vụ hè thu, sản lượng thu được gần 1.000 tấn, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân và giải quyết thức ăn chăn nuôi.

Hiện nay, toàn xã có 481 con trâu, 445 con bò, 961 con lợn, 406 con ngựa, 714 con dê và 7.262 con gia cầm các loại. Công tác khoanh nuôi bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, duy trì tốt diện tích rừng hiện có, kịp thời ngăn chặn nạn phát rừng làm rẫy và khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn cũng được chính quyền xã quan tâm thường xuyên.

Chủ tịch UBND xã Mùa A Đế cho biết: “Có thể nói đời sống của người Mông ở Xà Hồ đã khấm khá hơn xưa rất nhiều nhờ sự quan tâm đúng mức của Nhà nước. Toàn xã có 497 hộ, gần 3.000 khẩu thì tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2013 còn 75,7% (giảm 3% so với năm 2012), đời sống văn hóa - xã hội được cải thiện, tình hình địa phương được giữ ổn định”.
Nguyễn Trương Minh (Nguyễn Trương Minh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem