Nghịch lý như... cổ vật Việt

Thứ tư, ngày 08/04/2015 13:43 PM (GMT+7)
Đưa cổ vật hồi hương là một trong những nỗ lực nhằm bảo vệ di sản văn hóa Việt. Nhưng hiện còn rất nhiều cổ vật Huế nói riêng và những hiện vật, di sản văn hóa có giá trị trong nước cần được chung tay bảo vệ tốt hơn nữa. 
Bình luận 0

img
Xe kéo tay của thân mẫu vua Thành Thái tới đây sẽ được đưa về Việt Nam 

Những chuyện vui buồn

Thông tin về việc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chi hơn 1 tỉ đồng để đưa chiếc xe kéo tay của vua Thành Thái về nước tới đây khiến giới nghiên cứu và người dân rất quan tâm. Bởi trước đó trong năm 2014, có 2 cổ vật Việt Nam được mua đấu giá tại Pháp là chiếc long sàng của vua Thành Thái và chiếc xe kéo tay mà vua Thành Thái tặng Thái hậu Từ Minh.

Trong gần 1 năm qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phải nỗ lực rất nhiều để có thể đưa chiếc xe kéo tay nói trên hồi hương. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là kinh phí. Chiếc xe kéo được mua đấu giá khi ấy là 55.800 Euro, chưa kể khoản chi phí vận chuyển. Sở dĩ chiếc xe nói trên được Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế quyết đưa về Việt Nam bởi đây là cổ vật có giá trị, gắn với một giai đoạn lịch sử.

Từ kỹ thuật chế tác, vật liệu sử dụng đến hoa văn chạm khảm trên thân xe… đều là những minh chứng cho  bản sắc văn hóa thuần Việt dưới thời nhà Nguyễn. Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, hiện có hàng trăm nghìn cổ vật của Việt Nam và Huế đang lưu lạc ở nước ngoài. Phần lớn những cổ vật đó, hiện nay đang được trưng bày tại nhiều bảo tàng ở Pháp. 

Nhưng từ câu chuyện đấu giá chật vật cổ vật triều Nguyễn lâu nay thì thấy rằng, phải có tiền mới đưa được cổ vật Việt hồi hương.

Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi được biết hiện còn nhiều cổ vật quý hiếm triều Nguyễn đang còn lưu lạc đâu đó ngay trong nước. Lâu lâu lại có những phát hiện về cổ vật triều Nguyễn âu cũng nhờ cả vào người dân. Chẳng hạn như vào năm 2007, người dân thị trấn Thuận An, Thừa Thiên - Huế) vớt được 9 khẩu thần công ngoài khơi.

Khi ấy những người tâm huyết với cổ vật đã báo cáo với lãnh đạo Bảo tàng của tỉnh. Nhưng lúc bấy giờ cho rằng đây là súng mới nên Bảo tàng không mấy mặn mà. Vậy là 5 trong số 9 khẩu súng ấy đã được bán cho chủ một vựa phế liệu ở Quảng Trị, 4 khẩu súng còn lại được xác định là chế tác vào thời chúa Nguyễn, thuộc hàng quý và đẹp. Sau đó đã được đưa về lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử Cách mạng tỉnh.

Tiếp đó vào năm 2011, Bảo tàng Lịch sử và cách mạng Thừa Thiên- Huế cũng đã tiếp nhận 52 quả đạn thần công thời vua Nguyễn từ Công an phường Phường Đúc (TP. Huế) thu được từ những người rà phế liệu tại bờ kè đang thi công bên sông Hương, đoạn gần ga Huế.

Sau đó, Bảo tàng đã chia cho Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế một nửa để cùng trưng bày. Năm 2012, một số công nhân đang làm công trình ở Ngự Hà và Đường 23-8 đã phát hiện 30 quả đạn và 1 súng thần công đã báo cho Bảo tàng Lịch sử và cách mạng tỉnh… 

Cổ vật Việt Nam đang "chạy” ra nước ngoài 

Theo qui định của Luật Di sản hiện hành, cổ vật dù ở dưới nước hay trong lòng đất khi được phát hiện đều thuộc sở hữu Nhà nước. Và Điều 41- Luật Di sản sửa đổi qui định: Tổ chức, cá nhân phát hiện, giao nộp di vật, cổ vật được bồi hoàn chi phí phát hiện, bảo quản và được thưởng một khoản tiền theo quy định của Chính phủ.

Nhưng trên thực tế, lâu nay chế độ bồi dưỡng cho những người báo tin khi phát hiện cổ vật rất thấp, chẳng là gì so với giá trị hiện vật trên thị trường. Do đó hầu hết cổ vật sau khi phát hiện, bị khai thác và tẩu tán gần hết, thông tin đến với cơ quan chức năng thường đã quá muộn. 

Trong 2 năm 2013 và 2014, người dân ở vùng biển Bình Châu (Quảng Ngãi) đã đổ xô trục vớt cổ vật trái phép từ xác con tàu đắm tại khu vực này. Cũng bởi hầu hết những con tàu cổ đắm đều do ngư dân địa phương phát hiện, chính vì thế mà họ thường lấy đi cổ vật trước khi báo cho cơ quan chức năng. Cuối năm 2014, tại Hội thảo khoa học quốc tế về khảo cổ học dưới nước được tổ chức tại Quảng Ngãi, PGS Nguyễn Giang Hải, Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam cho rằng, nạn ăn cắp cổ vật từ những con tàu đắm cũng chính là sự phá hoại di sản văn hóa biển đang diễn ra nghiêm trọng.

Theo GS Hải, câu chuyện khai thác cổ vật đặt ra 2 vấn đề: người dân tự ý trục vớt, khai thác  trái phép cổ vật ở tàu đắm  thường gây vỡ nát, thất thoát nhiều cổ vật quý giá.

Mặt khác do thiếu kinh phí điều tra, nghiên cứu, khảo sát, khai quật nên phần lớn việc này diễn ra dưới hình thức xã hội hóa, bằng cách kết hợp giữa cơ quan nhà nước với các công ty tư nhân trong và ngoài nước. Kết thúc khai quật, số lượng lớn cổ vật được phân chia cho công ty tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài gây ra nạn "chảy máu cổ vật”. 

Vậy thì bảo tồn cổ vật Việt Nam như thế nào, PGS Mark Staniforth, trường Đại học Monash (Australia), chuyên gia khảo cổ di sản văn hóa dưới nước chia sẻ, các nhà khoa học, nhà khảo cổ cần giúp người dân hiểu được giá trị di sản gắn với bảo tồn, khai thác du lịch cải thiện thu nhập cho họ thì mới bền vững lâu dài. 

Nhưng đó cũng là câu chuyện rất dài. Từ thực tế chuyện khai quật tàu cổ trên biển hiện nay, nhất là ở Quảng Ngãi đã phần nào minh chứng công tác quản lý, bảo tồn di sản mà chúng ta đang có nói chung và hiện vật quý hiếm nói riêng còn quá lỏng lẻo.

Chúng tôi đã có dịp tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm tại thành phố Đà Nẵng. Lạc bước trong Bảo tàng, hẳn nhiều người sẽ ngỡ ngàng, xuýt xoa trước những tác phẩm điêu khắc của nền văn minh Chămpa cách đây gần 15 thế kỷ. Phần lớn  hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng này đều là những hiện vật khảo cổ học, hoặc từ phát hiện của người dân.  Đơn cử như bảo vật quốc gia Tượng Bồ tát Tara được làm bằng đồng nguyên chất, cao 1,15m, được người dân Đồng Dương (xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) phát hiện vào năm 1978 khi đang cày ruộng. 

Mong sao có thêm nhiều mô lưu giữ hiện vật như Bảo tàng điêu khắc Chăm. Làm được như vậy, di sản văn hóa và cổ vật quý hiếm trong nước sẽ được bảo vệ tốt hơn.

TS. Phạm Quốc Quân, Ủy viên Hội đồng Di sản Việt Nam: Cần có định hướng trong việc đưa cổ vật hồi hương 

Việc hồi hương cổ vật đang là định hướng chung của các quốc gia trên thế giới. Ở các nước đang phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc vấn đề này rất được quan tâm và triển khai rất rầm rộ và có quy mô. Nhưng với Việt Nam để làm được việc này cần có sự định hướng hết sức rõ ràng của nhà nước, ngoài ra còn là sự hỗ trợ về tài chính của các tổ chức, tập đoàn lớn. 
 
TS. Bùi Thị Thu Phương, Trung tâm Bảo tồn văn hóa Thăng Long: Phải xác định gốc gác cổ vật 

Cổ vật (đặc biệt rất nhiều cổ vật giá trị, có những cổ vật độc nhất vô nhị) của chúng ta hiện đang lưu lạc ở nước ngoài là con số lớn, có lẽ chưa ai thống kê được. Tại các bảo tàng, các viện nghiên cứu như Bảo tàng Guimet (CH Pháp), Viện Smithsonian (Washington DC, Hoa Kỳ) hiện đang trưng bày và lưu giữ một số lượng lớn cổ vật Việt Nam. Quan điểm của tôi, nếu chúng ta có điều kiện thu thập lại những cổ vât lưu lạc ở nước ngoài, chúng ta nên làm. Tuy nhiên đó phải là những hiện vật gốc và có lý lịch rõ ràng. 

Các bảo tàng từ Trung ương đến địa phương nếu có điều kiện thu mua cổ vật cũng nên làm. Đây là công việc cần thiết nhưng cần rất cẩn trọng, tránh mua phải cổ vật làm giả hoặc không rõ nguồn gốc.

 

(Theo Báo Đại Đoàn Kết)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem