Người Cơ Tu đón Tết trên đỉnh Trường Sơn

Chủ nhật, ngày 22/01/2012 07:16 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Những ngày đầu mùa xuân mới, chúng tôi có cuộc hành trình trên con đường Hồ Chí Minh mới mở rộng thênh thang và có dịp chứng kiến đồng bào Cơ Tu chuẩn bị đón Tết.
Bình luận 0

Trên đường đi, chúng tôi đã gặp những ngôi làng của người Cơ Tu ở Quảng Nam nằm vắt giữa lưng chừng núi, với bạt ngàn mây và sương sớm trong ánh nắng mai chan hòa. Trên đồi, những bông hoa pơ lăng nở trắng xoá. Dọc triền sông A Vương, hoa đhavai nhuộm thắm đôi bờ. Công việc nương rẫy tạm xong, ngô thóc đã được phơi khô cất vào nhà kho, người dân bản địa lục tục rời những ngôi nhà rẫy trong rừng xa về làng chuẩn bị đón Tết.

img
Làm bánh sừng trâu mừng mùa xuân mới.

Con đường Hồ Chí Minh đi ngang qua 2 huyện Đông Giang và Nam Giang này đã kéo người Cơ Tu gần lại với người Kinh, và những đổi thay cũng đã xuất hiện. Người phụ nữ Cơ Tu không còn thì thụp bên cối gạo thâu đêm hay còng lưng dưới những gùi nước nặng từ những máng xa. Bể nước sạch đã được xây dựng nhiều nơi.

Việc chuẩn bị đón Tết của người Cơ Tu bắt đầu bằng việc ủ rượu cần. Rượu cần ủ càng lâu càng nồng đượm, càng được nước, càng thơm ngon. Để có rượu cần hảo hạng, người Cơ Tu phải dùng loại nếp huyết có màu đỏ thẫm đồ lên ủ với men rượu đặc chủng được làm bằng bột gạo trộn với các loại thực vật phơi khô trên giàn bếp.

Nếu ở Tây Nguyên đồng bào uống rượu cần tập thể bằng cách bỏ nhiều cần cùng một lúc vào ché rượu để uống thì người Cơ Tu chỉ cắm một cái cần duy nhất vào ché rượu để hút rượu ra các vỏ bầu khô, ống nứa, ấm,… và rót ra bát hay cốc để mời khách. Hút hết rượu nước nhất ra lại đổ tiếp nước lã vào, để một chốc lại hút tiếp rượu nước nhì, cứ thế cho đến khi rượu nhạt.

Tùy theo mức độ thân, sơ với chủ nhà mà khách được mời loại rượu đậm, nhạt. Rượu nước nhất rất sánh, thơm nồng, uống vào có vị ngọt nhưng uống dễ say và say rất dai dẳng. Ngày xưa, đồng bào chỉ dùng xôi nướng trong ống nứa tươi, còn ngày nay, đồng bào cũng học gói bánh tét, bánh chưng.

Trong dịp Tết đồng bào không có kiêng kỵ gì. Thanh niên có thể đi chơi Tết từ chiều 30 đến mùng 3 Tết mới trở về.

Trước Tết độ một tuần, đồng bào thường đánh cá tập thể ở những con sông lớn bằng cách ngâm các loại vỏ cây làm cá say hoặc đắp bờ, mở lối thoát cho nước cạn rồi bắt cá, rồi xông khô, bỏ vào ống nứa trên giàn bếp và cũng được chế biến như thịt khô. Ngoài ra, cá còn được nướng trong ống cho cháy ống, như được phơi, rồi để nguyên như vậy cho đến khi ăn.

Để đón Tết, nhà nhà quét dọn nhà cửa, sân bản. Trong nhà trang trí thật vui mắt bằng các loại vải tự dệt màu sắc sặc sỡ. Hầu như trên nóc nhà nào cũng treo một lá cờ Tổ quốc và trên bàn thờ Bác Hồ mỉm cười hiền hậu nhìn xuống mọi người...

Trên con đường mùa xuân, chúng tôi ngang qua những bản làng, được mời chào đón Tết với những hoạt động náo nhiệt, vui tươi trong những ngày nhàn nhã, no đủ. Trên nương, bên bờ suối, các cô gái Cơ Tu vẫn hát véo von. Người Cơ Tu trên non ngàn đông Trường Sơn mỗi năm lại đón một cái tết như thế, khi cuộc sống của họ ngày một khấm khá hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem