Người anh hùng chưa được vinh danh

Thứ sáu, ngày 04/02/2011 13:19 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Người ta gọi ông là GS -TS hay là chuyên gia gì đó, còn tôi, dưới góc độ báo chí lại muốn nói rằng: Ông là người anh hùng của nông dân.
Bình luận 0

Đó là GS -TS Nguyễn Lân Hùng - Giám đốc Trung tâm Sinh học thực nghiệm, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. 

Thoạt đầu, tôi cứ băn khoăn: Ông sinh ra và trưởng thành trong gia đình trí thức lớn của Việt Nam. Cha là GS-NGND Nguyễn Lân. Sáu anh em ông nối nghiệp cha đều là GS- TS. Vậy mà ông lại rất nặng lòng với nông dân?

Ông quẳng câu hỏi lại cho tôi: "Hơn 70% dân số Việt Nam là nông dân, làm khoa học ở Việt Nam mà không vì nông dân thì làm khoa học cho ai?”.

3.000 đồng là có một nghề

Tuần nào ông cũng xuất hiện trên VOV, VTV vài ba phút và trên Báo NTNN tầm khoảng 6-7 trăm chữ chỉ để hướng dẫn nông dân cả nước con đường ngắn và đơn giản nhất thoát khỏi đói nghèo.

img
GS-TS Nguyễn Lân Hùng giới thiệu những cuốn sách dạy nghề cho nông dân của ông.

Vài chục năm trở lại đây, ông đã viết gần bốn chục đầu sách dạy nghề trong Chương trình 100 nghề cho nông dân do chính ông làm chủ nhiệm. Sách của ông siêu mỏng và siêu rẻ: Chỉ có 45-50 trang khổ nhỏ, 10.000đồng/cuốn. Người nông dân chỉ mất 10.000 đồng là có một nghề. Nếu mượn sách photocopy chỉ mất 3.000 đồng là cũng có được một nghề. Anh nông dân Nguyễn Quốc Khánh ở Đăk Min, Đăk Nông mua cuốn sách "Nghề nuôi nhím" của ông và quyết định đầu tư nuôi nhím.

Chỉ một năm sau trong chuồng đã có 400 con nhím, thu lãi vài trăm triệu đồng mỗi năm. Bà Vi Thị Thanh Liễu ở Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk), người có vườn nhím to nhất và sạch nhất Việt Nam, thu lãi 1,9 tỷ đồng/năm bắt đầu khởi nghiệp từ 10.000 đồng mua sách "Nghề nuôi nhím" của ông. Ở tỉnh Sơn La, số người nuôi nhím đông đến mức người ta đã thành lập hẳn một hội nuôi nhím cấp tỉnh với 6 chi hội cấp huyện. Tất cả đều bắt đầu từ cuốn "Nghề nuôi nhím".

Đào hầm nuôi ba ba cùng nông dân

Năm 1989, biết ông là người chuyên dạy nghề cho nông dân, anh nông dân Đinh Bá Cường ở Hải Dương tìm đến tận nhà riêng của ông xin được học nghề nuôi ba ba, với lý do cha anh là người chuyên đi bắt ba ba, còn anh chỉ muốn nuôi chứ không muốn đi bắt. Lúc ấy trong tay ông không có miếng tài liệu nào về ba ba. Song, quý trọng sự cầu thị của Cường, ông vẫn nói cứng: "Về đi, hai tuần nữa lên đây tao dạy cho".

Cường về Hải Dương, còn ông thì lục tung Thư viện Quốc gia, Thư viện Hà Nội và Thư viện ĐH Nông nghiệp I lên mà không tìm ra tài liệu nào nói về ba ba. Tìm đến Trung tâm Thông tin Bộ Thủy sản, trên bàn ông Giám đốc chất đầy một đống sách. Ông lục cầu may và gặp ngay một cuốn sách của Đài Loan có 3 trang nói về ba ba.

Ông cấp tốc dịch tại chỗ, rồi sớm hôm sau đạp xe đi Hải Dương bàn với Đinh Bá Cường cách thức nuôi ba ba. Không chỉ phải đào ao nuôi ba ba, mà còn phải đào hầm cạnh bờ ao khoét "lỗ châu mai" để rình xem ba ba đẻ cách nào. Mỗi tuần 2 lần ông đạp xe đạp "khứ hồi" Hà Nội - Hải Dương. Ròng rã nửa năm trời, ông mới phát hiện ra ba ba sống dưới nước nhưng đẻ trứng ở trên cạn.

Đinh Bá Cường trở thành người nuôi ba ba thành công đầu tiên ở VN. Còn ông thì viết sách "Nghề nuôi ba ba" hướng dẫn nông dân nuôi ba ba theo cách mà ông cùng với Cường thực nghiệm.

Dạy nghề ở nơi không làm nghề gì được

Năm 2008, vào Bình Thuận, ông được đãi mấy món đặc sản chế biến từ thịt nhông (dông). Hỏi chuyện, mới hay món đặc sản này có nguồn gốc từ xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, Bình Thuận. Người dân ở đây phải đi đào cả buổi mới bắt được vài con nặng khoảng vài ba lạng nên giá rất đắt. Con dông sống trên cồn cát nơi không có con vật gì sống được.

Ông quyết định về Hòa Thắng và ở lại đây cả tuần để nghiên cứu môi trường sống, tập tính của loài dông Hà Nội, ông lại đi truy tầm tài liệu nói về dông. Tháng sau, ông trở lại Hòa Thắng với một tập tài liệu hướng dẫn nuôi dông khá hoàn chỉnh. Ông Nguyễn Chiến - Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng hưởng ứng thực nghiệm. Đến giờ ở Hòa Thắng đã có hàng trăm gia đình nuôi dông với số lượng hàng ngàn con. Giá dông là không rẻ: 250-300 nghìn đồng/kg.

Tâm niệm lời Bác dạy

img Một mình tôi không thể có nổi khối kiến thức khổng lồ về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, vì thế tôi luôn luôn kêu gọi sự giúp đỡ hợp tác từ các nhà khoa học, các trường đại học, các viện khoa học hãy cùng tôi xắn tay hành động vì nông dân. img

Nông dân khao khát gặp ông vì ông luôn mang đến cho họ những hiểu biết đơn giản mà vô cùng thiết thực. Ông nói, khi viết sách dạy nghề cho nông dân, ông luôn nhớ tới lời dặn của Bác Hồ: Viết cái gì và viết cho ai. Vì vậy, ông luôn đơn giản hóa lý luận, ngắn gọn hóa quy trình, cụ thể hóa thao tác. Viết dài, nông dân không có thời gian đọc, mà có đọc cũng không nhớ nổi. Nông dân cần cái cụ thể của thao tác để đạt tới cái cụ thể của hiệu quả sản xuất, họ không cần cái hình thức chung chung.

Trên dưới hai chục năm gần bốn chục đầu sách, với số lượng phát hành 1.000 sách/lần xuất bản (trong đó phần lớn đã tái bản). Chỉ tạm tính số gia đình nông dân áp dụng nghề tương ứng với số sách đã phát hành (chưa tính sách photocopy) thì trong ngần ấy năm đã có tới gần bốn chục ngàn gia đình thoát khỏi đói nghèo (và một số đã trở thành tỷ phú) nhờ tủ sách "Chương trình 100 nghề cho nông dân" của ông.

Ông nói với tôi: "Muốn nông dân có nghề phải phối hợp, kết hợp với nông dân để truyền nghề cho họ, chứ không phải trường lớp đào tạo, tập huấn theo cách dạy nghề đang phổ biến hiện nay".

Với tấm lòng từ tâm tự nguyện và ý nghĩa nhân văn, nhân bản, nhân nghĩa, nhân ái và hiệu quả kinh tế, xã hội to lớn từ những cuốn sách siêu mỏng, siêu rẻ của ông, tôi khẳng định, ông là người Anh hùng chưa được vinh danh.

Bà con nông dân nào cần GS-TS Nguyễn Lân Hùng tư vấn xin gọi về số 04.38347654, 0913302718, ông sẽ rất vui lòng giúp đỡ.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem